MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 20% tổng dư nợ

11-06-2015 - 10:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Tại phiên thảo chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trình bày trước Quốc hội trước khi hai Bộ trưởng trả lời, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo cho biết, có 1.943 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với nội dung tập trung vào việc ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; phát triển thủy sản; di dân tái định cư các dự án thủy điện; chính sách tiền tệ với tăng trưởng tín dụng xanh; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng nông thôn mới...

Trong đó, có một số nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần đã được xem xét, giải quyết như: Về sản xuất, đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước xây dựng các công trình thuỷ điện; Về sản xuất và đời sống của ngư dân; Về xây dựng nông thôn mới; Về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; Về chính sách tín dụng.

Riêng về chính sách tín dụng, theo báo cáo, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ để phát triển. Đã ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn.

Đối với địa bàn nông thôn, đã rà soát tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; triển khai nhiều chương trình tín dụng mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của các loại hình doanh nghiệp và của từng địa phương; ban hành các quy định tín dụng đối với một số đối tượng đặc thù với thủ tục cho vay đơn giản hơn; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ; yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất cho vay hiện hành; mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản. Tính đến cuối tháng 5/2015 tín dụng lĩnh vực này ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay; quy định về phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế bảo hiểm, xử lý rủi ro...

 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên