MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm tiếng nói chung để khơi thông dòng vốn giữa doanh nghiệp và ngân hàng

26-05-2013 - 13:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn vay vì lãi suất cao, hoặc không đủ các tiêu chuẩn để được ngân hàng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp.

 Vì vậy, giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần tìm tiếng nói chung để có thể khơi thông dòng tiền.

Cùng với việc cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt thêm 1%, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 11% xuống còn 10%. Trần lãi suất huy động vẫn giữ ở mức 7,5%.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường vẫn ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng từ 12,5 -14,5%/năm và cho vay trung, dài hạn từ 14 - 15%/năm trong thời điểm này là cao so với nhu cầu của doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục vay vốn để mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng không mặn mà vay vốn tiếp bởi sức khỏe doanh nghiệp đã cạn kiệt, trong khi lượng hàng tồn kho vẫn cao, sức mua của nền kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện.

Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên, bản thân các ngân hàng thương mại thực chất cũng là một doanh nghiệp. Vì vậy, không một doanh nghiệp nào mạo hiểm mang tiền của mình đi đầu tư vào một dự án mà biết rằng mình sẽ bị rơi vào thế chịu nợ xấu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cung cầu không gặp nhau. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện mới chỉ quản lý tiền ở góc độ thu chi đơn giản mà chưa lập được kế hoạch tài chính liên quan đến sử dụng dòng tiền của mình, đặc biệt chưa có giải pháp minh bạch, rõ ràng về các dòng tiền đang thực sự vận hành trong doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự bế tắc, không hiểu nhau giữa bên cấp vốn và bên nhận vốn.

Thêm vào đó, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động hiện nay là 7,5%/năm, trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên). Do đó, ông Trần Đình Thiên cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên áp trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động. Khi đó doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, tháo gỡ được khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường.

Đồng quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiến tới bỏ trần lãi suất huy động. Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, nếu bỏ trần lãi suất thì một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản sẽ tăng lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay tăng theo, gây ảnh hưởng tới chủ trương giảm mặt bằng lãi suất.

Chính vì vậy, trước mắt các ngân hàng thương mại nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay chính là thể hiện sự chia sẻ khó khăn của hệ thống ngân hàng trên tinh thần giúp doanh nghiệp cũng chính là giúp ngân hàng. Chủ động ngồi lại với doanh nghiệp đánh giá lại các khoản nợ, gia hạn nợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, xem xét, đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho các doanh nghiệp. Đây cũng chính là cánh cửa để gỡ khó cho các doanh nghiệp có dự án khả thi nhưng không có vốn để đầu tư.

Theo Thanh Tú

hangnt

Người đại biểu ND

Trở lên trên