MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao không mua ngân hàng 0 đồng bằng 1 đồng?

23-10-2015 - 11:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là ý kiến của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra về câu chuyện ngân hàng 0 đồng đang gây tranh cãi trong thời gian gần đây.

Tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra sáng nay, câu chuyện ngân hàng 0 đồng trở thành tâm điểm bàn luận của các chuyên gia.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết mua ngân hàng với giá 0 đồng thực sự là phương sách vững chắc về mặt pháp lý. Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.

Giải thích tại sao lại là 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết NHNN đã mời các công ty định giá độc lập đến định giá ngân hàng, khi nợ xấu vượt 2, 3 lần vốn tự có, thì ngân hàng này không còn giá trị.

Ông chỉ ra những ngân hàng bệnh tật không chỉ mập mờ trong bảng báo cáo chất lượng tài sản, mà họ cũng rất “tự kiêu”, cho rằng tài sản của mình đáng giá ngàn vàng. Hơn nữa, tất cả các ngân hàng bị mua đều đã được cho thời hạn khắc phục trong hai năm, nhưng họ cũng không gượng dậy được.

“Người mua là NHNN, không phải là một số ngân hàng mạnh bởi chưa chắc họ đã thích. Lúc này, cần phải có bàn tay sắt của NHNN, chấm dứt những trò mặc cả, chây ì, coi thường quá trình phục hồi kinh tế của toàn quốc gia”, ông Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa cho biết, trong trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này. Do đó những ngân hàng được mua 0 đồng cho đến giờ vẫn hoạt động khá ổn định. Họ mua để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn.

“Đây là một biện pháp sáng tạo, tôi phải khẳng định. Đó là cách làm nhanh nhất, không để các ngân hàng yếu kém cò kè mặc cả, bảo vệ tài sản của họ nhưng coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác”, ông Nghĩa bình luận.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao các ngân hàng thương mại nhà nước không dám nhảy vào mua lại các ngân hàng yếu kém”?

Trước đây, năm 2000, Eximbank nợ xấu 76%, nợ có khả năng mất vốn 1.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 150 tỷ đồng nhiều người đã hỏi tại sao khi đó Vietcombank lại nhảy vào? Thực chất, khi đó, đứng sau Vietcombank chính là Ngân hàng Nhà nước. Đây là bài học lịch sử mà NHNN đã rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ngoài ra, tái cấp vốn là do các ngân hàng đang bị lỗ, nguồn vốn huy động đang phải trả lãi nhưng nguồn vốn đang cho vay lại bị nợ xấu không thu hồi được.

Đồng thời, chúng ta không có cơ chế hạch toán giữa tài sản có và tài sản nợ. Việc tiếp tục thu lỗ của các ngân hàng trong diện 0 đồng đó là chắc chắn. Nhưng trong vòng 2 -3 năm các ngân hàng đó sẽ ngưng lỗ. Việc phục hồi các ngân hàng 0 đồng là trong tầm tay.

Ông cho biết thêm khái niệm "0 đồng" mà chúng ta đưa ra là không đúng. Tại sao không mua 1 đồng? 1 đồng khác 0 đồng chỗ nào?.

"Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm “0 đồng” mà nên nói rõ NHNN mua toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu mua theo giá thị trường - market value là 1 đồng, có gì đâu mà phải thắc mắc nữa", ông Phước nhận định.

 

Việt Trung

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên