Sếp ngân hàng nhận thù lao hơn 4 tỷ đồng/năm
Điều bất ngờ là ngôi vị quán quân lại thuộc về sếp của một ngân hàng top hai. Trong khi đó, sếp của khối ngân hàng quốc doanh nhận với mức lương thấp hơn rất nhiều.
- 28-04-2015Cổ tức bèo, thù lao “khủng”
- 16-04-2014Ngân hàng Phương Nam: Cổ đông bức xúc về thù lao của HĐQT
Thu nhập sếp ngân hàng lớn thua "đàn em"
Năm 2014, tổng mức thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 16,14 tỷ đồng, bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trung bình mỗi sếp được nhận 1,345 tỷ đồng/năm, tương đương 112 triệu đồng/tháng/người.
Năm nay, Vietcombank vẫn giữ nguyên mức chi trả thù lao ở mức 0,35% lợi nhuận sau thuế.
Tổng số tiền lương, thù lao năm 2014 chi cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) là 18,169 tỷ đồng, bằng 0,32% lợi nhuận sau thuế. Với số lượng thành viên là 12 người, tính trung bình mỗi sếp được nhận 1,514 tỷ đồng/năm.
Năm nay, Vietinbank đã đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 0,04% lợi nhuận so với năm trước. Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 5.694 tỷ đồng. Như vậy có thể ước tính, thù lao chi trả dự kiến năm nay ở mức 20,498 tỷ đồng. Trong trường hợp bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị sẽ quyết định mức thù lao phát sinh thêm.
Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) năm 2014 là 4.992 tỷ đồng. Thù lao cho các thành viên cao cấp của nhà băng này là 0,38% lợi nhuận sau thuế. Tính cụ thể, mỗi sếp của BIDV nhận 1,45 tỷ đồng.
Năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44%, cao hơn các nhà băng cùng quy mô.
Nhìn chung, vì con số lợi nhuận của các ngân hàng khối ngân hàng quốc doanh lớn hơn rất nhiều so với những ngân hàng top sau nên tỷ lệ tính thù lao của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng vì vậy sẽ thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng top sau.
Điển hình như thù lao Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) được công bố tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua chiếm đến 4,16% lợi nhuận của ngân hàng. Năm 2015, ngân hàng dự kiến chi trả 15 tỷ đồng cho các sếp.
Chỉ có tăng, chứ không có giảm
Thay vì tính thù lao của các sếp dựa trên lợi nhuận sau thuế thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) xin thù lao và chi phí hoạt động năm 2015 ở mức 2% lợi nhuận trước thuế.
Theo kế hoạch của Sacombank, năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Như vậy, ước tính Sacombank sẽ chi trả thù lao và chi phí cho các sếp khoảng 60 tỷ đồng.
Không những vậy, ngân hàng này còn tiếp tục xin cơ chế trích thưởng 20% nếu vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà Đại hội đã giao sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ bắt buộc theo quy định cho năm tài chính 2015.
Theo thống kê của BizLIVE, Sacombank là ngân hàng trả thù lao cao nhất năm 2014 và dự kiến tiếp tục là ngân hàng trả thù lao cao nhất năm 2015.
Lấy lý do định hướng ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chủ trương kế hoạch năm 2015 cần có sự đầu tư trong đó ngân sách của Hội đồng quản trị dự trù là 13,125 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 35% so với thực hiện năm 2014.
Năm 2014, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Phương Nam kém khả quan khi chỉ hoàn thành 4% chỉ tiêu lợi nhuận với hơn 17 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận chỉ còn 1,2 tỷ đồng nên ngân hàng không chia cổ tức trong khi mức thù lao cho các sếp vẫn xin giữ nguyên như năm trước, hơn 13,7 tỷ đồng, thậm chí còn xin tăng thêm mức thù lao trong năm 2015.
Nhìn chung, đến phân nửa ngân hàng không chi trả cổ tức trong năm qua, nhưng thù lao các sếp vẫn nhận đủ, thậm chí xin thêm trong năm 2015, đã gây bức xúc không nhỏ đến các cổ đông.
Với lý do các lãnh đạo ngân hàng đưa ra là cống hiến vì sự phát triển của ngân hàng và tầm nhìn dài hạn. Liệu rằng, với mức chi trả thù lao "hậu hĩnh" như vậy, năm 2015 tình hình lợi nhuận các ngân hàng có thực sự khả quan?
Theo Hạnh Phúc