MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao tiền huy động lại được các ngân hàng “đổ” trái phiếu Chính phủ?

08-05-2013 - 06:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Đến 25/4, mua TPCP chiếm khoảng 75.000 tỷ đồng; Tín dụng và đầu tư TPDN là 48.000 tỷ đồng; Trả nợ vay NHNN khoảng 33.000 tỷ đồng; Tiền gửi tại nước ngoài khoảng 31.000 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng cho rằng, để trả lời chính xác câu hỏi trên: Tiền huy động vào ngân hàng khu trú ở đâu? Nguyên nhân của tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay? thì chúng ta cần tiếp cận, xét đoán vấn đề theo hệ thống, lũy kế theo thời gian và toàn diện về các yếu tố có liên quan.

Theo NHNN, xét riêng số tăng giảm về huy động vốn và sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm 2013 đến 25/04/2013 thì nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (thị trường 1) vẫn tăng trưởng khá tốt, tăng khoảng 161.000 tỷ đồng. Về sử dụng vốn, tăng đến khoảng 205.000 tỷ đồng do sử dụng nguồn tăng thêm từ thị trường 1 là 161.000 tỷ và giảm bớt số dư tiền gửi tại NHNN, giảm bớt số dư tiền, vàng tại Quỹ.

Trong đó, có 4 kênh sử dụng vốn chủ yếu là: Trái phiếu, chứng khoán Chính phủ và tín phiếu NHNN, chiếm khoảng 75.000 tỷ đồng; Tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chiếm khoảng 48.000 tỷ đồng; Trả nợ vay NHNN khoảng 33.000 tỷ đồng; Tiền gửi tại nước ngoài khoảng 31.000 tỷ đồng.

Bà Hương cho rằng, với biến động của các kênh sử dụng vốn ngân hàng trong gần 4 tháng đầu năm 2013, đang có 2 dấu hiệu đáng chú ý và đáng lo ngại, báo trước những thách thức của nền kinh tế trong khoảng thời gian tới:

Thứ nhất, tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng thấp (khoảng 48.000 tỷ đồng) thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu;

Thứ hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư vào các kênh có mức sinh lời thấp nhưng đảm bảo an toàn và có tính thanh khoản cao.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, tổng lượng vốn huy động từ nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng đang được phân phối theo các kênh sử dụng vốn thông thường của hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, trong đó chất lượng tín dụng hiện nay được coi trọng hơn để tránh tích lũy thêm quá nhiều nợ xấu.
Bà Hương cho rằng, trong bối cảnh trì trệ chung của nền kinh tế hiện nay và với khoảng thời gian ngắn –gần 4 tháng, các kênh sử dụng vốn của ngành ngân hàng là chấp nhận được, thậm chí có yếu tố tích cực của lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

“Tất nhiên, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với tổ chức kinh tế và dân cư thấp hoặc đầu tư công chèn lấn đầu tư cá nhân trong thời gian dài sẽ là đáng báo động”.

Theo bà Hương, thời gian tới, ngành ngân hàng cần có giải pháp để giảm lãi suất cho vay xuống khoảng 1%, bao gồm cả lãi suất cho vay VND và lãi suất cho vay ngoại tệ; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiếp cận vốn vay ngân hàng; chủ động đến với doanh nghiệp, sẵn sàng cung ứng vốn tín dụng nếu DN có dự án khả thi hoặc có khó khăn tạm thời nhưng có thể vượt qua...

Về lý thuyết và thực tế, tất cả các NHTM đều có động lực mạnh mẽ để tăng trưởng tín dụng vì cho vay là hoạt động chính, lợi nhuận ngân hàng đến chủ yếu từ thu nhập lãi thuần (thường trên 60%).
Tuy nhiên, việc cấp tín dụng ngân hàng phải trên cơ sở chất lượng, hiệu quả tín dụng, trên cơ sở nhu cầu hợp lý của sản xuất kinh doanh thực và lành mạnh.

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với tổ chức kinh tế và dân cư hiện nay thấp có nguyên nhân gốc, nguyên nhân rất quan trọng là yếu kém của khu vực nền kinh tế thực Việt Nam; từ ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam – bà Hương nói.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên