Tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa hạ trần lãi suất huy động?
Phải chăng NHNN đang né rủi ro khi cho rằng hạ lãi suất có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các biến số khác trong chính sách tiền tệ của mình?
Câu hỏi mà nhiều DN đặt ra lúc này là tại sao NHNN vẫn chưa có động thái hạ trần lãi suất huy động để các NH có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay? Phải chăng NHNN đang né rủi ro khi cho rằng hạ lãi suất có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các biến số khác trong chính sách tiền tệ của mình?
Liên tục hạ lãi suất
Trong tuần qua, chúng tôi nhận thấy các NH nhóm một đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng VND đối với hầu hết các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. Trong đó, Vietcombank đang duy trì các mức lãi suất tiền gửi thấp nhất ở tất cả các kỳ hạn.
Vậy tại sao các NH liên tiếp hạ lãi suất huy động? Câu trả lời rất dễ dàng là thanh khoản của các NH này hiện đang rất dồi dào. Tổng số dư đầu tư vào tín phiếu của các NH đã tăng nhanh từ giữa tháng 9 tới nay. Trong đó, tỉ trọng tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày luôn chiếm 2/3 trong tổng khối lượng tín phiếu phát hành của NHNN. Động thái này phần nào cho thấy kỳ vọng của các NH về lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo số liệu của NHNN, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành hiện nay vào khoảng hơn 200.000 tỉ đồng và có thể khẳng định rằng đây chính là lượng tiền đang dư thừa tạm thời của toàn hệ thống NH. Bởi lẽ, lãi suất tín phiều kỳ hạn 91 ngày hiện chỉ vào khoảng 3,2%/năm, trong khi đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng (90 ngày) của các NH hiện nay vào khoảng 5,5%/năm. Như vậy, các NH đang lỗ về mặt lãi suất khoảng 2%/năm, tương đương với khoảng 300 tỉ đồng mỗi tháng.
Thanh khoản tốt mới chỉ là điều kiện cầnĐể trả lời câu hỏi vì sao NHNN chưa hạ trần lãi suất huy động, cần phân tích nhiều yếu tố. Chỉ số CPI tính đến tháng 9.2014 tăng 2,25% so với cuối năm 2013 và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2013 và dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 4-5% trong cả năm 2014. Trong khi đó, trần lãi suất huy động hiện ở mức 6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Như vậy, có thể thấy rằng NHNN đã có đủ điều kiện để hạ trần lãi suất huy động khi mà lạm phát mục tiêu hiện đang thấp hơn lãi suất huy động. Đây cũng là kỳ vọng của cộng đồng DN nhằm mong muốn các NH tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm 2014.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, NHNN đang đối mặt với nhiều áp lực trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm diễn biến của thị trường tiền tệ là rất nhanh, khi mà nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh.
Thứ nhất, lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức thấp sẽ khiến cho VND mất dần sự hấp dẫn so với USD. Người dân sẽ có xu hướng quay trở lại nắm giữ ngoại tệ và đẩy cầu về ngoại tệ tăng lên, từ đó có thể tạo áp lực lên tỉ giá.
Thứ hai, thanh khoản hiện tại là không đều giữa các NH. Chúng tôi nhận thấy, các NH nhóm 4 và 5 hiện vẫn huy động với lãi suất kịch trần 6%/năm đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Nếu tiếp tục hạ trần lãi suất sẽ khiến cho các NH này gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi phải cạnh tranh với các NH top đầu. Do đó, các NH này có thể gặp khó khăn về thanh khoản khi mà nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.
Thứ ba, số liệu của NHNN cho thấy lượng tiền gửi không kỳ hạn của cá nhân đã tăng mạnh trong quý II/2014. Điều này có thể phần nào cho thấy người dân đang không chủ động gửi tiết kiệm để chờ cơ hội giải ngân vốn vào hoạt động kinh doanh cá nhân hoặc là các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…