MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng mở nhưng dòng vốn chưa thông

22-11-2015 - 10:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, chỉ có 30% DN nhỏ và vừa đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, 70% DN còn lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn (lúc vay được, lúc không), dẫn đến DN khó hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa- ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cộng đồng DN vẫn cần nhiều hơn nữa các giải pháp về vốn.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất hiện nay các doanh nghiệp phải chịu tương đối cao. Một dẫn chứng cũng được đưa ra, 60% DN kinh doanh không có lãi khi lạm phát thấp, lãi suất cao.

Ông Cao Sỹ Kiêm: Hiện nay, mức lãi suất huy động đã bám khá sát theo lạm phát nhưng về mặt lãi suất cho vay thì cần phải giảm xuống nữa. Mức lãi suất cho vay hay mức lãi suất bình quân mà DN đang tiếp cận ở mức 9%, đối với các lĩnh vực ưu đãi thì 6%, còn các khoản khác là 10%. Với mức lãi suất này DN hoạt động không có lãi. Yêu cầu thực tế đặt ra thì cần phải giảm nữa.

Chênh lệch giữa tiền lãi gửi và tiền lãi cho vay khá lớn, cũng đang ảnh hưởng đến mức lãi suất chung. Điều này làm cho các ngân hàng không có sức cạnh tranh cao. Lãi suất cho vay (đầu ra) giảm thấp nữa thì tốt cho cả nền kinh tế chứ không phải chỉ tốt cho mỗi riêng DN.

Chúng ta hiểu rằng, lãi suất cho vay được hình thành bởi lãi suất huy động từ trước. Có một giai đoạn lãi suất huy động được đẩy lên rất cao, các ngân hàng lách trần, khuyến mãi khiến cho chi phí vốn huy động của ngân hàng cao. Họ huy động cao thì phải cho vay cao, trong khi đó mình cũng hiểu rằng khoản huy động này chưa cho vay được hết.

Để hỗ trợ khối DN này tiếp cận vốn, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp. Thế nhưng, với quỹ hỗ trợ DN theo đánh giá mới đưa ra chưa đi vào cuộc sống. Còn quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ thì quá nhiều điều kiện khiến DN không thể được bảo lãnh, trong đó có việc yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp. Nếu có tài sản thế chấp, DN cần gì nhờ đến quỹ bảo lãnh nữa?

Biện pháp hỗ trợ, chủ trương là đúng nhưng triển khai chưa hiệu quả cũng có lý do.

Thứ nhất là việc cụ thể hóa chưa được triệt để, hướng dẫn thi hành cho cả nông dân lẫn cả ngư dân chưa hợp lý. Nghị định rất dài, mục tiêu nghị định rất tốt, nhưng khi cụ thể bằng hướng dẫn chậm. Trong khi đó, cách làm chưa triệt để dẫn đến các chính sách chưa phù hợp với thực tế.

Thứ hai là do năng lực của cán bộ, của người quản lý trách nhiệm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Kể cả câu khâu tuyên truyền, biện pháp kỹ thuật cũng hạn chế. Hướng dẫn có rồi nhưng vào thực tế chưa mở được.

Thứ ba là do là sự phối hợp các ngành các cấp chưa đồng bộ chẳng hạn là ngân hàng với tài chính, rồi tư pháp…, chưa quyện lại thành đồng bộ, anh đi trước, anh đi sau.

Theo ông, đánh giá thì quy trình, và điều kiện kinh doanh đã phù hợp hay chưa?

Nỗ lực của ngân hàng là đưa vốn ra cho nền kinh tế nhưng cũng hướng đến giải pháp là giải quyết nợ xấu. DN nhỏ và vừa thiếu các điều kiện để ngân hàng yên tâm khi cho vay, như thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị DN chưa cao, dự án chưa thực sự lớn và đáng tin cậy… Còn ngân hàng thì vẫn chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi đó thiếu nguồn vốn trung và dài hạn. Riêng việc giảm lãi suất tiền gửi như vậy là được rồi. Nhưng cho vay chưa đáp ứng được yêu cầu DN.

Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng, nên bỏ quy định về lãi suất cơ bản ghi trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hoặc cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi quy định trên, mà được thực hiện lãi suất thỏa thuận. Ngành ngân hàng muốn vứt bỏ “con dao treo hờ” mang tên lãi suất cơ bản khỏi bộ luật này để rộng đường cho tự do hóa lãi suất? Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII cũng đang bàn về câu chuyện có nên tự do hóa lãi suất hay không?

Theo tôi, chúng ta đang tiến tới quá trình tự do hóa lãi suất, nhưng hiện tại thì chưa thể tự do hóa lãi suất hoàn toàn, nếu không sẽ “loạn” thị trường, sẽ xuất hiện tình trạng cho vay với lãi suất cắt cổ. Vẫn cần có công cụ khống chế để chặn nạn cho vay nặng lãi, đầu cơ, bắt chẹt người vay, bảo vệ lợi ích của người yếu thế, đồng thời có căn cứ để cơ quan hành pháp thực thi nhiệm vụ của mình.

Các nước có thị trường tài chính phát triển hơn đã tự do hóa lãi suất. Còn mình bây giờ vẫn phải có quản lý, khoản vay thương mại có, mình mà không có trần thì có tiêu cực gây thất thoát, gây rủi ro ngay. Đang trong thời buổi giao thời cần phát huy hiệu quả khoản vay, chưa tiến thẳng tới tự do hóa lãi suất được.

Nhưng nếu quy định trần lãi suất sẽ hạn chế khả năng hoạt động của chính các ngân hàng?

Theo nguyên tắc thì cần tự do để đẩy nhanh sự phát triển. Liên quan đến vấn đề trần lãi suất, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang trình 2 phương án. Phương án 1: Quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Phương án 2: Quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Điểm mới của dự thảo lần này là nâng trần lãi suất từ không quá 150% lên không quá 200% lãi suất cơ bản. Nhưng theo tôi NHNN cũng cần đổi mới cách làm, mình có công bố lãi suất cơ bản đâu. Trong khi các nước bố lãi suất hàng tuần, bằng cách chọn 5 anh ngân hàng lớn ngồi cùng nhau và chia lãi suất bình quân. Từ đó có một mức lãi suất cụ thể, để các ngân hàng khác đảm bảo phấn đấu được, làm nền cho các ngân hàng hoạt động. Nếu anh nào hoạt động quá thì bị tuýt còi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dữ liệu cập nhật từ NHNN, dư nợ vay của các DN nhỏ và vừa không ngừng tăng qua các năm duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến thời điểm 31/8/2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với DN nhỏ và vừa là 977.088 tỷ đồng, tăng 4,11% so với thời điểm 31-12-2014.

Hồ Hương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên