MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự mất giá của tiền tệ: Chủ ý hay vạ lây?

13-03-2015 - 16:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện chương trình mua vào trái phiếu của các nước thành viên và thể chế quốctế với quy mô lớn làm cho thị trường tiền tệ thế giới thêm sôi động.

Trên thị trường này cho tới nay đã dần định hình những xu hướng biến động chính là mặt bằng lãi suất cơ bản tiếp tục rất thấp và các ngân hàng trung ương quốc gia còn tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, là các đồng tiền trượt dốc tỷ giá so với đồng USD và dù vậy hoạt động cấp phát tín dụng vẫn không nhộn nhịp trở lại.

Ganh đua

Sự mất giá của các đồng tiền là hậu quả trung tâm nhất và trực tiếp nhất của những biến động ấy. Dường như các đồng tiền ganh đua nhau về phương diện mất giá, đến mức đã có không ít ý kiến cho rằng trên thực tế đang diễn ra một kiểu chiến tranh tiền tệ. Về lý thuyết có thể tách bạch 3 dạng tiền tệ mất giá là mất giá ở trong nước, mất giá so với đồng tiền của một nước nào đó và mất giá so với những đồng tiền đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tiền tệ và tài chính thế giới, hiện tại đáng kể nhất là đồng USD và đồng Euro. Vì hiện tại đồng Euro cũng đang bị mất giá so với đồng USD và một số đồng ngoại tệ mạnh khác nên sự so sánh tỷ giá chung sử dụng đồng USD làm đại lượng để so sánh.

Khôi phục lòng tin vào USD

Sự mất giá của nhiều đồng tiền so với đồng USD có lý do trước hết ở chỗ lòng tin vào đồng USD đã được khôi phục do kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại và chính sách tiền tệ của Cục dữ trữ liên bang Mỹ vẫn rất thận trọng và rõ ràng, tuy chưa trở lại chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng không đột biến. Trong khi đó, các nền kinh tế nơi khác không được như vậy, triển vọng tăng trưởng không sáng sủa và đối sách của chính phủ và của các ngân hàng trung ương quốc gia chưa đưa lại kết quả như mong đợi.

Lý do tiếp theo là lãi suất cơ bản thấp và tiền dồi dào trên thị trường nhưng hoạt động cấp phát tín dụng của các ngân hàng không sôi động, báo hiệu tiền "chết" là chính chứ không phải được đầu tư sinh lời. Như thế có nghĩa là tác động kích thích tăng trưởng kinh tế từ tiền rẻ và dồi dào trên thị trường vẫn chưa có được. Đồng tiền tự bị mất giá. Nhiều nước chủ ý phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho xuất khẩu, kích hoạt cuộc chạy đua thực sự về phá giá đồng tiền để bảo hộ mậu dịch và bù trợ cho xuất khẩu.

Sự mất giá của các đồng tiền có liên quan đến nhau bởi giữa các nước đã chằng chịt các mối quan hệ về kinh tế, tài chính, thương mại và tiền tệ. Biến động giá trị của đồng tiền này có thể khiến đồng tiền khác bị vạ lây, nhất là khi ngân hàng trung ương ràng buộc tỉ giá đồng bản tệ vào giá trị của một hay nhiều đồng tiền khác.

Khủng hoảng tiền tệ cũng làm đồng tiền mất giá. Nhưng trên thực tế không xảy ra chuyện nhiều đồng tiền cùng bị mất giá vì khủng hoảng tiền tệ. Cho nên việc nhiều đồng tiền đồng thời bị mất giá so với đồng USD như hiện tại đang thấy là kết quả của cả sự chủ định về chính sách tiền tệ quốc gia lẫn bị vạ lây từ tự mất giá của những đồng tiền khác.

Theo Thụy Vân

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên