MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Đến cuối tháng 8, dư nợ với lĩnh vực ưu tiên tăng 47%

09-09-2013 - 11:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 77.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% trong tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và tăng 61% so với cuối năm 2012.

Xoay quanh vấn đề về tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp, chúng tôi đã có buổi trao đổi phỏng vấn với ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Gần đây, có nhiều ý kiến phản ánh tiếp cận vốn ngân hàng vẫn vướng. Ý kiến của ông?

Trước hết, phải khẳng định mối quan hệ lãi suất cho vay giữa ngân hàng và DN hiện nay không còn là vấn đề lớn, bởi lãi suất tín dụng đã giảm rất mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế vĩ mô như hàng tồn kho, sức cầu thị trường, nợ xấu… đến nay vẫn tiếp tục tiềm ẩn tác động đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các TCTD. Song không vì thế mà các ngân hàng ngồi chờ đợi khách hàng đến.

Gần đây, nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố đã trực tiếp đi tìm kiếm khách hàng tổ chức và cá nhân để cho vay vốn. Chúng tôi đã thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với DN để tìm hiểu và giải đáp về cơ chế lãi suất, về thủ tục vay vốn, nhất là tìm hiểu rõ những vướng mắc về tài sản thế chấp. Từ đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xử lý những khó khăn vướng mắc cho các DN trên cơ sở danh sách DN khó khăn do Sở Công Thương, Hiệp hội DN thành phố cung cấp.

Tính đến nay, NHNN chi nhánh thành phố đã phối hợp tháo gỡ khó khăn về vốn trực tiếp cho 64 DN do Sở Công Thương cung cấp và 32 DN do Ban quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất đề xuất…

Ngoài ra, chúng tôi còn thông qua Cổng thông tin điện tử đối thoại DN với chính quyền thành phố, đặc biệt đường dây nóng của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp đón nhận những phản ánh về lãi suất, khoản vay có đúng đối tượng được ưu tiên hay không, thủ tục vay vốn có vướng mắc ở đâu... Sau khi xác minh, nếu ngân hàng nào thực hiện sai quy định, chúng tôi sẽ đề nghị người phản ánh cung cấp thông tin chính xác, cụ thể về TCTD cho vay vốn, để NHNN chi nhánh thành phố kịp thời chỉ đạo và có hình thức xử lý.

Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn thuận lợi, thời gian qua chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khảo sát, tiếp cận DN để xem xét cho vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hiệu quả. Theo đó, mỗi ngân hàng sau khi có kết quả khảo sát nhu cầu vốn, lãi vay của DN phải báo cáo về NHNN chi nhánh thành phố tình hình DN, nhu cầu vốn vay và khả năng tài chính của ngân hàng mình có thể đáp ứng được hay không, để NHNN có hướng tháo gỡ. Tổng hạn mức trong chương trình kết nối ngân hàng với DN trên địa bàn đến nay đã lên đến 5.566 tỷ đồng, đã hỗ trợ 289 DN và 52 hộ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất thấp.

Ảnh minh họa

Đến nay, chính sách tín dụng với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên kết quả ra sao, thưa ông?

Tính đến cuối tháng 8/2013, tổng dư nợ đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 126.092 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 77.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% trong tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và tăng 61% so với cuối năm 2012. Đây là lĩnh vực có tốc độ tăng dư nợ cao nhất so với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại.

Tốc độ dư nợ vào khu vực DNNVV tăng nhanh thời gian qua có nguyên nhân khu vực kinh tế này đã chuyển biến nhanh nhạy. Đặc biệt, các DN quy mô nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh đã phát huy được lợi thế, ưu điểm là linh hoạt trong quá trình thích ứng với những khó khăn của thị trường. Cụ thể, các DNNVV đã có những điều chỉnh sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại lao động, thích nghi với môi trường mới tốt hơn các DN lớn... Các ngân hàng cũng đã giảm nhanh lãi suất đối với loại hình DN này, hiện mức lãi suất cho vay tiền đồng của các ngân hàng dành cho khối này chỉ còn dưới 9%/năm.

Còn với những loại hình DN khác, thưa ông?

Với các DN không thuộc đối tượng ưu tiên, các ngân hàng cũng đã có nhưng hỗ trợ rất đáng kể, trong đó phải nói đến tổng nợ các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại cho 6.436 DN đến hết tháng 8/2013, theo Quyết định 780, lên đến hơn 104.000 tỷ đồng. Điều này rất có ý nghĩa trong giai đoạn nhiều khó khăn hiện nay, giúp các DN duy trì sản xuất kinh doanh. Chúng tôi khẳng định, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo mọi nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ cung ứng đủ vốn cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo DN có nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 6/9, tại TP. Hồ Chí Minh, 12 NHTM đã ký kết hợp đồng tín dụng với 42 DN và 4 hộ sản xuất tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, với tổng hạn mức vay vốn là 1.488 tỷ đồng, thuộc chương trình kết nối ngân hàng với DN. Theo đó, lãi suất cho những khoản vay tiền đồng này không quá 9%/năm, đối với khoản vay ngắn hạn; và 12%/năm với khoản vay trung - dài hạn.

Theo Phạm Hà Nguyên

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên