Theo thông tin được đăng tải trên Bloomberg, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) sẽ mua số nợ xấu với tổng giá trị khoảng 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 474 triệu USD) trong hai tháng tới. Công ty này cũng đang cân nhắc về việc tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg ngày 6/8, ông Nguyễn Hữu Thủy – Tổng giám đốc của VAMC – cho biết trong vòng 2 tháng tới VAMC sẽ mua khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ khoảng chục ngân hàng bằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt.
Ông Thủy cho biết thêm khoản nợ xấu đầu tiên sẽ được mua trong vòng 2 tuần tới. Động thái này sẽ tạo gửi một tín hiệu tích cực cho thị trường và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm xử lý nợ xấu của VAMC.
Trong khi đó, ông Alan Phạm – chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital – nhận định bất cứ động thái cụ thể hoặc bước đi nào của VAMC cũng sẽ được thị trường chào đón. Mua nợ là một bước tiến mới trên con đường xử lý nợ xấu vốn sẽ kéo dài.
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các ngân hàng lớn đều có diễn biến thấp hơn so với chỉ số VnIndex. Trong số 5 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên sàn chứng khoán TPHCM có tới 3 cổ phiếu giảm điểm. Cổ phiếu của Vietcombank – ngân hàng niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất – chỉ tăng 0,7% kể từ đầu năm trong khi chỉ số VnIndex tăng tới 20%.
Theo ông Thủy, VAMC sẽ “ưu tiên” mua nợ của các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và các khoản nợ này phải được đảm bảo bằng bất động sản hoặc các tài sản khác. Nợ xấu có thể là nợ bất động sản, nợ của doanh nghiệp nhà nước hoặc các khoản nợ khác. Phần lớn nợ xấu là bằng đồng nội tệ.
VAMC sẽ mua nợ của các ngân hàng theo giá trị sổ sách và bán ra theo giá thị trường. Cuối năm nay, VAMC sẽ kiến nghị NHNN cho phép công ty này mua nợ xấu theo giá thị trường sau năm 2013.
VAMC cũng đã có các cuộc thảo luận ban đầu với các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu của Việt Nam và muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này, ông Thủy cho biết thêm. “Các tổ chức quốc tế tỏ ra rất sẵn sàng cấp vốn cho VAMC”. Công ty cũng có thể sử dụng vốn nước ngoài để bổ sung vốn hoạt động.
Ông Thủy cho biết TPG Growth – một bộ phận của quỹ đầu tư TPG (quỹ này được biết đến ở Việt Nam với thương vụ đầu tư vào FPT và Masan) – cùng với Standard Chartered đã liên hệ với VAMC để thảo luận. Cả hai đơn vị này từ chối bình luận về thông tin trên.
Còn theo ông Simon Andrews, Trưởng Đại diện của Tổ chức tài chính quốc tế (International Finance Corp. – IFC) tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong tuần này IFC đã có cuộc họp với VAMC để thảo luận về việc làm cách nào để IFC có thể hỗ trợ VAMC trong việc giải quyết nợ xấu.
Nợ sẽ được bán theo giá thị trường tức là có giảm giá và do đó sẽ phải có người chịu lỗ. Các ngân hàng và người vay những khoản nợ này của họ sẽ phải cùng nhau chia sẻ thiệt hại.
VAMC được quản lý bởi NHNN, bắt đầu hoạt động từ ngày 26/7 và có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kỳ vọng trong năm nay VAMC sẽ xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Trong tháng 7, NHNN đã hạ lãi suất mua kỳ hạn trên thị trường mở (OMO) từ 6% xuống 5,5% và yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vào cuối năm. Tính đến ngày 25/7, tăng trưởng tín dụng ở mức 5,02%.
Tuần trước, NHNN cũng cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng được đánh giá là có tài chính lành mạnh mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém.
Ông Thủy tin rằng VAMC sẽ đáp ứng được kỳ vọng trong việc giúp giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng. “Giải quyết nợ xấu là một việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính phủ và NHNN cũng như nỗ lực của VAMC, chúng tôi sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực và thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông nói.
Thu Hương