MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình Tài chính Sông Đà thế nào trước khi nhập vào MB?

26-09-2015 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 01/10/2015, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông bất thường về việc nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC – SDF).

Tuy nhiên, một nguồn tin của chúng tôi cho hay, đại hội sẽ dời lại ít ngày, song thời gian tổ chức vẫn nằm trong thời gian đầu tháng 10.

Tài chính Sông Đà là công ty tài chính được thành lập cách đây 7 năm với vốn ban đầu 500 tỷ đồng, sau đó tăng lên 686 tỷ đồng vào năm 2011 và giữ nguyên mức đó cho đến nay. Cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn giao dịch Upcom từ cuối năm 2014 với mã chứng khoán SDF, hiện đang có giá khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu.

SDFC gồm các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Sông Đà (giữ gần 28% vốn); Ngân hàng Quân đội (gần 13% vốn); Tổng công ty Cp Bảo Minh (BMI – 11% vốn). Các cổ đông tổ chức nắm tổng cộng 70% vốn và còn lại là cổ đông cá nhân. Chủ tịch HĐQT hiện nay là ông Lê Quốc Minh và Tổng giám đốc là ông Đặng Anh Vinh.

Báo cáo tài chính mới nhất của SDFC cho thấy, đến 30/6/2015 công ty có tổng tài sản 999 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản nợ phải thu là 726 tỷ đồng – chiếm hơn 72% tổng tài sản. Khoản nợ phải thu này đã giảm tương đối so với mức hơn 960 tỷ phải thu hồi cuối năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo là 12% trên dư nợ cho vay.

Trong các khoản nợ đã đến hạn từ 2012 mà chưa thu hồi được đáng chú ý có trường hợp của CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) chiếm đến 660 tỷ đồng và khoản phải thu từ CTCP Quản Lý Quỹ Hữu Nghị hơn 100 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính 2013, 2014 và báo cáo bán niên 2015, kiểm toán A&C đã nhấn mạnh cùng một điểm đó là nợ liên quan STL. Theo A&C thì khoản nợ tổng cộng 660 tỷ này chưa được SDFC trích lập dự phòng đầy đủ.

Về khoản nợ liên quan Quản lý Quỹ Hữu Nghị. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là lô trái phiếu do Công ty CP đầu tư phát triển Đô thị và KCN Sông đà (Sudico) phát hành, và lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại một lô đất thuộc khu đô thị Nam Khánh, thời điểm đó được định giá 786 tỷ đồng (tổng giá trị tài sản thế chấp được xác định là 50% của 786 tỷ tức 393 tỷ đồng).

Đến hết năm 2014, dư nợ gốc của Quản lý quỹ Hữu Nghị còn 280 tỷ đồng. Trong năm nay, Sudico đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng 3 lô đất thuộc dự án khu đô thị mới Nam An Khánh cho công ty AMC của Ngân hàng Quân đội. Số tiền thu được, Sudico chuyển 177 tỷ đồng cho SDFC để thanh toán khoản nợ trái phiếu kia.

Như vậy, nợ của Quản lý Quỹ Hữu Nghị hiện chỉ còn 103 tỷ đồng. Hai bên cũng đã thống nhất tìm đối tác bán tài sản đảm bảo để trả nốt nợ cho SDFC.

Về khoản nợ liên quan đến STL trong đó có 470 tỷ đồng là nợ ngắn hạn theo món (thực tế trong đó 320 tỷ đồng là khoản SDFC nhận lại của STL với ngân hàng SHB. Và 150 tỷ đồng công ty cho STL vay từ nguồn vốn ủy thác có chỉ định của MHB, sau khi đến hạn SDFC trả hộ STL và nhận lại khoản nợ này, đến hết 2014 khoản nợ còn 130 tỷ) và 210 tỷ đồng đồng trái phiếu dài hạn (đáo hạn vào tháng 8 và tháng 10/2012).

Đến hết năm 2014 dư nợ khoản vay ngắn hạn còn 450 tỷ, nợ trái phiếu vẫn chưa đòi được ở mức 210 tỷ đồng và tổng cộng nợ liên quan STL là 660 tỷ đồng.

Được biết, các khoản nợ của STL đều ít nhiều có tài sản đảm bảo, trong đó khoản nợ ngắn hạn tại thời điểm cho vay có tài sản đảm bảo liên quan bất động sản tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng; còn khoản trái phiếu đầu tư có tài sản đảm bảo được định giá 72 tỷ đồng.

Đến hết quý 2/2015, SDFC đã dự phòng đối với khoản nợ vay và nợ trái phiếu STL là 140 tỷ đồng. Theo quy định về trích lập dự phòng thì nợ có khả năng mất vốn phải được trích lập tới 100%. Tuy nhiên, cuối 2011, SDFC đã có công văn gửi NHNN về phương án trích lập xử lý dự phòng rủi ro đối hai khoản nợ liên quan STL và NHNN đã có công văn phúc đáp trong đó đề nghị SDFC khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu trình NHNN và NHNN sẽ nghiên cứu các đề xuất trong phương án tái cơ cấu tổng thể. Và đến hết quý 2 năm nay, SDFC vẫn thực hiện phân loại và dự phòng đối với khoản phải thu của STL là nợ nhóm 3 theo phương án trình NHNN.

Được biết, hiện SDFC đang làm thủ tục để bán nợ ở STL cho VAMC. Nếu thương vụ này được thực hiện, coi như SDFC thoát được khoản nợ khổng lồ 450 tỷ đồng và chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro trong vòng 10 năm (do SDFC là trường hợp tái cơ cấu, được giãn thời gian trích lập nợ tới 10 năm theo quy định mới tại Nghị định 34 của Chính phủ).

Ngoài ra, SDFC cũng còn một khoản nợ phải trả liên quan đến Ngân hàng Quân đội – đơn vị tới đây sẽ nhận sáp nhập công ty tài chính này, với nợ gốc thời điểm cuối năm 2014 là 246 tỷ đồng. Thời gian qua SDFC đã bán trái phiếu Sudico và thu được một khoản tiền, sau đó trả cho MB, hiện dư nợ gốc và lãi phát sinh còn phải trả là hơn 90 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 78 tỷ đồng. Ngày đáo hạn của khoản nợ này là 30/9/2015.

Theo kế hoạch, SDFC tới đây sẽ nhập vào MB với tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 2,2:1 tức 2,2 cổ phiếu SDFC sẽ đổi 1 cổ phiếu MB. Nhiều ý kiến cho rằng thương vụ này sẽ có lợi cho các cổ đông SDFC hơn là cổ đông của MB. Giá cổ phiếu của MB đóng cửa ngày 25/9 - ngày chốt danh sách để tham dự ĐHCĐ bất thường liên quan vụ sáp nhập này - ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu.

 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên