MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"VAMC không phải là đũa thần giải quyết mọi vấn đề"

17-05-2013 - 01:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng; sự chuẩn bị ra đời của Công ty quản lý tài sản Việt Nam… đang là vấn đề nóng trong những ngày gần đây.

Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Lãi suất vẫn có thể giảm tiếp

- Ông đánh giá thế nào về động thái hạ 1 điểm % các mức lãi suất điều hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Tôi đánh giá rất cao động thái này của Ngân hàng Nhà nước. Nó hé mở lãi suất sẽ dần đi theo hướng điều tiết của thị trường.

Theo tôi, vẫn còn dư địa để hạ lãi suất tiếp. Lý do bởi lãi suất là giá cả của tiền tệ và phản ánh tương quan cung cầu giữa huy động – cho vay. Từ đầu năm đến nay, huy động vẫn cao hơn cho vay nên điểm lãi suất vẫn thể hiện là còn khuyến khích người gửi tiền nhiều hơn là cho vay.

Theo kế hoạch mục tiêu tín dụng đưa ra, sau 4 tháng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp và vẫn còn nhiều khoảng trống để có thể đẩy vốn ra. Nên lãi suất có thể còn tiếp tục hạ xuống.

- Nếu hạ lãi suất nữa thì một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng cổ phần nhỏ sẽ không hút được nguồn tiền nhàn rỗi. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Tôi không tin người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng nữa. Bằng chứng là thời gian vừa qua huy động vẫn cao hơn nhiều cho vay và thanh khoản của ngân hàng vẫn tốt. Một số ngân hàng từ trước đến nay do nợ đọng nhiều thì có thể gặp khó khăn một chút.

Nguồn tiền rút ra khỏi ngân hàng, tùy vào chiến lược riêng của mỗi người mà có kế hoạch sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc mua ngoại tệ, mua vàng, đầu tư chứng khoán hay bất động sản đều không hấp dẫn thời điểm này. Tôi có tiền gửi ngân hàng nhưng tôi không rút, rút ra để làm gì? Để ở nhà thì rất rủi ro. Chính vì vậy gửi ngân hàng thời điểm này vẫn hấp dẫn nhất.

- Theo ông, lãi suất huy động giảm đến đâu thì là phù hợp? Liệu người gửi tiền có bị thiệt thòi quá không?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Tôi nghĩ xu hướng là sẽ giảm xuống bởi lãi suất hiện nay chưa phản ánh cung cầu, còn giảm bao nhiêu thì do tín hiệu của thị trường quyết định.

Chừng nào cứ giảm lãi suất mà vẫn huy động được và thúc đẩy tốt cho vay thì đó là lãi suất hợp lý. Là người gửi tiền, tôi muốn lãi suất 20% nhưng người đi vay không chấp nhận. Nên tôi nghĩ phải chấp nhận bởi tôi không có kênh đầu tư nào tốt hơn.

- Nhưng doanh nghiệp có được hưởng lợi một cách thực sự từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng không, khi mà lãi suất có giảm nhưng doanh nghiệp hiện quay vòng vốn rất chậm, nên nếu so với các năm trước doanh nghiệp chưa chắc đã thuận lợi hơn?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Tôi đánh giá rất cao sự cố gắng của các tổ chức tín dụng. Theo số liệu chúng tôi tổng hợp được, chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào và đầu ra đã giảm liên tục từ 2001 đến 2012. Đến nay một số ngân hàng để mức chênh lệch lãi xuất xuống dưới 3%. Tôi cho đấy là sự chia sẻ rồi.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng thương mại cổ phần để mức chênh lệch lãi suất bình quân đầu vào và đầu ra lên tới 4-5% là do tình hình tài chính chưa ổn định, nợ đọng nhiều. Điều này cũng là dễ hiểu thôi.

VAMC sẽ giải quyết nhanh nợ xấu

- Vậy theo ông, sự ra đời của Công ty quản lý tài sản (VAMC) có góp phần khơi thông nguồn vốn không?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Nợ đọng nợ xấu còn nhiều chưa giải quyết được. VAMC trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Giải quyết được vấn đế này các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn. Với cơ chế theo dự thảo của VAMC, sẽ giải quyết rất nhanh nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang VAMC.

Theo số liệu đã nêu trong đề án, nợ xấu VAMC xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng. Như vậy cũng giải quyết một phần nào.

- Như vậy chỉ là giải quyết nợ xấu trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Còn nợ xấu thực chất giữa doanh nghiệp và ngân hàng chưa được xử lý?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Khi ngân hàng chuyển nợ xấu sang VAMC, bản thân các doanh nghiệp sẽ thoát khỏi ràng buộc về mặt pháp lý, lúc đó sẽ có điều kiện để tiếp cận được vốn vì chỉ khi nào không có nợ xấu thì doanh nghiệp mới được vay.

- Nhưng đó chỉ là về mặt kỹ thuật. Khi các doanh nghiệp vẫn khó khăn khi điều kiện kinh tế chưa phát triển?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Theo tôi hiểu VAMC không phải là cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề, nó chỉ là một phần thôi. Ngoài ra, vẫn cần phải có những giải pháp khác nữa để thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.

- Một số ngân hàng tỏ ra không hào hứng với bán nợ cho VAMC vì không chuyển sang VAMC hay chuyển sang VAMC thì các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu?

Ông Vũ Viết Ngoạn:Tôi phần nào chia sẻ ý kiến đó. Nhưng cần đặt ra bài toán là phải xử lý nợ xấu nhưng ngân sách khó khăn. Không sử dụng tiền ngân sách. Điều kiện đó được đưa ra thì không có cách nào khác các bên vẫn phải có những khó khăn nhất định.

Theo số liệu của chúng tôi, năm 2012 các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro gần 60.000 tỷ đồng, sẽ góp phần cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Như Ngân hàng Nhà nước đã thông báo, bên cạnh nợ xấu đang hạch toán ở nợ xấu, còn cả những nợ xấu tiềm ẩn đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 ngày xưa. Những vấn đề đó rồi cũng phải tiếp tục được xử lý.

Số trên đây là số trích lập dự phòng rủi ro của toàn hệ thống. Tuy nhiên, có một số ngân hàng có năng lực tài chính tốt nhưng lại trích lập dự phòng rủi ro nhiều, trong khi đó, có một số ngân hàng có số nợ xấu cao nhưng khả năng trích lập dự phòng rủi ro lại thấp. Do vậy, không có nghĩa là với trích lập chung của hệ thống như vậy thì 2 đến 3 năm là giải quyết được tất cả mà cần phải có khung thời gian dài hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Thúy 

hangnt

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên