Sếp bự ngân hàng vào tù: Công thần thành tội đồ
Hàng loạt vụ án liên quan đến cán bộ ngân hàng bị đưa ra xét xử và kết án trong năm qua. Mỗi vụ án một kiểu, nhưng áp lực pháp lý ngày càng đè nặng lên các cán bộ tín dụng.
Ký không được, không ký không xong
Trong vụ đại án ngân hàng đã được xét xử gần đây, ngoài những sếp bự như tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh, bóng dáng của cán bộ tín dụng cũng xuất hiện với cáo buộc vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.
Xét về mặt quy trình tín dụng, điều này hoàn toàn đúng. Theo thủ tục chung, cán bộ tín dụng đề xuất, cán bộ quản lý trung gian kiểm soát rồi mới đến các cấp có thẩm quyền phê duyệt tín dụng.
Lý thuyết là vậy. Tuy nhiên, những dự án to hàng nghìn tỷ đồng, liệu một cán bộ cấp chuyên viên có đủ sức thẩm định, có đủ sức quyết, có đủ sức định hướng để các sếp “cỡ bự” phải theo ý mình, ký vào tờ trình với mình? Hay ngược lại, chính các sếp lại là người ép nhân viên phải hợp lý hóa giấy tờ theo ý mình? Bởi, thực tế này xuất phát từ chính tác nghiệp tín dụng hàng ngày.
Trong các vụ án đó, ít ra, chưa một lần ông tổng giám đốc, bà giám đốc chi nhánh đổ lỗi cho nhân viên của mình. Ông giám đốc một chi nhánh ngân hàng, trong một vụ án cũng cộm cán khác, khi được hỏi, đã luôn cho rằng, lí do dẫn đến việc phạm tội của mình chính là quá tin tưởng cấp dưới, và cả cấp trên.
Nể sợ cấp trên, dẫn đến dễ dãi trong phê duyệt thì còn có lý, chứ quá tin tưởng vào cấp dưới thì có lẽ hơi khó. Với trình độ, với kỹ năng, với những mối quan hệ, thông tin có được, mà giám đốc một chi nhánh lớn của ngân hàng còn “quá tin tưởng” cấp dưới có vẻ lạ quá, thậm chí, không muốn nói theo ngôn ngữ giới trẻ giờ là “hư cấu”.
Mỗi quan hệ giữa nhân viên - sếp trong công tác xét duyệt cho vay quá là khó xử. Khách hàng sếp đưa về, nhân viên tín dụng ký cũng khổ, mà không ký cũng không xong. Đến khi có vấn đề gì, đương nhiên, người phê duyệt luôn phải chịu trách nhiệm, nhưng phận nhân viên cũng liên lụy không kém.
Lằn ranh mong manh
Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của các cán bộ tín dụng cũng đang là vấn đề. Hầu hết các cán bộ này đều bị truy cứu về tội vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện tại, các quy định cụ thể, chi tiết về cho vay mới nằm trong Luật các Tổ chức tín dụng, và quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cả 2 văn bản mới là những quy định chung nhất.
Thực tế, các tổ chức tín dụng đều phải có hệ thống văn bản nghiệp vụ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục các bước làm. Đương nhiên, cả một hệ thống ngân hàng thì luôn phải có phòng pháp chế. Và phòng này luôn rà soát, đảm bảo các quy định nội bộ của ngân hàng không vi phạm so với quy định pháp luật. Cán bộ ngân hàng thì dựa vào đây để tác nghiệp.
Như vậy, vi phạm quy định về cho vay ở đây nếu có thể, phải hiểu là vi phạm các quy định nội bộ của ngân hàng không? Mỗi ngân hàng có hệ thống quy định riêng thì liệu xem xét trách nhiệm sẽ như thế nào? Còn chưa kể, những vụ việc liên quan đến nhiều ngân hàng thì càng rắc rối.
Trong vụ án Công ty thủy sản Phương Nam bị cáo buộc lừa đảo, hàng loạt cán bộ tín dụng cũng vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, quy định nội bộ về công tác kiểm tra, thẩm định thì các bị can được xác định không vi phạm. Vậy lằn ranh giữa đúng và sai ở đâu? Ngân hàng hướng dẫn làm như vậy, nhưng anh vẫn bị quy kết là sai so với pháp luật thì đai bảo hiểm cho cán bộ tín dụng có lẽ hơi lỏng.
Và câu chuyện chúng ta có quá nhiều thành phần tham gia xây dựng ngân hàng nên khi câu chuyện xác định thiệt hại và xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo trong các vụ án cũng là khác nhau. Hiện tại, với các ngân hàng thương mại có phần vốn góp của nhà nước, đa phần các bị cáo khi ra xét xử đều bị truy cứu, và có tình tiết tăng nặng là làm thiệt hại tài sản nhà nước. Tuy nhiên, với khối ngân hàng thương cũng cổ phần nhưng không có phần vốn góp của nhà nước thì lại không bị. Như vậy, rõ ràng, cùng hành vi, nhưng mà việc ứng xử và hậu quả pháp lý khác nhau xa.
Nhìn chung, trong tín dụng, lằn ranh giữa tội đồ và công thần rất mong manh. Cũng chính vì vậy, rất nhiều ngân hàng khi phải xử lý hình sự đều có văn bản xin miễn trách nhiệm hình sự cho cán bộ nhân viên của mình.
Tuy nhiên, mọi việc đều phải dựa trên các nguyên tắc pháp luật. Và như thế, việc tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho kinh doanh, bảo vệ người tốt nhưng phải ngăn chặn được các nguy cơ tội phạm, ảnh hưởng tới xã hội và đòi hỏi cao nhất.
Vietnamnet