MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tín dụng: Phải chờ kích cầu

06-06-2014 - 17:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng TTTD phải đi đôi với chất lượng và cơ cấu hợp lý.

Thời gian qua, NHNN đưa ra nhiều chính sách, giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ sản xuất nhằm tăng trưởng tín dụng (TTTD) đưa vốn vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ TTTD những tháng đầu năm 2014 còn chậm: tính đến 23/5/2014, mới đạt mức 1,31% so với cuối năm 2013. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp gì để thúc đẩy TTTD, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh? Dưới đây là nhận định của một số chuyên gia kinh tế và đại diện NHNN.

TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

Không thể kỳ vọng ép giảm lãi suất để tăng cầu tín dụng


TS. Trần Du Lịch

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động của các DN đã có chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê, quý I/2014, có khoảng 4.622 DN quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2013. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các DN hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề khó tiếp cận vốn NH.

Có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay “sâu” hơn nữa thì các DN mới tiếp cận được vốn NH, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tôi thì cho rằng lãi suất hiện nay không còn là nguyên nhân gây cản trở dòng vốn tín dụng.

Thực tế từ cuối năm 2011 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và mạnh. Theo báo cáo của NHNN thì hiện nay, lãi suất cho vay chỉ bằng 50% mức lãi suất của năm 2011 và tương đương với mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Tôi được biết, các DN tốt còn được vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Thậm chí, theo như Thống đốc NHNN, thì các NHTM đang “đốt đuốc” tìm kiếm khách hàng. Song trước những động thái tích cực của các NH, DN vẫn chưa “mặn mà”. Cái gốc của vấn đề ở đây, theo tôi, đó là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang thấp nên không thể quả quyết rằng việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ làm tăng cầu tín dụng.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, theo tôi, Chính phủ cần phải vào cuộc để hỗ trợ các DN bằng các biện pháp: Thứ nhất, tăng cường các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm để khơi thông đầu ra cho DN. Thứ hai là bản thân các DN cũng phải tự cơ cấu lại, chấn chỉnh hoạt động, đổi mới công nghệ, tập trung nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, trong đó đặc biệt là vấn đề thị trường.

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VERP:

Phụ thuộc môi trường kinh doanh



TS. Nguyễn Đức Thành

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân luôn đến từ hai phía. Xét trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nhấn mạnh về phía cầu tín dụng hay năng lực hấp thụ nguồn lực của DN. Chúng ta có thể thấy rõ khi nhìn vào chỉ số TTTD nửa cuối năm trước và đầu năm nay. Hiện nay các cơ hội làm ăn của DN bị ảnh hưởng bởi tâm lý dò xét diễn biến môi trường kinh doanh và viễn cảnh kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, các DN rất thận trọng nên nhu cầu mở rộng kinh doanh không nhiều như trước đây - đó là yếu tố thứ nhất khiến thị trường tín dụng tương đối trầm lắng. Điều này bắt nguồn từ môi trường, cơ hội kinh doanh và viễn cảnh tương lai chưa thấy nhiều điểm sáng. Nếu muốn cầu tín dụng được cải thiện thì phải có sự thay đổi tích cực của toàn bộ nền kinh tế.

Về phía cung, cầu về tín dụng không cao buộc các TCTD phải cạnh tranh với nhau để cung vốn cho DN. Ngay bản thân các NH cũng phải hết sức thận trọng khi mà môi trường kinh doanh hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro, không biết mục đích sử dụng vốn thực sự của các DN là gì: để quay vòng vốn, để gối nợ hay sử dụng vốn phục vụ mở rộng kinh doanh. Đây là giai đoạn cả hai phía, cung và cầu đều phải rất thận trọng để gặp gỡ nhau.

Tất nhiên điều này dẫn đến sự chậm chạp và yên ắng của thị trường tín dụng, nhưng là điều cần thiết.

Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:

TTTD phải đi đôi với chất lượng và cơ cấu hợp lý


Ông Nguyễn Viết Mạnh

Ngoài tính “quy luật” thì trong năm 2014 tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng do tổng cầu yếu. Nguồn vốn, khả năng thanh khoản của các TCTD rất dồi dào, nhưng do hàng hóa tiêu thụ chậm, sức mua yếu nên DN không có nhu cầu vay dù lãi suất rất thấp.

Dù tăng thấp nhưng diễn biến TTTD đã có chiều hướng tích cực. Nếu như tín dụng tháng 1/2014 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, thì từ tháng 3 tín dụng đã tăng trở lại. Nếu so với cùng kỳ năm trước, đến cuối tháng 4/2014, tín dụng tăng khoảng 2,11% - thấp hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, điều quan trọng tín dụng đã tăng trưởng thực và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Có thể những năm trước đây, các NH cho vay khá dễ dàng, tín dụng tăng trưởng ở mức cao. Tuy nhiên, một phần vốn vay đã không được DN đưa vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nên hiệu quả tín dụng không cao, tác động đến lạm phát.

Từ năm 2011 đến nay, tín dụng tăng thấp hơn so với những năm trước nhưng chúng ta vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh tế hợp lý. Qua đó cho thấy vốn tín dụng chảy vào nền kinh tế đã hiệu quả và thực chất hơn. Đặc biệt là tín dụng đã hướng đến các lĩnh vực ưu tiên, các ngành mũi nhọn, góp phần không nhỏ giúp xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Do vậy, tôi cho rằng TTTD phải đi đôi với chất lượng và cơ cấu hợp lý. Chúng ta cần tăng trưởng, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể đánh đổi bằng chất lượng tín dụng. Nếu cứ ép tăng tín dụng bằng mọi giá sẽ dẫn đến nợ xấu cao. Mà nợ xấu cao thì dòng vốn lại tắc nghẽn, gây ra một vòng luẩn quẩn như những năm trước đây mà hiện nay chúng ta vẫn còn đang phải xử lý.

Vấn đề nữa, nhiều năm qua, sự phát triển của nền kinh tế chúng ta phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng NH, tôi cho rằng chưa hợp lý. Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ phát triển thị trường vốn để cùng với nguồn vốn NH phục vụ cho nền kinh tế. Về phía NHNN vẫn tiếp tục điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát... NHNN duy trì ổn định lãi suất và tỷ giá như hiện nay, nếu có điều kiện như lạm phát thấp hơn thì có thể xem xét điều chỉnh giảm lãi suất.

Định hướng TTTD cả năm 2014 của hệ thống NH vẫn ở mức khoảng 12% - 14%. Nhưng NHNN có thể điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế. NHNN cho phép các TCTD cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các lĩnh vực ưu tiên đến hết năm 2014, đồng thời, chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình cánh đồng lớn, liên kết, phục vụ xuất khẩu theo Nghị quyết 14 của Chính phủ tiếp tục được triển khai mạnh trong thời gian tới...

Tuy nhiên, để đẩy nhanh dòng vốn tín dụng, bên cạnh những giải pháp của ngành NH, theo tôi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phầm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách...

>>> Cầu tín dụng trơ với lãi suất

Theo Nhóm Phóng viên

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên