MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp]: Phiên tòa xét xử bầu Kiên chiều 22/5

22-05-2014 - 17:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Với lời khai khác biệt của các thành viên khác, bao gồm cả ông Hùng, ông Kiên cho biết ông và các thành viên HĐQT ACB đều là bạn bè thân thiết và rất quý trọng nên không đổ trách nhiệm cho họ.



16h45

Ông Nguyễn Đức Kiên được đưa vào để xét hỏi:

Ông Kiên tóm tắt lại các vị trí mà mình nắm giữ tại ACB và giải thích cho tòa về sự khác biệt trong chức năng, nhiệm vụ của HĐQT và hội đồng sáng lập.

Ngày 22/3/2010 họp giao ban HĐQT. Tôi không nhớ tất cả các người. HĐSL có ông Hùng và tôi, ông Cang, Quang, anh Lý Xuân Hải, ông Giá, anh Huỳnh Quang Tuấn. Tôi, ông Giá, anh Tuấn ở ngoài Hà Nội, những người kia trong Hồ Chí Minh.

Trước khi kết thúc cuộc họp, anh Hải báo cáo về việc nhu cầu sử dụng vốn của ACB và đề xuất việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, sau đó lấy biểu quyết. Ông Giá không yêu cầu tôi phát biểu ý kiến nhưng nếu được phát biểu thì tôi cũng đồng ý với anh Hải.

Tòa lật lại các lời khai cho biết ông Trần Mộng Hùng không đồng ý việc này, mà chủ trương giảm lãi suất huy động, ông Kiên đáp:

“Tôi không biết lời khai của thành viên HĐQT khác như thế nào, tôi chỉ khai những gì tôi biết và chứng kiến. Ý kiến tăng hoặc giảm lãi suất huy động hoàn toàn khác với việc ủy thác đem tiền đi gửi. Tôi luôn chủ trương duy trì lợi suất tài sản cao.”

Nghị quyết HĐQT thường trực hôm đó gồm 2 nội dung: đồng ý đề nghị của TGĐ về phương án sử dụng tiền gửi, hai là đồng ý cho TGĐ quyết định hạn mức và lãi suất tiền gửi của TCTD khác và ủy quyền cho anh Hoàng – kế toán trưởng thực hiện.

Tôi khẳng định tôi không có vai trò gì ở ACB để quyết định việc này vì thứ nhất, mọi việc ở ACB phải thực hiện bằng văn bản và thứ hai, các thành viên của ACB đều có bản mô tả chức danh.

Tòa dẫn lại lời khai của ông Lê Vũ Kỳ về việc ông Kiên nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao tại ACB, nếu “ông nào” làm không đúng thì ông Kiên dùng quyền cổ đông lớn để cách chức.

Ông Kiên đáp:

“Tôi không bình luận về lời khai của người khác. Tự mỗi người chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Tôi và các thành viên HĐQT đều là bạn bè thân thiết và tôi rất quý trọng, tôi không đổ trách nhiệm cho họ. Tôi chỉ trả lời những câu hỏi tòa hỏi tôi, thuộc trách nhiệm trả lời của tôi.

Tôi hoàn toàn không biết việc ACB gửi tiền vào bất kỳ TCTD nào, không nhận được văn bản nào của ACB về việc gửi tiền tại Vietinbank!”

Trước khi tòa nghỉ, Ông Kiên lập tức nêu ý kiến:

“Đề nghị HĐXX cho tôi biết khi nào thì tôi có thể có ý kiến về việc tôi khiếu nại các quyết định của cơ quan điều tra và VKS với tôi. Tôi muốn chuyển ý kiến này lên ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Bá Thanh, chánh án TAND tối cao và các thành viên xét xử. Tôi là người chưa có tội khi bản án chưa có kết luận. Tôi muốn được trình bày các nội dung khiếu nại của tôi theo luật Khiếu nại.”

17h10, tòa nghỉ.



16h30

Gia đình ông Kiên và ông Trần Mộng Hùng giữ trên dưới 30% cổ phần ACB

Sau 10 phút nghỉ giải lao, tòa xét hỏi ông Huỳnh Quang Tuấn

Ông Tuấn trả lời:

Cuộc họp ngày 22/3/2010, tôi chưa phải thành viên HĐQT nhưng tham gia cuộc họp này với tư cách khách mời vì tôi là phó tổng giám đốc thuộc ban điều hành. Theo tôi nhớ, nội dung bàn trong đó phần lớn không liên quan đến những phần mà tôi phụ trách (ông Tuấn phụ trách mảng nhân sự, nghiên cứu phân tích kinh tế vĩ mô…)

Tôi không nhớ những ai tham gia và bàn cái gì. Về nghị quyết HĐQT, cho đến khi khởi tố vụ án tôi mới hình dung là có nghị quyết như vậy. Việc ủy thác gửi tiền không thuộc trách nhiệm của tôi giám sát.

Xét hỏi ông Phạm Trung Cang:

Tôi có tham gia cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2010. Bối cảnh lúc đó, ACB đang dư tiền nhiều vì kinh tế khó khăn, người dân gửi tiền nhiều trong khi cho vay thì khó.

Cuộc họp đó có ông Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên và các thành viên HĐQT, ban điều hành, các phó trưởng phòng … Nội dung họp bàn chủ yếu là làm sao giải quyết lượng tiền dư gây thua lỗ cho ACB do không cho vay được.

Tôi không nhớ rõ nhưng có thể là anh Lý Xuân Hải là người đề xuất giải pháp cho nhân viên đi gửi tiền ở các ngân hàng khác. Sau đó, HĐQT chỉ ra 2 rủi ro: một là nguy cơ mất tiền, hai là rủi ro pháp lý. Ủy thác này có đúng không?

Lúc đó anh Hải nói đã nghiên cứu kỹ rồi. Tham khảo ý kiến của phòng pháp chế tuân thủ thì anh em cũng nói là không có gì sai. Vì vậy HĐQT đã nhất trí. Hội đồng sáng lập, ông Trần Mộng Hùng đã đồng ý, còn về ông Kiên, trong một cuộc họp nào đó, ông ấy cũng đồng ý.

Lúc đó, có 2 gia đình cổ đông lớn của ACB là nhà anh Hùng sở hữu khoảng 14 -15% cổ phần của ACB, nhà ông Kiên cũng khoảng mười mấy phần trăm đó. Cá nhân tôi sở hữu chưa đến 1%. Nếu ông Kiên không đồng ý đề xuất thì nghị quyết sẽ không được thông qua.

Vào ngày 28/4/2010, tổ chức HĐQT của Eximbank và từ tháng 5/2010, tôi chính thức sang Eximbank làm việc. Tôi kiêm nhiệm 2 chức vụ: phó chủ tịch HĐQT của Eximbank và phó chủ tịch của ACB.

Sau đó, theo luật mới, một cá nhân không được kiêm nhiệm 2 vị trí ở 2 ngân hàng nên tôi đã làm đơn từ nhiệm và về mặt pháp lý, chính thức vào 31/12/2010, tôi chỉ còn làm việc ở Eximbank. Tôi vẫn giữ chức vụ ở ACB là thành viên HĐ đầu tư để chuyển giao khách hàng đang phụ trách.

Khi sang Eximbank rồi, tôi không được ban điều hành của ACB báo cáo hay hỏi ý kiến gì về hoạt động nữa. Tôi không tham gia chỉ đạo việc gửi tiền mà chỉ tham gia mảng thông tin cấp tín dụng cho khách hàng của ACB.

Khi cơ quan điều tra đưa văn bản này cho tôi, tôi rất bất ngờ vì trong năm 2010, tôi không có ký bất kỳ văn bản nào. Sau đó hỏi lại ACB thì tôi biết thực chất văn bản này được làm vào tháng 3/2012 để hợp lý hóa các khoản tiền đi gửi.

Khi còn là thành viên HĐ tín dụng của ACB thì tôi không thường xuyên dự họp. Tôi không biết là tháng 6/2011, Lý Xuân Hải tiếp tục đem tiền đi gửi.

Cuộc họp ngày 22/3/2010 có chủ trương không sai. Tôi cũng không biết sau khi có luật tín dụng mới, nó có sai không. Còn trong quá trình thực hiện theo Luật DN, nếu có sự thay đổi của luật thì Tổng giám đốc NH đương nhiên phải dừng chứ không cần hỏi ý kiến HĐQT.

--------------------

15h20:

Ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang cũng khẳng định ủy thác gửi tiền không sai

Xét hỏi ông Lê Vũ Kỳ:

Ông Kỳ trả lời: Đề xuất phương án ủy thác gửi tiền là ông Lý Xuân Hải. Không có ai phản đối. Anh Kiên rất có uy tín ở ngân hàng, nếu anh Kiên mà không đồng ý thì khó mà thông qua phương án này.

Việc triển khai thực hiện ủy thác theo nghị quyết được giao cho ban Giám đốc theo dõi, thi hành.

Xét hỏi ông Trịnh Kim Quang:

Trong cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2010, khi anh Hải đề xuất chuyện ủy thác, không có chuyện anh Hùng (ông Trần Mộng Hùng) không đồng ý và ra chủ trương giảm lãi suất. Việc anh Hùng và anh Kiên nói chuyện với nhau có thể là diễn ra vào lúc khác. Hai anh này là người có quyền lực nhất tại ngân hàng.

Sau cuộc họp đó, theo phân công, chỉ có thường trực HĐQT ký vào nghị quyết đồng ý chủ trương ủy thác cho các cá nhân đem tiền đi gửi tiết kiệm. Sau khi có luật mới, nghị quyết này được xem xét lại.

Theo tôi việc gửi tiền này không sai vì pháp luật chỉ quy định không huy động vượt trần chứ đâu có quy định người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất trần. Có lỗi thì là thuộc về tổ chức tín dụng huy động (tức Vietinbank) vì đây là bên chào mời người ta huy động tiền gửi.

Xem thêm:

-
Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm bầu Kiên sáng 22/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm bầu Kiên chiều 21/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm bầu Kiên sáng 21/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm bầu Kiên chiều 20/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm bầu Kiên sáng 20/5



Ông Kiên được gặp vợ trong giờ nghỉ

14h15 ngày 22/05/2014, phiên tòa tiếp tục.

Đại diện của UBCK nhà nước chiều nay đã đến dự tòa.

Chủ tọa nói, trong giờ nghỉ có thể cho ông Kiên gặp vợ là bà Đặng Ngọc Lan.

Lý Xuân Hải: Ủy thác gửi tiền không phạm luật

Xét hỏi Lý Xuân Hải:

Chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền là khoảng tháng 3/2010. Khi đó, HĐQT ACB gồm 11 người trong đó ông Trần Xuân Giá là chủ tịch HĐQT.

Ngày 22/3/2010 cuộc họp HĐQT bàn về cách ứng xử của ACB trong điều kiện thị trường đang cực kỳ rối loạn: làm sao để vượt qua giai đoạn này mà không mất khả năng chi trả. 3 vấn đề chính của cuộc họp này là:

- Đảm bảo khả năng chi trả (thanh khoản) là ưu tiên số 1

- Không được để tốc độ tăng trưởng huy động quá nhanh, nếu không sẽ mất khả năng chi trả. Tức là duy trì sức cạnh tranh về huy động ở mức yếu, không chạy đua. Các thành viên HĐQT trong đó có ông Trần Mộng Hùng đều nhất trí với vấn đề này.

- Ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền ở các ngân hàng.

Việc điều hành các nhân viên đem tiền đi gửi được giao cho anh Nguyễn Văn Hoà – kế toán trưởng của ACB, tôi không chỉ đạo trực tiếp.

Việc ủy thác tiền gửi này theo tôi không vi phạm luật pháp vì thông tư 02 ra ngày 3/3/2011 quy định về trần lãi suất huy động nhưng không có quy định về việc người gửi tiền có quyền nhận các khoản thưởng, hoa hồng khuyến mại từ ngân hàng. ACB cũng không hạch toán các khoản này như tiền lãi. Tòa có thể kiểm tra.

Anh Hoà báo cáo lại với tôi, khi gửi tiền tại Vietinbank, lãi suất là theo quy định, còn phần thưởng cho người đi gửi tiền được hạch toán vào khoản khác.

Tòa dẫn quy định, thông tư của NHNN và hỏi tại sao ACB không chờ có hướng dẫn của NHNN về Luật các TCTD rồi mới thực hiện các hoạt động ủy thác, ông Hải trả lời:

“Nếu chúng tôi chờ các cơ quan quản lý có hướng dẫn thực hiện thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch rồi. Từ trước đến nay, có nhiều vấn đề mà NHNN hướng dẫn chúng tôi là khi chưa có văn bản mới hướng dẫn thì vẫn làm theo văn bản cũ.”

Trả lời VKS, ông Hải cho biết trước khi luật TCTD 2010 đưa vào thực hiện thì việc ủy thác thực hiện theo Bộ luật dân sự. Toàn bộ phần thưởng, chi hoa hồng mà các cá nhân đem đi gửi tiết kiệm đều thuộc về ACB.

--------------------

NỘI DUNG PHIÊN XÉT XỬ BUỔI SÁNG 22/5

11h20:

Sau các ý kiến của đại diện cục thuế và cơ quan giám định thuộc Bộ tài chính, ông Kiên được đưa vào xét hỏi tiếp.

Ông Kiên nói:

"Hợp đồng này tôi là người soạn thảo và đưa cho kế toán để đưa Hương ký. Ở B&B có sự khác với các công ty khác. Vợ tôi là người được tôi ủy quyền điều hành một số công việc, tôi là người nắm cổ phần chi phối và quyết định toàn bộ mọi việc. Vợ tôi trong giai đoạn đó mới sinh con, em tôi – Hương mới bắt đầu kinh doanh, mọi việc trong giai đoạn đó đều do tôi thực hiện.

Công ty B&B ký với Hương trước, sau đó căn cứ vào ủy thác của Hương mới ký với ACB. Tất cả đều đúng quy định của pháp luật. HĐ này tôi soạn thảo vào 25/12/2012. Sau đó 2-3 tiếng, khi đang uống cà phê, tôi soạn thảo tiếp hợp đồng với ACB. 2 hợp đồng này ký cùng ngày nhưng thời điểm ký khác nhau.

Hương có 2 việc để làm: ủy quyền cho tôi, và theo từng giai đoạn của hợp đồng, Hương ký xác nhận các lệnh. Vợ tôi không làm gì, chỉ thay tôi ký các giấy tờ cần thiết.

Như vị đại diện nào đó của cục thuế vừa nói, công ty đã khai rõ với chi cục thuế quận Đống Đa thu nhập từ hoạt động ủy thác của B&B. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, tôi là người ra lệnh mua, lệnh bán.

Tôi làm đúng 1 quy trình của một người anh dạy một người em trong hoạt động kinh doanh. Trình tự tôi dạy em tôi như sau: đặt các lệnh và chờ, các lệnh này có thể thua hoặc thắng, lời hoặc lỗ, đến thời điểm quyết toán mới chốt.

Thưa tòa, tòa đã hỏi những người không đúng địa chỉ. Người được hỏi đều không trả lời được.

Tôi xin đưa ra nghị định 115 của TTCP về vấn đề thuế để nói rõ hơn về thuế.

Giám định viên của Bộ tài chính đã căn cứ vào các tài liệu không đầy đủ mà cơ quan điều tra đưa ra, xin HĐXX đưa ra các điều khoản ngoại trừ trong hoạt động khấu trừ thuế. Tôi được thực hiện đúng nguyên tắc khấu trừ tại nguồn.

Thưa tòa, thưa ông đại diện VKS, ông đã trích dẫn không chính xác các bản kê khai của B&B với chi cục thuế. Nghị quyết miễn giảm thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm của Quốc hội được thực hiện vào 24/4, có hiệu lực ngay lập tức. Ngày tôi chuyển tiền cho Hương là ngày 27/4.
Cho đến ngày hôm nay, cá nhân tôi và B&B vẫn chưa nhận được quyết định nào của tổng cục thuế ấn định số thuế phải nộp dù đã gửi nhiều văn bản lên.

Thứ nhất, khi giám định viên tiến hành giám định, phải giám định tất cả các HĐ phát sinh trong năm, không loại trừ hợp đồng nào nên việc cơ quan điều tra yêu cầu loại hợp đồng của Hương với công ty là sai.

Thứ hai, đã có phụ lục hợp đồng của Hương với công ty nhưng cơ quan giám định không nhận được, vì vậy kết quả giám định là hoàn toàn sai!

Trong các luật hiện hành, tổng cục thuế không có quyền tuyên bố các hợp đồng là trái pháp luật trong bất kỳ trường hợp nào.

Cơ quan giám định cũng thiếu 1 văn bản quan trọng, là tại 31/12, các công ty có quyền định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán, vàng để xác định lãi, lỗ. Tại ngày 31/12, công ty bị lỗ 168 tỷ nên không phải nộp thuế.


10h34:

Phiên tòa tiếp tục sau khi nghỉ giải lao:

Tay cầm các văn bản, Bầu Kiên tự bào chữa trước tòa bằng việc dẫn quy định pháp luật về các hợp đồng ủy thác, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (theo luật doanh nghiệp: DN có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm), hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 174 của TTCP).

Tòa ngắt lời, yêu cầu nếu dẫn dẫn chứng thì để đến phần tranh luận.

Tòa tiếp tục xét hỏi ông Lý Xuân Hải về các hoạt động cho vay, nhận ủy thác, ký quỹ, thẩm định năng lực khách hàng … của ngân hàng ACB khi ông Hải còn làm Tổng giám đốc.

Chuyển sang thẩm vấn hành vi trốn thuế, ông Kiên bị cách ly sang phòng khác.

Bà Đặng Ngọc Lan:

Việc tôi làm TGĐ của B&B, thực ra là chồng tôi nói để tôi giữ chức vụ thôi, còn tôi cũng không tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Việc đầu tư tài chính với ACB, tôi ký hợp đồng nhưng không biết ai trực tiếp soạn thảo hợp đồng đó. Tôi đọc nhưng cũng không để ý nội dung hợp đồng, sau này khi gặp cơ quan điều tra thì tôi mới biết. Tất cả các việc điều hành đều do chồng tôi làm. Tôi hoàn toàn tin vào chồng tôi, tôi thấy rằng việc tin tưởng vào chồng không có gì là sai cả.

Những khái niệm tài chính trong hợp đồng, tôi không hiểu.

Bà Hương – em gái ông Kiên, là thành viên HĐQT của B&B:

Tôi rất tin tưởng vào khả năng kinh doanh của anh Kiên. Khi được đề xuất ký hợp đồng ủy thác tài chính, tôi ký thôi. Chi tiết cụ thể nội dung thì tôi không hiểu. Tôi không có năng lực nhiều về kinh doanh, nghe anh Kiên giải thích rất đơn giản là tôi được phép ủy quyền cho một công ty có chức năng đầu tư. B&B sẽ thay mặt tôi thực hiện các hoạt động đầu tư. Tôi không cần ký quỹ. Nếu lãi, tôi được hưởng 99% và trả phí 1% cho B&B.

Là anh em trong gia đình, tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh Kiên.

10h00:

Nói về thời gian gia hạn quyết đinh 03, ông Kiên xin giải thích về nhầm lẫn của NHNN
.

“Chính tôi là người gửi thư xin gia hạn lên Thủ tướng chính phủ, xin tòa để tôi giải thích vì đây là một văn bản pháp luật quan trọng…”

Chủ tọa ngắt lời ông Kiên, không cho phép nói vì tòa đang chốt lại các nội dung do NHNN giải thích, những lời ông Kiên cần nói, để đến phần tranh luận.

Tòa hỏi lại NHNN về thời gian gia hạn quyết định 03. Đại diện này nói cần xem lại tài liệu.

Trong thời gian chờ NHNN xem lại tài liệu, Tòa lại hỏi ông Lý Xuân Hải về kinh doanh giá vàng và kinh doanh vàng trạng thái!

Sau khi kiên nhẫn giải thích lại, nhắc lại các lời khai của mình, ông Hải khẳng đinh:

“Đến thời điểm bị bắt, nếu pháp luật không thay đổi, tôi tin rằng tôi không vi phạm điều gì.”

Đại diện NHNN đã trở lại:

“Sau khi xin ý kiến thủ tướng, theo TT số 10 ngày 26/3/2010 của NHNN đã gia hạn QĐ 03 đến ngày 30/6/2010 cho tất cả các ngân hàng chứ không riêng gì ACB. Việc phân biệt kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng là rất phức tạp, NHNN cũng chỉ có chức năng quản lý quy định về kinh doanh vàng vật chất và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, tôi không đủ căn cứ để nêu quan điểm về điều này. “

Vụ tài chính của Bộ KHĐT:

Hoạt động mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp được xếp vào mã ngành 6490. Việc xếp mã ngành như vậy là để phục vụ cho công tác thống kê, còn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì … theo một văn bản khác, xin hỏi đại diện cục đăng ký kinh doanh!

9h28:

Tòa hỏi lại những câu hỏi về hoạt động kinh doanh giá vàng của ACB,ông Lý Xuân Hải trả lời:

“Kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng là 2 hoạt động khác nhau nhưng về bản chất giống nhau. ACB được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản và phát sinh các sản phẩm phái sinh để kinh doanh trong nước. Việc cung cấp sản phẩm tùy thuộc vào năng lực tài chính của DN và Ngân hàng cụ thể, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hình thức đặt lệnh qua điện thoại.

Chúng tôi không kiểm tra đối tác có giấy phép kinh doanh vàng hay không. Việc ký kết kinh doanh vàng với ACB diễn ra trước khi có quy định của NHNN về kinh doanh vàng vật chất nên việc có giấy phép hay không là do bên mua chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ xem xét năng lực tài chính của đối tác.

Hôm qua tôi đã giải thích về Kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng, hôm nay tôi không muốn giải thích lại với tòa về các sản phẩm phái sinh nữa.”

Phó phòng kinh doanh vàng của Ngân hàng Á Châu được hỏi về “tiêu chuẩn cụ thể của đối tác để được ký HĐ ủy thác với ACB” nhưng tỏ ra không nắm được, không nhớ quy định và quy trình nghiệp vụ nên không trả lời được.

Vị này nêu ý kiến, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài tuân theo quy định 03 của NHNN. Có hợp đồng ủy thác giữa VietBank và ACB là do VietBank không có giấy phép kinh doanh vàng nước ngoài nhưng không biết là VietBank có cần có giấy phép kinh doanh vàng trong nước hay không.

Đại diện của NHNN:

Hoạt động kinh doanh vàng tuân theo QĐ 174 của CP và QĐ 03 của NHNN. HĐ kinh doanh vàng có 2 hoạt động là hoạt động SX vàng miếng, xuất khẩu vàng và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Theo QĐ 03 của NHNN, VietBank không cần có giấy phép kinh doanh vàng mới có thể ký hợp đồng ủy thác với ACB. QĐ này chỉ quy định các hoạt động trực tiếp chứ không quy định cụ thể về các hoạt động ủy thác kinh doanh vàng.

Ngoài 2 quy định này, Chính phủ và NHNN không có quy định về các hoạt động cụ thể nào khác. Không có căn cứ nào để yêu cầu VietBank phải có giấy phép kinh doanh vàng.


9h00:

Đại diện NHNN tới dự để trả lời các vấn đề liên quan

Đại diện của NHNN: Hoạt động kinh doanh vàng tuân theo QĐ 174 của CP và QĐ 03 của NHNN. HĐ kinh doanh vàng có 2 hoạt động là hoạt động SX vàng miếng, xuất khẩu vàng và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Theo QĐ 03 của NHNN, VietBank không cần có giấy phép kinh doanh vàng mới có thể ký hợp đồng ủy thác với ACB. QĐ này chỉ quy định các hoạt động trực tiếp chứ không quy định cụ thể về các hoạt động ủy thác kinh doanh vàng.

Ngoài 2 quy định này, Chính phủ và NHNN không có quy định về các hoạt động cụ thể nào khác. Không có căn cứ nào để yêu cầu VietBank phải có giấy phép kinh doanh vàng.


8h20, tòa bắt đầu.

Tòa tiếp tục thẩm vấn về hoạt động kinh doanh của công ty Thiên Nam

Người ủy quyền của ông Nguyễn Bích Lâm –Tổng cục trưởng tổng cục thống kê:

Theo quy định tại điều 7 NĐ43/2010/NĐCP về đăng ký DN thì việc mã hóa ngành nghề kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. Hoạt động mua bán cổ phiếu đã được xác định mã ngành và gửi cho tòa.

Tổng cục thống kê chỉ có chức năng xác định “mã ngành kinh doanh” mà không có chức năng xác định “mã ngành kinh tế”! Điều này thuộc chức năng của cơ quan khác.

Đại diện Bộ KHĐT:

Để trả lời về câu hỏi hôm qua của tòa, chúng tôi đã liên hệ Vụ tài chính tiền tệ của NHNN và vụ này đã cử người đến tòa, nếu cần thì trong vòng 10 phút sẽ có mặt.


8h00:

Bầu Kiên vui vẻ, tự tin trước phiên tòa

Ngày 22/5/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm đã bước sang ngày thứ 3.

Hôm nay, đại diện của Ngân hàng nhà nước đã có mặt.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, ông Kiên rất vui vẻ, tự tin, thảo luận với luật sư và trò chuyện với các chiến sỹ công an.


Hải Minh

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên