MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng không tăng, ‘tắc’ ở đâu?

15-10-2013 - 06:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là câu hỏi của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt ra tại buổi làm việc ngày 14/10 của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với ngành ngân hàng TP.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đến thời điểm này mới chỉ đạt chưa tới 6%. Như vậy, còn hơn hai tháng nữa làm sao có thể đạt 12% như mục tiêu đã đề ra?

“Mỏi mắt” tìm người vay

Tại buổi làm việc với ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị làm rõ vì sao đến thời điểm này tín dụng vẫn không tăng. Theo TS. Trần Du Lịch, phải tìm ra chỗ ách tắc mới có thể khai thông được.

Theo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP.HCM, phần lớn đối tượng cho vay thời gian gần đây là nhóm khách hàng quen thuộc, có kế hoạch kinh doanh tốt nhưng lượng khách hàng này rất hạn chế, rất khó tìm. Còn nếu mở rộng đối tượng ra thì hồ sơ hầu hết không đủ điều kiện.

Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ngân hàng An Bình (Abbank) cho rằng, tăng trưởng tín dụng cung và cầu không gặp nhau. Hầu hết các ngân hàng, trong đó có Abbank đang dư thừa nguồn vốn. Rõ ràng, cung (vốn) đang lớn dần trong khi cầu (đối tượng vay) lại rất hiếm hoi.

Đại diện nhiều NHTM trên địa bàn TP.HCM cho biết, tìm người vay mà có khả năng trả nợ trong thời điểm này rất khó. Một số ngân hàng còn đưa lãi suất xuống mức 6% vẫn không tìm được người vay, trong khi người muốn vay lại không thể cho vay được, vì nếu giải ngân là mất vốn.

Đối với các NHTM lớn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng gặp không ít khó khăn. Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM cho biết, 40% dư nợ của các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn nằm ở lĩnh vực xuất khẩu. “Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào khó khăn, nhất là thủy sản và gạo nên tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng”, bà Nga chia sẻ.

Phân tích về diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tốc độ tăng tưởng huy động vốn trung bình tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tiền dân cư huy động cao, đặc biệt là VND chiếm tỷ trọng cao. Tín dụng VND tăng trưởng khá cao, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tục giảm do siết đối tượng cho vay (chỉ còn 2 đối tượng cho vay so với 10 đối tượng trước đây).

Ông Minh khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 mà chủ yếu cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là nhiệm vụ quan trọng của NHNN chi nhánh TP.HCM. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận mục tiêu này khó đạt được và cho rằng, cùng lắm tăng trưởng tín dụng tối thiểu trên địa bàn cũng phải đạt từ 10% trở lên.

Chấm dứt sở hữu chéo

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, thống kê trên địa bàn TP cho thấy có 6 hình thức sở hữu chéo ngân hàng. “NHNN đang yêu cầu các ngân hàng này xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng từng bước chấm dứt sở hữu chéo”, ông Minh khẳng định.

Liên quan đến vấn đề giải quyết nợ xấu, thu hồi nợ đọng, nhiều NHTM cho biết đây là một “hành trình vô cùng cam go”.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, đến nay tổng nợ xấu trên địa bàn chiếm 5,99% tổng dư nợ tín dụng. Điều đáng lo ngại, nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm 5 (tức nhóm nợ có khả năng mất vốn), chiếm tới 70%.

Các phân tích cho thấy, nợ xấu chủ yếu nằm ở các công ty cho thuê tài chính và công ty tài chính (chiếm 44,4%), trong đó gần 90% thuộc lĩnh vực cho vay bất động sản và tiêu dùng. Chủ yếu trong số này rơi vào loại nợ không có khả năng thu hồi.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh TP.HCM cho biết, công tác thu hồi nợ xấu tắc ở khâu thi hành án. “Nợ xấu chủ yếu ở bất động sản nhưng hiện việc bán tài sản liên quan đến nhà đất rất khó. Khâu thi hành án sau khi phát mãi tài sản cũng khó”, ông Thanh giãi bày.

Đồng tình với ông Thanh, ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, khâu thi hành án và đấu giá tài sản sau khi thu hồi rất chậm do thủ tục nhiêu khê. “Có ngân hàng sau khi thu hồi tài sản 10 năm cũng chưa bán được”, ông Tài dẫn chứng.

Về vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, từ cuối năm 2011, NHNN đã “điểm danh” 9 ngân hàng yếu kém. Trong năm 2012 đã xử lý 5 ngân hàng yếu kém. Đầu năm 2013 đến nay tiếp tục xử lý 4 ngân hàng còn lại.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, đến thời điểm này đã tái cơ cấu được 8 ngân hàng. Còn 1 ngân hàng yếu kém, NHNN đang xem xét cho nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần.

“Đối với các NHTM khác, NHNN yêu cầu tự xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay NHNN đã duyệt 7 trên 14 đề án tái cơ cấu của các NHTM trên địa bàn TP.HCM”, ông Minh khẳng định.

Theo Lê Nguyễn

hangnt

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên