Rủi ro vốn ngắn hạn cho vay bất động sản không thực sự "nghiêm trọng" như lập luận của Ngân hàng Nhà nước
Về lý thuyết, rủi ro thanh khoản có thể xảy ra khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Nhưng trên thực tế, điều này còn phụ thuộc vào việc nguồn vốn huy động ngắn hạn sẽ đi đâu tiếp?
- 08-03-2016Sửa Thông tư 36 “không giảm tín dụng cho bất động sản”
- 08-03-2016Ai sẽ chịu thiệt nhất khi sửa đổi Thông tư 36?
- 07-03-2016Dự thảo sửa đổi thông tư 36 tạo cơ hội cho BĐS?
- 04-03-2016Sửa thông tư 36: "Tín hiệu phát ra rất kịp thời"
- 03-03-20165 câu hỏi cùng chuyên gia để hiểu thông tư 36 ảnh hưởng đến BĐS lớn cỡ nào?
Mới đây, NHNN vừa lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo đó, NHNN đã sửa đổi, bổ sung về việc điều chỉnh lại tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Cụ thể, với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, tỷ lệ này được điều chỉnh giảm từ 60% xuống 40%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm từ 200% xuống còn 80%.
Theo lập luận của NHNN, việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn ẩn chứa rủi ro thanh khoản; và cần giảm tỷ lệ này đối với lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là cho vay trung dài hạn).
Theo số liệu thống kê của cơ quan này, tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn toàn hệ thống là 31%. Trong đó, NHTM Nhà nước ở mức 33,36%, NHTM cổ phần là 36,9%.
Lập luận này có vẻ rất đúng về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế lại không hẳn như vậy.
Giới ngân hàng cho biết đúng là nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay chiếm tỷ trọng lớn là ngắn hạn, tỷ lệ huy động vốn trung, dài hạn thấp. Tuy nhiên, về tổng thể, độ ổn định của vốn huy động trong hệ thống ngân hàng liên tục tăng lên trong thời gian qua. Các số liệu do chính NHNN công bố đã chứng minh điều này.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần khá lớn cho biết cụ thể hơn: “Tại ngân hàng chúng tôi và 1 số ngân hàng khác mà tôi biết thì 90% vốn huy động ngắn hạn đều tái tục, tức là gửi trở lại ngân hàng ngay khi đáo hạn. Lý do đa số người gửi tiền chọn kỳ hạn ngắn là vấn đề niềm tin. Họ không tin vào độ ổn định của lãi suất."
Phân tích thêm vị lãnh đạo này nói : "Tâm lý của người gửi tiền vẫn đang thăm dò thị trường. Người ta chỉ gửi kỳ hạn ngắn bởi họ kỳ vọng lãi suất sẽ còn tăng tiếp. Gửi kỳ hạn ngắn, họ có thể rút ra và gửi vào ngân hàng khác có khung lãi suất hấp dẫn hơn, hoặc gửi lại chính ngân hàng đó với mặt bằng lãi suất cao hơn. Cho dù vậy, thì tiền vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng. Không ai mang tiền về nhà để cất cả."
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia trong ngành cho biết nguồn vốn ngắn hạn nếu xem xét thêm ở tỷ lệ và tốc độ quay lại ngân hàng thì bản chất chưa chắc đã là vốn ngắn. Nếu chính sách ổn định, hạn chế được thanh toán tiền mặt, niềm tin người gửi tiền tốt, thì nguồn tiền trong xã hội lúc nào cũng nằm trong hệ thống ngân hàng 1 cách ổn định. Không nên quá sợ hãi mà để lãng phí nguồn vốn này trong khi nền kinh tế, mà cụ thể là ngành bất động sản - vốn là ngành liên quan đến rất nhiều ngành khác đang cần vốn để phát triển lâu dài. Cần có sự tính toán kỹ càng hơn trước khi quyết định "siết".
"Tôi nghĩ, rủi ro không thực sự nghiêm trọng như lập luận của Ngân hàng Nhà nước." vị chuyên gia này kết luận.
Trí Thức Trẻ