MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC sẽ ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản

15-01-2013 - 20:21 PM | Tài chính - ngân hàng

VAMC sẽ tập trung xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai của các tổ chức tín dụng trong nước.

Cho đến thời điểm này (ngày 15/1), theo đại diện của NHNN, hai đề án xử lý nợ xấu và thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vẫn chưa được trình lên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay, rất có thể ngay trong tháng 1 này, VAMC sẽ được thành lập và hoạt động xử lý nợ xấu cũng sẽ được triển khai ngay trong quý 1.

Theo số liệu được công bố trên website của NHNN, dư nợ tín dụng tại thời điểm tháng cuối tháng 10/2012 là khoảng 2,94 triệu tỷ đồng, tăng 3,38% so với cuối năm 2011. Còn theo mức tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố tại buổi tổng kết hoạt động năm 2012 là 8,91% thì trong năm 2012 đã có khoảng 309,7 triệu tỷ đồng được các tổ chức tín dụng cho vay ra thị trường. Với tỷ lệ nợ xấu khoảng 8% thì nợ xấu năm qua là hơn 250 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo số liệu từ NHNN, các TCTD đã tự xử lý được khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 11 và có khoảng 90 nghìn tỷ dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến trong năm qua. 

Tuy nhiên theo các chuyên gia, 90 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro nói trên cũng không thể trông chờ hoàn toàn, vì phần lớn các ngân hàng có nợ xấu cao thì dự phòng rủi ro thấp và ngược lại, cũng không thể chuyển dự phòng của ngân hàng này sang cho ngân hàng khác. Vì thế tính ra vẫn còn một lượng lớn nợ xấu cần thiết phải xử lý với sự can thiệp của cơ quan quản lý.

Theo nguồn tin chúng tôi có được, VAMC sẽ do Thủ tướng thành lập với tư cách là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị thu hồi nợ, theo nguyên tắc lấy thu bù chi và không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

VAMC sẽ ưu tiên xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (do nợ xấu của nhóm tổ chức tín dụng này chiếm tới hơn 95% tổng nợ xấu) dưới các hình thức như cấp tín dụng, mua bán trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ và cả ủy thác cho bên thứ ba. Các khoản nợ xấu được tập trung xử lý là nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai bởi các khoản này chiếm tới hơn 60% tổng nợ xấu.

Về cách thức xử lý nợ của VAMC, NHNN sẽ hạn chế dùng tiền mặt mà chủ yếu là phát hành các loại giấy tờ có giá như trái phiếu hay một loại công cụ nợ đặc biệt. Trái phiếu này sẽ được phát hành bằng tiền đồng, theo một kỳ hạn nhất định và có lãi suất rất thấp. Hay nói cách khác, VAMC sẽ mua nợ từ tổ chức tín dụng và thanh toán bằng loại trái phiếu này.

Sau khi bán nợ xấu cho VAMC, tổ chức tín dụng sẽ làm gì với số trái phiếu được thanh toán? Theo một chuyên gia tài chính, rất có thể NHNN sẽ quy định loại trái phiếu này được giao dịch tự do trên thị trường. Cũng có thể NHNN sẽ cho phép các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết được mang tới NHNN và chiết khấu bằng tiền mặt theo một tỷ lệ nào đó, có thể từ 20 – 40%.

Việc xử lý nợ xấu theo phương án được cho là VAMC sẽ sử dụng như trên sẽ khiến cho thị trường có một nguồn cung giấy tờ có giá khổng lồ, và điều này có thể tác động đẩy tăng mặt bằng lãi suất trong khi giá trị của trái phiếu lại giảm sút. Dường như thị trường đã có phản ứng với các thông tin đầu tiên này, khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ mấy ngày qua đã xuống rất thấp. Đặc biệt trong ngày 10/1, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm chỉ còn 8,066%/năm; kỳ hạn 3 năm còn 8,9% - thấp nhất kể từ ngày 25/5/2009.

Dù sử dụng phương thức xử lý nợ xấu như thế nào đi nữa thì nỗ lực cho ra đời VAMC sớm nhất có thể đã chứng tỏ quyết tâm của NHNN và Chính phủ trong việc xử lý vào tận gốc rễ của vấn đề nhằm làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng và hỗ trợ nền kinh tế.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên