MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rút tiền ATM kẹt giờ cao điểm

23-01-2014 - 12:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Bắt đầu vào cao điểm chi lương, thưởng tết. Tại các điểm nóng như Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Sóng Thần..., tình trạng xếp hàng rút tiền, máy ATM trục trặc bắt đầu diễn ra.

Có mặt tại các điểm nóng, PV Tuổi Trẻ đã ghi nhận tình hình xảy ra không chỉ ở khu vực các khu công nghiệp, mà cả ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Trục trặc khắp nơi

11g30 ngày 21-1, tranh thủ giờ nghỉ trưa, lượng công nhân ra rút tiền tại ba trụ ATM của NH Đông Á trước cổng Công ty Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) mặc dù chưa nhiều nhưng cũng khiến một máy ATM “tê liệt”. Chị Cao Thị Thúy, công nhân tại đây, lắc đầu ngao ngán: “Dù ngày 23 công ty mới phát lương nhưng trưa nay ATM đã bị trục trặc rồi”. Ba trụ ATM của NH Đông Á thì có đến hai trụ trục trặc, rút mãi không được nên công nhân đổ dồn về trụ còn lại hoặc chạy sang máy ATM của các NH khác và chấp nhận chịu mất phí.

Tương tự, chị Hồ Thị Hồng Nga - công nhân Công ty Chutex (đường số 18, Khu công nghiệp Sóng Thần) - loay hoay mãi chưa rút được tiền vì máy ATM có nhận thẻ, nhận lệnh và nghe tiếng đếm tiền nhưng chờ hoài không thấy nhả tiền ra. Chị Nga cho biết ngày thường các trụ ATM ở đây hoạt động cũng rất thất thường, đặc biệt những ngày phát lương là ngày 10 và ngày 23 hằng tháng thì có khi xếp hàng cả tiếng cũng chưa chắc rút được tiền. “Công ty tôi có gần 7.000 công nhân, nếu NH cứ để tình trạng như thế này thì không biết liệu tết này có rút được tiền để về quê ăn tết không” - chị Nga lo lắng.

Theo ghi nhận tại Khu chế xuất Linh Trung II (Q.Thủ Đức, TP.HCM), anh Nguyễn Viết Quang - công nhân làm việc ở đây - cho biết anh cùng một số công nhân đi rút tiền tại một số trụ ATM của Vietcombank nhưng nhiều lần máy báo hết tiền hoặc không sẵn sàng giao dịch. 16g30 ngày 21-1, tại năm trụ ATM của Vietcombank trong Khu chế xuất Linh Trung II chỉ có bốn máy hoạt động được, một máy trong tình trạng “đang bảo trì”. Khi công nhân rút tiền được khoảng 30 phút thì hai máy khác bị “tê liệt”. Lúc này lượng công nhân tan ca rút tiền ngày một đông nên phải xếp thành hai hàng dài.

Ở khu vực trung tâm, tình trạng các máy ATM ngưng nghỉ, nghẽn mạng diễn ra khá phổ biến. Khảo sát một vòng tại các quận 1, 3, Phú Nhuận, rất nhiều máy ATM trong tình trạng không hoạt động. Chiều 22-1, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại máy ATM của Agribank chi nhánh Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), rất nhiều người không thể rút tiền vì màn hình của ATM này đen kịt, chỉ hiện dòng chữ “Sorry...”. Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết trước đó đã đi qua một ATM khác của Agribank cũng không rút được, đến chi nhánh này máy cũng trong tình trạng tương tự. Một nhân viên của Agribank giải thích với khách hàng này là do máy ATM nghẽn mạng từ trưa và tiếp tục hướng dẫn khách hàng qua điểm giao dịch khác.

Đối diện đó, ATM của NH Phương Đông (OCB) cũng không thể hoạt động. Nhân viên NH này dán tờ thông báo “ATM ngưng hoạt động để nâng cấp kỹ thuật”.

Kẹt vào “giờ cao điểm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng máy ATM của NH Đông Á trước cổng Công ty Chutex bị trục trặc trưa 21-1, ông Chu Hồng Minh - giám đốc trung tâm ATM của NH Đông Á - thừa nhận thực tế dù NH đã lên kế hoạch chuẩn bị từ trước nhưng người lao động thường tập trung rút tiền thời điểm trưa và cuối ngày khi tan ca, với lượng hàng ngàn công nhân rút liên tục trong một thời điểm, do vậy NH khó đảm bảo máy không trục trặc, sự cố. Chưa kể nhiều người do không đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tài khoản nên khi nghe thông tin doanh nghiệp chi lương thưởng cũng xếp hàng kiểm tra số dư dẫn đến tình trạng nghẽn cục bộ. “NH đã đưa danh sách máy ATM tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vào diện ưu tiên nhân lực để đảm bảo xử lý nhanh nhất khi có sự cố xảy ra” - ông Minh nói.

Còn ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng ATM Vietcombank chi nhánh TP.HCM, sau khi nhận được phản ảnh về tình trạng máy ATM tại Khu chế xuất Linh Trung đã kiểm tra lại và cho biết chiều 21-1 hai máy ATM tạm ngưng giao dịch là do bị hết cuộn nhật ký trong máy. Ông Hà cho biết bảo vệ tại đây đã thông báo cho chi nhánh và 15 phút sau đó NH khắc phục xong.

Trong khi đó, đại diện Agribank cũng cho biết sẽ kiểm tra lại vì sao máy ATM tại chi nhánh Phan Đình Phùng bị trục trặc và khắc phục ngay, trừ trường hợp bất khả kháng như hư hỏng thiết bị...

Về vấn đề phục vụ ATM dịp tết, chiều 21-1 NH Nhà nước TP.HCM và đại diện Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp đã họp với các NH thương mại trên địa bàn TP.HCM. Theo ước tính của NH Nhà nước TP, với trên 1.000 doanh nghiệp và 271.000 lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và mức lương, thưởng tết trung bình 7-8 triệu đồng/người, số tiền cần chi qua ATM vào khoảng 2.000-2.500 tỉ đồng. Trong đó điểm nóng nhất là Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Khu công nghiệp Bình Chiểu với 80.000 lao động.

Nên trả thưởng sớm

Tại cuộc họp này, các NH cũng nêu ra cái khó của mình trong việc chi lương, thưởng tết. Do hầu hết doanh nghiệp tập trung chi lương, thưởng cho người lao động vào những ngày cuối dẫn đến áp lực rất lớn cho các NH vì làm tăng đột biến nhu cầu rút tiền, trong khi số lượng máy ATM không thể tăng nên sẽ dẫn đến quá tải, sự cố. Theo các NH, muốn giải quyết thông suốt chuyện lương, thưởng tết cần sự phối hợp của cả ba bên: NH, doanh nghiệp và người lao động, chứ nếu một mình NH thì dù nỗ lực đến đâu cũng không giải quyết nổi.

Ông Huỳnh Song Hào, phó giám đốc Vietcombank TP.HCM, nói tâm lý của nhiều chủ doanh nghiệp là sợ chi lương, thưởng sớm công nhân sẽ nghỉ về quê nên để ngày làm việc cuối mới chi lương, thưởng. Việc này dẫn đến có hàng chục ngàn người cùng đổ xô rút tiền một lúc thì không máy ATM nào chịu nổi. Ông Hào đề xuất phương án thay vì trả lương, thưởng một lần, các doanh nghiệp nên chia thành nhiều đợt hoặc trả lương cuốn chiếu, phân ra nhiều phân xưởng, chi trả sớm hơn và thời gian kéo dài hơn để tránh tình trạng quá tải, rồng rắn xếp hàng và cũng giảm bớt áp lực cho NH.

Theo Ánh Hồng - Đình Dân

hangnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên