MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉ giá biến động theo phát ngôn: Trách nhiệm của ai?

09-12-2013 - 08:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ đầu năm đến nay 3 lần UBGSTCQG đề xuất điều chỉnh tỉ giá thì cả 3 lần NHNN đều phải bán ra hàng trăm triệu USD để ổn định tâm lý thị trường.

Ngay sau khi NHNN có tuyên bố chính thức về không điều chỉnh tỉ giá từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi xung quanh vấn đề này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng ý kiến của PGS - TS Nguyễn Kim Dũng - Trưởng khoa Kinh tế - ĐHKTQG nhằm giúp bạn đọc có thêm cái nhìn nhiều chiều về vấn đề này.

    Chính sách điều hành tỉ giá có vai trò rất quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vì vậy, sau một số ngày thị trường ngoại hối có biến động, tỉ giá tăng nhẹ thì NHNN đã ngay lập tức có phát biểu chính thức về vấn đề này.

    Theo Phó Thống đốc NHNN - Lê Minh Hưng từ nay đến cuối năm sẽ không có điều chỉnh tỉ giá. Lý giải cho quyết định này, Phó Thống đốc cho rằng NHNN đã cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như cung – cầu ngoại tệ ổn định, tỉ giá giao dịch liên ngân hàng vẫn dưới giá mua vào của Sở giao dịch NHNN.

    Chính nhờ sự ổn định của tỉ giá và giá giao dịch giữa các NHTM thấp hơn mức mua vào 21.100 đồng/USD của NHNN mà thời gian qua NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ tương đối lớn cho dự trữ quốc gia. Tỉ giá ổn định không chỉ được hỗ trợ bởi cung – cầu của thị trường mà còn nhiều yếu tố tích cực khác như cán cân thanh toán thặng dư, xuất nhập khẩu tăng trưởng.

    Dự báo cán cân thanh toán năm 2013 thặng dư từ 1,5 – 2 tỉ USD. Cán cân vãng lai cũng thặng dư liên tục từ đầu năm vào đến cuối quý III dự kiến thặng dư 7,2 tỉ USD. Dự báo năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp cán cân vãng lai thặng dư sau nhiều năm bị tăng trưởng âm với mức thặng dư khoảng 6% GDP tương đương 2,5-3 tỉ USD.

    Vậy tại sao lại có những diễn biến bất thường trên thị trường ngoại hối trong những ngày vừa qua? Theo quan điểm cá nhân của tôi thời gian qua, thị trường xuất hiện những thông tin, nhận định cũng như đánh giá của một số tổ chức đề nghị cần có điều chỉnh tỉ giá theo hướng hỗ trợ xuất khẩu.

    Ví dụ như tại báo cáo kinh tế tháng 11 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) đã phân tích và khuyến nghị NHNN nên linh hoạt hơn trong điều hành tỉ giá. Sự linh hoạt hơn được hiểu là có điều chỉnh để hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

    Cơ sở cho lời khuyên này là theo UBGSTCQG sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, mặt bằng giá mới giữa các loại tiền tệ đã được xác lập do vậy Việt Nam cũng cần có một ngang giá tiền tệ mới cho phù hợp.

    Như tôi đã nói ở trên, từ trước đến nay chính sách tỉ giá là một trong ba chính sách trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ nước ta. Mỗi một lần điều chỉnh tỉ giá có tác động to lớn tới không chỉ chính sách tiền tệ mà còn tác động tới cân đối vĩ mô khác.

    Thời gian qua, tuy cán cân thanh toán, cán cân vãng lai đã có thặng dư nhưng vẫn còn chưa bền vững. Hơn nữa, bên cạnh việc xuất khẩu Việt Nam còn nhập khẩu rất nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất, nếu tăng tỉ giá thì giá thành sản xuất đầu vào cũng tăng theo. Cùng với đó là gia tăng áp lực lạm phát trong nước, con ngựa bất kham mà chúng ta mới ghìm cương được hơn 1 năm nay.

    Như vậy đề xuất điều chỉnh tỉ giá của UBGSTCQG ở khía cạnh xuất khẩu là hợp lý nhưng nhìn nhận ở nhiều góc nhìn khác nhau thì thấy chưa thực sự phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta. Không chỉ có vậy, ổn định tỉ giá còn là thước đo lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam cũng như lòng tin của người dân đối với đồng nội tệ.

    Thực tế chứng minh 2 năm vừa qua, tỉ giá ổn định đã giúp NHNN nâng dự trữ ngoại hối từ 7 tỉ USD của năm 2011 lên gần 30 tỉ trong năm nay và theo dự báo HSBC năm 2014 dự trữ lên 35 tỉ USD. Vì vậy, từ đầu năm đến nay 3 lần UBGSTCQG đề xuất điều chỉnh tỉ giá thì cả 3 lần NHNN đều phải bán ra hàng trăm triệu USD để ổn định tâm lý thị trường.

    Điều này vô hình chung gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Nhà nước cũng như gây thiệt hại cho dự trữ ngoại hối quốc gia, vốn phải rất vất vả để phục hồi lại như bây giờ. Có thể thấy những phát ngôn, khuyến nghị dựa trên thông tin chưa đầy đủ gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế cũng như tâm lý xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm của người phát ngôn ở đâu?

    PGS-TS NGUYỄN KIM DŨNG 
    TRƯỞNG KHOA KINH TẾ ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

    hangnt

    Theo Lao động

    Trở lên trên