MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường vàng trong nước bao giờ thôi là “ốc đảo”...?

05-05-2013 - 10:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Có lẽ, người dân sẽ còn phải chờ một khoảng thời gian dài nữa mới có thể hi vọng về sự thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

“Chúng ta đang đi một mình một kiểu! Giá vàng tại nước ta có thể ví như một “ốc đảo”, bị cô lập hoàn toàn với thị trường vàng thế giới. Vì thế mà giá vàng trong nước khó có thể rút ngắn khoảng cách và bám sát với giá vàng thế giới bởi nó không có sự liên thông thị trường”, PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định. 

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Quýnh, chuyên gia cao cấp Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, muốn thị trường vàng trở lại bình thường thì điều quan trọng nhất vẫn là thị trường vàng trong nước phải liên thông với thế giới.

Thị trường vàng nội đang… ảo!

Có lẽ, việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm nhập khẩu vàng trong vài năm trở lại đây đã khiến cho thị trường trong nước tách rời hẳn so với thị trường vàng thế giới. Đồng thời, nó cũng khiến cho quan hệ cung – cầu trở nên mất cân bằng, khi cung nhỏ hơn cầu thì đương nhiên các đơn vị nắm giữ vàng có quyền “hét giá” cao hơn giá trị thực tế.

Mặt khác, việc quản lý và kiểm soát thị trường vàng bị “bỏ ngỏ” trong những năm vừa qua cũng là một nguyên nhân tạo ra sự liên thông “ảo” với thị trường vàng thế giới. Khi mà giá thế giới tăng thì các đơn vị kinh doanh vàng thường tăng nhanh và tăng theo biên độ rộng. Còn khi giá thế giới giảm thì các đơn vị sẽ giảm chậm và giảm theo biên độ hẹp. Điều này khiến cho nhiều người dân “lầm tưởng” giá vàng trong nước luôn theo sát giá vàng thế giới.

Theo anh Ninh, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thì, chỉ khi Nghị định 24/CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thì mọi người mới quan tâm đến việc giá vàng trong nước không có sự liên thông với giá vàng thế giới. Chứ trước đó, không ai để ý đến vấn đề này bởi vẫn thấy giá mua – bán trên thị trường đều thay đổi theo giá thế giới. “Thực sự, thay đổi theo biên độ nhanh hay chậm, tăng giảm nhiều hay ít thì mấy khi chúng tôi để ý đâu, lúc nào thấy giá thấp thì mua, giá cao thì bán thôi”, anh Ninh nói thêm.

Quả thật, vấn đề liên thông với giá vàng thế giới chỉ thực sự “nổ ra” sau những phiên đấu thầu vàng do NHNN tổ chức. Lúc này, người dân mới thấy, dù lượng cung vàng tăng nhưng thị trường vẫn không hạ nhiệt, thậm chí còn bị nới rộng chênh lệch hơn. Đó chính là hệ lụy của việc thiếu liên thông thị trường cộng với hình thức “độc quyền” trên thị trường vàng.

Xét tính vĩ mô, các chính sách này của NHNN chủ yếu nhằm xóa bỏ “đô la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế. Bởi một khi vàng và đô la được người dân đưa vào lưu thông quá nhiều thì đồng VND sẽ bị cạnh tranh và khả năng sẽ bị “lép vế” khi “sức khỏe” còn yếu. Hơn nữa, giá trị đồng VND sẽ càng giảm và suy yếu, khi đồng tiền chỉ nằm trong ngân hàng, không được người dân sử dụng làm công cụ tài chính trong các giao dịch mua bán, kinh doanh lớn. Hay nói cách khác, chính việc thanh toán tiền mua bán các tài sản có giá trị lớn như nhà, xe,... bằng vàng, đô la là một trong những nguyên nhân dẫn đến chính sách hạn chế mức độ lưu thông vàng và đô la của NHNN. Về cơ bản, việc giữ giá trị đồng VND và tránh sự tác động của đồng đô la, vàng đến hệ thống tài chính là một bước đi đúng của NHNN.

Ngăn sông cấm chợ không phải là thượng sách

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vào bản chất vấn đề là tại sao NHNN không có giải pháp nào khác hữu hiệu hơn trong việc giữ và duy trì giá trị đồng VND, mà lại phải sử dụng biện pháp “cuối cùng” là hạn chế hoặc cấm đồng đô la và vàng. Phải chăng do không có biện pháp kiểm soát và khống chế hữu hiệu đồng đô la, vàng nên NHNN phải làm thế? Từ trước đến này, chuyện này hầu như liên tục xảy ra tại nước ta - Không quản lý được thì cấm là “thượng sách” (?).

Thực tế, NHNN có thể sẽ đạt được mục tiêu về vĩ mô nhưng đổi lại, họ đang đánh mất dần “niềm tin” của người dân. Không những thế, nó còn gây ra nhiều “hoài nghi” của người dân về “lợi ích nhóm”, khi mà khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến kỷ lục, khoảng 7 triệu đồng/ lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, đang có một bàn tay vô hình nào đó thao túng và điều khiển thị trường nhằm trục lợi, khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.

Mặt khác, mục tiêu hướng nguồn tiền của người dân sang các kênh đầu tư khác là một điều chưa thực sự phù hợp, khi mà những lĩnh vực khác vẫn còn đang khó khăn: “Bong bóng” chứng khoán vẫn còn, thị trường bất động sản thì “đóng băng”, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thì ngưng trệ,.... “Sao lại cứ cố ép chúng tôi phải bỏ tiền đầu tư vào các lĩnh vực không an toàn và không có khả năng sinh lời”, anh Hùng, quê Hải Dương, bức xúc nói.

Có lẽ, người dân sẽ còn phải chờ một khoảng thời gian dài nữa mới có thể hi vọng về sự thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Bởi, NHNN chắc chắn sẽ chưa thực hiện ngay việc cho thị trường vàng liên thông với thế giới. Chỉ khi nào nền kinh tế thực sự phục hồi, các lĩnh vực đầu tư khác thực sự hấp dẫn thì may ra NHNN điều chỉnh chính sách về nhập khẩu vàng. Mặt khác, NHNN cũng cần một khoảng thời gian nhất định để giữ và nâng giá trị đồng VND bằng các biện pháp tài chính khác.

Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Anh, nguyên PGĐ chi nhánh Hà Nội Cty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cho biết, chúng ta nên thành lập một sàn vàng Quốc gia như các nước khác trên thế giới. Sàn vàng hoạt động mang tính độc lập, hoàn toàn có thể tránh được yếu tố “độc quyền”, một tác nhân trong việc thao túng thị trường, mà vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, nó cũng sẽ giúp cho NHNN kiểm soát được lượng giao dịch mua bán trên thị trường vàng. Khi đó, NHNN sẽ chỉ đóng vai trò kiểm soát. Còn các đơn vị tham gia sàn vàng đều có tài khoản mở thể hiện các hoạt động xuất nhập vàng. Đây chính là sự liên thông công khai và minh bạch đối với thị trường vàng thế giới.



Theo Nguyễn Tuấn

hangnt

Pháp luật & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên