MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tư lệnh” ngành ngân hàng đối mặt các ý kiến đa chiều

20-06-2013 - 07:02 AM | Tài chính - ngân hàng

TGĐ của Citibank VN cho biết nếu được bỏ phiếu tín nhiệm thì chắc chắn sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho Thống đốc vì những hành động và chính sách quản lý ngành tài chính ngân hàng trong thời gian qua.

Sáng ngày 19/6/2013, “Tư lệnh” ngành ngân hàng Việt Nam - Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã gặp gỡ hơn 200 lãnh đạo các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam và Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại các địa phương. Trong thời điểm khó khăn thách thức cho hoạt động ngân hàng, nhiều ý kiến đa chiều vẫn khẳng định niềm tin và sự đồng thuận trong chính sách quản lý kinh tế vĩ mô về điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Chúng tôi đã gặp gỡ và ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:”Cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”

Trước kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn hiện nay, NHNN đã đề ra các giải pháp cuối năm 2013, theo đó, NHNN cam kết điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất thị trường liên ngân hàng; thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng và thời hạn hợp lý đối với các TCTD để cho vay mua nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, hỗ trợ việc giải quyết nợ xấu, hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. 

Chúng tôi hiện đang theo dõi sát diễn biến thị trường, trạng thái ngoại hối của các TCTD để can thiệp trên thị trường ngoại hối với liều lượng hợp lý, đồng thời điều chỉnh linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cũng tiếp tục thực hiện giải pháp tín dụng, lãi suất đã triển khai trong năm 2012 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. 

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khả năng tiêu thụ sản phẩm, tình hình sản phẩm tồn kho cũng như các khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp về tín dụng, lãi suất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Quan điểm của tôi là sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương thực hiện các bước và thủ tục cần thiết để sớm đưa Công ty quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế.

Ông Brett Krause, Tổng Giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam:”Chúng tôi tín nhiệm Thống đốc”

Chúng tôi nhận thấy các chính sách và công việc mà NHNN đã triển khai trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Ví dụ như NHNN đã thanh kiểm tra và xác định rõ được mức dư nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng, qua đó chúng ta có thể nhận định được khó khăn nằm ở đâu và giải pháp tháo gỡ như thế nào. Riêng quan điểm của chúng tôi đánh giá rất cao Thông tư 02/2013/TT-NHNN (có hiệu lực vào năm 2014) do chính sách này rất phù hợp với thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Nếu được bỏ phiếu tín nhiệm thì chắc chắn tôi sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho Thống đốc vì những hành động và chính sách quản lý ngành tài chính ngân hàng trong thời gian qua. 

Về phía Citibank, chúng tôi hiện đang quan tâm đến 2 vấn đề, đó là công tác quản lý ngoại hối và hoạt động chống đôla hóa trong nền kinh tế. Trong 18 tháng qua, NHNN đã làm rất tốt công tác quản lý hối đoái. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng theo diễn biến trên thị trường ngoại hối trong thời gian 2 tuần qua thì NHNN cần có thông tin kịp thời thể hiện định hướng quản lý Nhà nước trong thời gian sắp tới. Thực tế là lãi suất tiền gửi VNĐ đang giảm xuống nhưng lãi suấtcho vayUSD vẫn đang giữ nguyên là chưa hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng NHNN nên hạ lãi suất cho vay USD xuống mức 4% để đảm bảo tỷ giá ổn định. Riêng đối với chính sách chống đôla hóa trong nền kinh tế thì tôi nghĩ chính sách của NHNN trong thời gian qua rất thành công.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank):”Cần giải quyết khó khăn trong tăng trưởng tín dụng”

Khó khăn lớn nhất hiện nay các ngân hàng đang gặp phải đó là tăng trưởng tín dụng đang xuống quá thấp vì thị trường không có. Hướng ra bây giờ là phải mở các gói tín dụng có lãi suất thấp thì mới đạt được tăng trưởng tín dụng. Về xu hướng thị trường, tôi nhận thấy có vài tín hiệu tích cực nhưng về cơ bản thì thị trường không thể xuất hiện bước phát triển thần kỳ. Chúng ta không nên đặt ra các ảo vọng vì thị trường phát triển theo quy luật riêng của nó, mà chính sách chỉ tác động một phần. Trong 6 tháng đầu năm như thế thì 6 tháng cuối năm sẽ có thể ấm lên chứ chúng ta đừng nghĩ sẽ có một bước nhảy vọt phát triển được. Tôi nghĩ thị trường sẽ phục hồi theo từng giai đoạn, cuối 2013 sẽ ấm hơn, sang năm 2014 và 2015 sẽ tốt hơn.

Riêng Eximbank, chúng tôi tự tin vì học tập được kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài trong 2 lĩnh vực. Thứ nhất, đó là công tác quản trị nợ xấu, hiện nay Eximbank có tỷ lệ nợ xấu rất thấp ở mức 1,3%. Thứ hai là công tác quản lý chất lượng tín dụng theo hướng giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng một khi đảm bảo khả năng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn thì khả năng tăng trưởng tín dụng cũng thấp và lợi nhuận ngân hàng cũng không thể tăng cao.

Ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:”Cần cải thiện lòng tin người tiêu dùng”

HSBC hiện đã có mặt trên 80 quốc gia. Chúng tôi nhận thấy vấn đề lớn nhất của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay là cần cải thiện lòng tin của người tiêu dùng. Để thực hiện giải pháp này, HSBC đang tiến hành các bước tăng tổng tài sản của ngân hàng và mở rộng chính sách phát triển kinh doanh. HSBC sẽ ưu tiên hỗ trợ khách hàng trong các lĩnh vực thiết yếu như dược phẩm, y tế, thực phẩm… 

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy vấn đề nợ xấu hiện tại đang phát sinh tại bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Vấn đề là chúng ta không chỉ quan tâm xử lý những khó khăn trong hiện tại, mà quan trọng hơn, chúng ta phải xử lý làm sao để những ngân hàng không gặp lại tình trạng xấu đã xảy ra trước đây. Để giải quyết những khó khăn này, thiết nghĩ các ngân hàng cần tăng cường công tác quản trị rủi ro, chấm dứt cho vay đối với những đối tượng khách hàng không đủ điều kiện, chấm dứt vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Cần nhìn nhận 2 năm qua là thời điểm hết sức khó khăn đối với ngân hàng Việt Nam, nhưng chúng tôi thấy Chính phủ và NHNN Việt Nam đã làm được rất nhiều việc so với các quốc gia khác trên thế giới.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng:Cần phối hợp báo chí, tăng phổ biến thông tin đến người dân”

Chính sách quản lý ngành ngân hàng thời gian qua đã tạo ra xu hướng người dân thực sự chuyển sang trữ VNĐ, điều đó thể hiện sự thành công của NHNN về chống đôla hóa, chống vàng hóa trong nền kinh tế. Với tình hình này, tỷ giá VNĐ/USD trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm, đây là xu hướng tích cực. Trong thực tế giai đoạn ngành ngân hàng trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, tôi nghĩ vấn đề cần thiết đó là việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động điều hành chính sách vĩ mô đến từng người dân. 

Kinh nghiệm tại TP.Đà Nẵng cho thấy qua những lần tiếp xúc với phóng viên báo chí, thông tin được truyền tải đến người dân kịp thời và chính xác sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực. Do đó, một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành ngân hàng trong thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ đó là công tác minh bạch thông tin, giải thích một cách gần gũi và cho người dân tiếp cận những thông tin cần thiết. Nếu chúng ta làm tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí sẽ tạo được sự lan tỏa và đồng thuận trong toàn xã hội, hạn chế những thông tin sai lệch trên thị trường.

Ông Phan Huy Khang, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank):”Ngân hàng đang tăng trưởng ổn định”

Hiện tại, Sacombank đang nhận thấy sự phát triển rất ổn định từ chính sách quản lý kinh tế vĩ mô. Hiện nay, chúng tôi đang tăng trưởng rất tốt, kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng đã đạt đúng như dự kiến. Là một ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, chúng tôi chú trọng chủ trương hoạt động theo mô hình ngân hàng bán lẻ, theo đó hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Đặc biệt, thực hiện theo chỉ đạo của Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm 2013, Sacombank sẽ tham gia tài trợ vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tại TPHCM. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá và phục vụ vào sự an sinh xã hội sẽ được ưu tiên lãi suất cho vay vốn ở mức 6%/năm, ngân sách dự kiến ban đầu Sacombank dành cho chương trình này khoảng 200 tỷ đồng. Nhìn chung, Sacombank nhìn nhận, trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu thì bản thân ngân hàng sẽ gặp một số thách thức nhất định. Nhưng chúng tôi nhận thấy xu hướng sắp tới của thị trường đang tốt dần lên, nếu được NHNN chấp thuận, trong cuối năm nay, Sacombank sẽ tiếp tục mở thêm các chi nhánh tại Lào Cai, Yên Bái nhằm phục vụ khách hàng tại mọi địa phương.

Theo Tường Minh

hangnt

Nhà báo và công luận

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên