“Sau ba năm
gia nhập WTO, tôi thấy “sân chơi” đã bằng phẳng với các ngân hàng nước ngoài và
chúng tôi rất hài lòng vì những gì mình mong đợi cơ bản đã đạt được”, ông Sud
nói tại buổi ra mắt chi nhánh của ngân hàng này hôm 11-10.
Trong mắt
ông, cơ hội tại thị trường Việt Nam còn rất nhiều dù hiện nay mới có trên 10%
dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng và trên 90% thị phần vẫn thuộc về các ngân
hàng trong nước.
“Có thể
trong 15 năm tới, 90% thị phần ngân hàng vẫn thuộc về các ngân hàng trong nước,
nhưng ngân hàng nước ngoài vẫn có cơ hội của mình”, ông cho hay.
Hiện mới có
khoảng 10% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng, điều đó được ông cho là không có
gì lạ bởi cách đây hai mươi năm các thị trường châu Á mới nổi cũng như vậy. Thu
nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện khoảng 1.200 đô la Mỹ trong khi tỷ lệ
khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng tỷ lệ thuận với thu nhập. Theo dự báo, thu
nhập của người dân sẽ tăng lên 2.000 đô la Mỹ vào 5 năm tới và khi đó, người
dân sẽ sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn.
Tuy nhiên,
ông cũng góp ý công tác quản lý ngành ngân hàng nên cải thiện hơn nữa, nhất là
các thủ tục. Chẳng hạn khi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam mở một chi
nhánh vẫn phải trải qua rất nhiều thủ tục và có những thủ tục ông phải đặt câu
hỏi về ý nghĩa của nó, liệu thực sự có cần thiết hay không.
“Tiêu chuẩn
về kho chứa tiền, bất kể ở vùng sâu vùng xa hay ở trong một tòa nhà hiện đại có
hệ thống an ninh nghiêm ngặt ở trung tâm thành phố, có nhất thiết lúc nào cũng
phải có 2-4 bức tường dày? Đó là một tiêu chuẩn cần được linh hoạt”, ông góp ý.
Theo Hồng Phúc
TBKTSG
thanhtu