MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài chính vi mô đang phải cóp nhặt từng đồng vốn

18-10-2013 - 14:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Vốn của chúng tôi chủ yếu đến từ các nguồn: Vốn huy động, vốn vay từ các tổ chức nước ngoài; vốn từ quỹ hỗ trợ của Trung ương Hội.

“Nợ xấu của bên chị rất thấp bởi hầu như không có hoạt động trả chậm đâu em ơi” – bà Vũ Thị Khâu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) M7 - M7MFI hồ hởi mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên TBNH về hoạt động của tổ chức mình thời gian gần đây. Nhưng khi câu chuyện kéo dài, những khó khăn với một tổ chức TCVM non trẻ như M7MFI được bộc bạch nhiều hơn.

Sau khi được chính thức cấp phép, hoạt động của M7MFI thay đổi nhiều không thưa bà?

Sau khi được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động chính thức ngày 1/3/2012, cùng với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 135 quy định tổ chức TCVM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động TCVM, đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong hoạt động.

Nhờ đó, hoạt động của M7MFI nhìn chung rất tốt, dư nợ đến nay đã lên tới gần 100 tỷ đồng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao giải quyết giữa nhu cầu vay vốn rất lớn của bà con, đặc biệt là người dân nghèo, trong khi nguồn vốn huy động còn rất khó khăn.

Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Vốn của chúng tôi chủ yếu đến từ các nguồn: Vốn huy động, vốn vay từ các tổ chức nước ngoài; vốn từ quỹ hỗ trợ của Trung ương Hội. Trước đây chúng tôi có vay được vốn của tổ chức CordAid (Hà Lan) 4 tỷ đồng thì đầu năm 2014 phải trả rồi. Chúng tôi cũng vay Ngân hàng Thế giới (WB) được gần 10 tỷ đồng thì cũng đang trả dần sắp hết. Nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội hiện còn có 3 tỷ nữa thôi và đến cuối năm nay cũng phải trả hết.

Riêng về nguồn vốn huy động, chúng tôi có 3 chi nhánh là Mai Sơn, Đông Triều và Uông Bí với khoảng 20.000 thành viên tham gia. Trong đó, khoảng trên 10.000 là thành viên vay vốn, còn lại hầu như gửi tiết kiệm món nhỏ nên nguồn vốn không nhiều. Ví dụ, Chi nhánh Mai Sơn hoạt động được 20 năm rồi nhưng vốn gửi tiết kiệm theo quy định “không được rút ra trước hạn” đến nay chưa được 5 tỷ đồng.

Bởi, có những thành viên vay vốn 20 năm mà đến nay dư nợ tiết kiệm mới được khoảng 1,5 triệu đồng do những năm đầu có quy định thành viên phải gửi tiết kiệm chỉ ở mức 200 đồng, sau lên 500 đồng rồi giờ đến 5.000 đồng, 10.000 đồng một kỳ. Một tháng một thành viên vay vốn người ta gửi vào có 20.000 đồng (2 kỳ/tháng) theo quy định nên giá trị vốn huy động được của chúng tôi không ăn thua gì so với nhu cầu vay.

Còn các tổ chức quốc tế có muốn “vào” M7MFI nữa không?

Các tổ chức tiếp xúc nhiều, nhưng do là năm đầu tiên chúng tôi chính thức hoạt động nên họ vẫn mang tính thăm dò là chính. Tôi nghĩ cũng phải từ năm thứ 2, thứ 3 trở đi, khi họ thấy mình hoạt động thực sự tốt; bộ máy hoạt động, công tác tổ chức, điều hành, quản lý thực sự vào guồng, thực sự chuyên nghiệp thì chắc họ sẽ vào nhiều.

Ngoài nguồn vốn, một tổ chức TCVM như M7MFI có gặp khó khăn nào khác?

Ngoài khó khăn về vốn, chúng tôi cũng gặp khó khăn về thanh khoản do phải trích lập dự phòng rủi ro; khó khăn về trần lãi suất cũng như khó khăn do chi phí hoạt động lớn vì một phần, đặc thù hoạt động của TCVM; phần khác, khi trở thành một tổ chức TCVM chính thức đòi hỏi biên chế tăng lên, chi phí cho nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng tăng lên.

Điều mà chúng tôi mong muốn là các cấp lãnh đạo, các cơ quan bộ ngành liên quan xem xét tạo điều kiện ưu đãi hơn nữa cho hoạt động cũng như tìm kiếm các nguồn vốn cho các tổ chức TCVM phát triển và đóng góp nhiều hơn trong công cuộc giảm nghèo và phát triển xã hội.

Xin cảm ơn bà!

Theo Đỗ Lê (thực hiện)

hanhle

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên