MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Sáng 25/12] Vụ Huyền Như: Luật sư đề nghị điều tra lại phần liên quan Navibank

25-12-2014 - 10:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là Huyền Như phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Navibank, theo luật sư Trương Thanh Đức là không hợp lý.

11h30: Phiên tòa kết thúc sau phần bào chữa của luật sư Ngoan. Chiều nay tòa tiếp tục phần bào chữa của các đương sự liên quan đến vụ án.

11h05’: Cuổi buổi sáng nay, luật sư Nguyễn Văn Ngoan đưa luận điểm bào chữa cho bị cáo Huyền Như.

Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao; đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX hủy một phần bản án liên quan đến tội Chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại 5 công ty: Hưng Yên, SBBS, Toàn cầu… để điều tra hành vi Tham ô tài sản đối với Huyền Như.

Theo ông Ngoan, Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết tại tòa sơ thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của bị cáo.

Việc tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị điều tra tội danh Tham ô tài sản đối với Như, ông luật sư cho rằng như vậy sẽ bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định.

“Việc kiến nghị này chỉ được phán quyết khi có quyết định của HĐXX phúc thẩm”, ông Ngoan nói.

Với hành vi được VKS cho rằng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Ngoan lập luận, Huyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý, nên không phạm tội Tham ô tài sản. Đồng thời ông Ngoan cũng lập luận rằng, Vietinbank chưa có văn bản nào quy định, trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng.

Xem thêm dòng sự kiện:

Phúc thẩm vụ Huyền Như


Đưa ra câu hỏi: Vì sao Huyền Như không chiếm đoạt tài sản của khách hàng khác mà chỉ chiếm đoạt tài sản của 3 ngân hàng, 9 công ty…? Theo ông Ngoan, việc chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đã có ý thức từ trước, bắt đầu từ việc thành lập Công ty Hoàng Khải. Huyền Như đang có những khoản nợ khó chi trả nên đã thực hiện hàng loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt.

Phương thức thủ đoạn chiếm đoạt là những hành vi gian dối: Giả tên, dẫn dụ, câu nhử bằng lãi suất vượt trần quy định, các khoản chi lót tay… Đấy là dấu hiệu đặc trưng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Huyền Như đã liên hệ với đại diện các công ty quản lý tiền vốn, bằng thủ đoạn gian dối cùng với sự tiếp sức của từ sai phạm của những người đại diện quản lý nguồn vốn, Huyền Như đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối với các công ty, tổ chức Huyền Như chiếm đoạt tiền, ông Ngoan cho rằng đấy là sân sau của các ngân hàng, việc gửi tiền là để thu lợi nhuận bất hợp pháp và chính những công ty này không quan tâm đến nguồn vốn gửi….

Trên cơ sở quan điểm bào chữa, ông Ngoan đề nghị HĐXX xem xét đối với hành vi của Huyền Như.

Sau phần bào chữa của luật sư Ngoan, bị cáo Huyền Như được HĐXX cho nêu quan điểm.

Huyền Như nói: “Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét hành vi phạm tội. Trong xâu chuỗi hành vi của bị cáo đã dẫn dắt khách hàng, và xuất phát từ sự đồng thuận của khách hàng. Bị cáo bản thân không có chức hạn quyền vụ để chiếm đoạt tài sản”.

10h45”: Luật sư Trần Bá Thân bào chữa cho bị cáoĐào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) -Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân.

Bị cáo Dung bị quy kết hai tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng.

Dung đã có đơn xin giảm hình phạt, đồng thời VKS Nhân dân TP HCM cũng có kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo này. Tại tòa phúc thẩm, VKS bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đồng thời chấp nhận kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM. Dung bị công tố viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án từ 13-14 năm tù giam. Trước đó bị cáo Dung bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù giam cho hai tội danh.

Đới với quan điểm tăng hình phạt của VKS, ông Thân cho rằng không bình đẳng so với hành vi phạm tội của nhóm bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Huyền Như.

Đối với nhận định của VKS, vì tư lợi, Dung đã giúp chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng VIB để Như có tiền trả cho Dung, luật sư lý luận rằng, hành vi này của Dung chỉ là vì quá tin tưởng Huyền Như nên đã vi phạm pháp luật.

Ông Thân cho rằng, hành vi phạm tội của Dung không có sự bàn bạc, tất cả đã được Huyền Như đã làm sẵn. Tiền chiếm đoạt của Như tại Ngân hàng VIB, Dung cũng không có lợi ích.

Luật sư Thân đề nghị HĐXX giữ nguyên quy kết tại bản án sơ thẩm và chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đào Thị Tuyết Dung.

10h20: Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư đưa quan điểm bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn(SN 1972, quê Thái Bình)-Cựu Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Võ Anh Tuấn bị quy kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức.

Võ Anh Tuấn bị VKS Nhân dân TP HCM kháng nghị tăng nặng hình phạt. Bị cáo Tuấn cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa, trong phần nêu quan điểm, đại diện VKS bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cũng không xem xét kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM và đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án đối với bị cáo Tuấn.

Ông luật sư đưa ra quan điểm, bị cáo Tuấn bị quy kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, tại tòa cũng đã làm rõ, Huyền Như làm giả con dấu, chữ ký giả của Anh Tuấn. Vị luật sư đề nghị xem xét lại vấn đề này vì đây là đặc điểm rất quan trọng. Vai trò đồng phạm tội lừa đảo ở trường hợp của Tuấn không có sự đồng thuận về mặt ý chí, không có sự bàn bạc và giúp sức.

Theo luật sư, chưa đủ căn cứ pháp lý quy kết Võ Anh Tuấn tội lừa đảo với vai trò đồng phạm và đề nghị HĐXX xem xét bác kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM và chấp nhận một phần kháng nghị của Võ Anh Tuấn về xem xét giảm nhẹ hình phạt.

9h00: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Giã Thị Mai Hiên nêu quan điểm. Theo bản án sơ thẩm, bà Hiên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 274 tỷ đồng. Theo đơn kháng cáo của bà Hiên là giám định lại hợp đồng ủy thác đầu tư.

Tuy nhiên tại quan điểm của VKS tại phiên tòa phúc thẩm, công tố viên bác kháng cáo của bà Hiên và khẳng định rằng, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như với bà Mai Hiên đã được cơ quan tố tụng truy xét rõ ràng.

Xem thêm dòng sự kiện:

Phúc thẩm vụ Huyền Như


Trong bài bào chữa hơn 10 phút của mình, luật sư cho rằng, việc truy xét hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như có sai sót về tố tụng liên quan đến việc giám định. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Hiên đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến bà Giã Thị Mai Hiên để điều tra lại.

8h00: HĐXX bắt đầu làm việc. Mở đầu phần bào chữa sáng nay, luật sư Trương Thanh Đức đưa ra luận cứ bảo vệ quan điểm của Ngân hàng Navibank. Tại bản án sơ thẩm, Navibank được xác định bị Huyền Như lừa đảo chiếm 200 tỷ đồng.

Theo ông Đức: Bản án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank. Ông Đức cho rằng, Navibank tham gia phiên tòa xét xử vụ án Huyền Như với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là Huyền Như phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Navibank, ông Đức cho rằng, như vậy là không hợp lý so với đề nghị của VKS đối với các công ty: Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm toàn cầu…

Đối với nhân viên của Navibank, ông Đức cho rằng, họ có sai sót, nhưng những sai sót này ông Đức cho rằng không phải là nguyên nhân mất tiền….

Từ những luận cứ của mình, ông Đức đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm đối với phần liên quan đến Navibank và nhân viên Navibank để điều tra lại.

Sau phần bào chữa của luật sư Trương Thanh Đức, đến lượt đại diện của Ngân hàng Navibank đưa ra quan điểm về số tiền 200 tỷ được phán quyết bị Huyền Như chiếm đoạt.

Sáng 25/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục phần tranh luận trong phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm.Theo diễn biến phiên tòa, sáng nay, các luật sư, những người tham gia tố tụng sẽ tiếp tục phần bào chữa./.

>>> VKS đề nghị VietinBank trả 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp

Theo Nhóm PV

trangminh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên