MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng tăng nhưng sẽ khó vượt kế hoạch

09-05-2015 - 09:53 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Võ Trí Thành cho rằng tăng trưởng tín dụng mấy tháng qua không phải là quá mạnh mà nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

​Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đến tháng 4/2015, tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống NH đạt 2,78%. Đây cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây (2013 và 2014 tươ.ng ứng là 1,04% và 0,53%). Đâu là yếu tố tác động đến TTTD của hệ thống NH và liệu tín dụng có thể tăng vượt mức 13 – 15% như mục tiêu NHNN đưa ra?

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện CIEM xoay quanh câu chuyện này.

Ông có thể cho biết, những yếu tố nào thúc đẩy TTTD tăng nhanh trong những tháng đầu năm?

Tôi cho rằng TTTD mấy tháng qua không phải là quá mạnh mà nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, rõ ràng so với 2 năm trước, TTTD có mức tăng đáng kể. Điều này phản ánh rất rõ qua sự phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của HSBC vừa công bố, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, chỉ số PMI tháng 4/2015 của Việt Nam đạt 53,5 điểm; tăng cao so với mức 50,7 điểm của tháng 3/2015 cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất khá tốt. Theo đó, việc làm và sức mua tăng theo. Đây cũng là lý do TTTD tăng mạnh trong tháng 4/2015.

Một nguyên nhân nữa, tín dụng trong tháng 4 tăng tốt là trái phiếu Chính phủ (TPCP) mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành không thành công do lãi suất thấp vì các NĐT kỳ vọng lạm phát sẽ tăng dù là không nhiều và trong tầm kiểm soát 4 - 5%. TPCP có kỳ hạn dài, trong khi các NHTM quan tâm nhiều tới TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn cấu trúc tài sản của mình. Chính vì vậy, nguồn vốn trước kia NH dành cho kênh TPCP giờ lại chảy vào sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng… Bên cạnh đó, dù nguồn tiền gửi tăng chậm lại, nhưng NH vẫn có nguồn tiền dư dả sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa hỗ trợ lớn cho TTTD là kinh tế phục hồi, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tăng trưởng.

Với tốc độ tăng này, theo ông TTTD có sử dụng hết room 17% hay không?

Thông thường nhu cầu tín dụng các quý sau, nhất là quý III, IV sẽ tăng cao hơn. Dù với tốc độ tăng này, NHNN vẫn hoàn toàn kiểm soát cung tiền nói chung, cung tín dụng nói riêng trong mức 13-15%. Tín dụng có tăng ở mức cao hơn hay không còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thực và các biến số kinh tế vĩ mô khác. Ví như trong năm nay, áp lực tỷ giá cao hơn hẳn những năm trước mà tỷ giá lại gắn với tương quan lãi suất đồng VND, USD và nhiều biến số vĩ mô khác. Với tính phức tạp hơn như vậy và thêm yếu tố tiền gửi 4 tháng đầu năm có xu hướng giảm, trong khi đó nhu cầu phát hành TPCP vẫn cao thì điều hành lãi suất ra sao sẽ là bài toán khó đối với các NH…

 Tăng trưởng tín dụng nằm trong tầm kiểm soát của NHNN

Như ông nói thì lãi suất khó có thể giảm tiếp, thậm chí phải điều chỉnh tăng để giữ sức hấp dẫn của đồng VND?

Không phải cho đến bây giờ khi NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% thì tôi mới đưa ra quan điểm dư địa giảm lãi suất huy động ngắn hạn là rất ít, không dễ đối với NH dù lạm phát mấy tháng đầu năm khá thấp. Vì sao không dễ? Bởi, kỳ vọng lạm phát không chỉ năm nay mà cả các năm sau. Và năm sau kỳ vọng lạm phát lại ở mức 5-6%. Bên cạnh yếu tố giá cả, lạm phát, lãi suất ngắn hạn còn phụ thuộc vào các biến động của các thị trường tài chính khác, thị trường bất động sản, chứng khoán, nhất là biến động đồng USD so với các đồng tiền khác, trong đó có đồng VND.

Tuy năm nay, theo tôi, NHNN đủ nguồn lực thực hiện cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2%. Nhưng với diễn biến kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ, biến động của đồng USD so với đồng tiền khác đang khá phức tạp, theo tôi, NHNN vẫn cần chính sách tỷ giá linh hoạt hơn. Mà tỷ giá điều hành linh hoạt hơn trong tương tác với các biến số khác thì cho thấy khả năng giảm lãi suất ngắn hạn cũng như trung, dài hạn càng khó. Mặc dù, thời gian vừa qua, NHNN đã có một số biện pháp hỗ trợ NH giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn như nới tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; giảm tỷ lệ hệ số rủi ro cho vay bất động sản…

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, đến giờ dư địa giảm lãi suất ngắn hạn là không còn, mà khả năng lãi suất ngắn hạn có thể tăng. Lý do: thứ nhất, xu thế lạm phát bắt đầu đi lên dù vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thứ hai, áp lực không chỉ là NHNN cam kết tỷ giá điều chỉnh không quá 2% trong năm nay mà khi tỷ giá tăng, thị trường còn kỳ vọng lãi suất đồng USD cũng lên. Trong khi đó Việt Nam đang cố gắng hạn chế đô la hóa. Tuy nhiên, theo tôi, nếu có điều chỉnh lãi suất cũng chỉ tăng nhẹ chứ khó có điều chỉnh mạnh nào xảy ra. Vì thực tế, lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn của các NH hiện đang thấp hơn mức trần NHNN cho phép (lãi suất huy động tiền gửi 6 tháng bình quân khoảng từ dưới 5% - 5,4%/năm).

Theo ông, khả năng phát sinh nợ xấu từ các khoản vay mới của NH có cao không?

Tôi nghĩ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Vì quá trình phục hồi này mới bắt đầu, chưa thực sự ổn định, rất nhiều DN còn khó khăn. Tuy hàng chục nghìn DN mới thành lập, nhưng không ai chắc trong số DN mới này có tên các DN cũ thông báo tạm dừng hoạt động nên chắc chắn còn khó khăn cho NH trong việc theo dõi khách hàng.

Một vấn đề nữa, hiện, các NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó cho vay bất động sản đang tăng lên. Dù sự phục hồi thị trường này khá quan trọng gắn với câu chuyện xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải rất cẩn trọng để tránh vết xe đổ trước đây. Nhưng dẫu sao, các NH đang trong quá trình tái cấu trúc và bài học cũ TTTD trước đây cũng khiến họ phải thận trọng. Nhất là chưa kể thanh tra giám sát NHNN ngày càng chặt chẽ, sát sao hơn. Còn về phía DN, họ cũng có nhiều bài học về vay vốn vượt khả năng tài chính của mình… Nhưng cuộc đời bao giờ cũng có rủi ro và sự thận trọng không bao giờ thừa.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Huyền

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên