MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn tràn lan dự án lách luật, trục lợi gói 30.000 tỷ

30-07-2015 - 17:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Bất chấp thông tin thanh kiểm tra hành vi trục lợi từ gói 30.000 tỷ đồng, trên thị trường vẫn có những lời hứa hẹn, rao bán “gọt chân cho vừa giày” để khách hàng vay bằng được gói này.

“Chặt” hợp đồng cho vừa gói vay

Trong vai khách hàng mua nhà, PV Báo Giao thông tìm đến một dự án bất động sản mới mở bán, đang rất “hot” ở khu vực Linh Đàm (Hà Nội). Sau khi nghe H., nhân viên bán hàng tư vấn, tôi thử “chấm” một căn hộ góc, ba phòng ngủ, diện tích 76,27 m2 và được báo giá gốc từ 14,42-15,965 triệu/m2 (tùy tầng). “Đó là giá gốc, còn mức chênh từ 100-300 triệu đồng/căn hộ. Cụ thể, ở tòa B, căn 802, 1002 và 1602 chênh 155 triệu đồng/căn; căn 812 chênh 285 triệu đồng/căn; căn 1912 chênh 290 triệu; căn 1512 chênh 275 triệu... Ở tòa C, căn 1412 chênh 160 triệu; 912 chênh 165 triệu; 1102 chênh 220 triệu; 1202 chênh 210 triệu đồng...”, H., báo giá khá cụ thể.

Trước thông tin trục lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp kiểm tra, xử lý, rà soát, kiểm tra lại quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay... đảm bảo đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định.

Thấy tôi băn khoăn nhẩm tính, nếu chọn căn hộ 1102 của dự án này, sẽ phải trả hơn 1,437 tỷ đồng, vượt quá điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ, H. nói ngay: “Cái đó không khó, bọn em sẽ thương lượng để vào hợp đồng sao cho đủ điều kiện gói vay, phần chênh lệch chị trả thẳng cho chủ đầu tư là được. Bọn em đã thực hiện như thế này nhiều lần rồi”.

Tương tự, tại một dự án chung cư ở Dương Nội (Hà Đông), M., một nhân viên bán hàng báo giá căn hộ 79,52 m2 ở tầng 8 giá 1,3 tỷ đồng. M. tư vấn, để tiếp cận được gói vay 30.000 tỷ, sẽ tách ra làm hai hợp đồng, hợp đồng xây thô dưới 1,05 tỷ, còn lại cho vào hợp đồng nội thất.

Khi được hỏi, các cơ quan chức năng đang dự định thanh tra một số dự án lách luật, trục lợi gói 30.000 tỷ, liệu có cơ hội được vay ưu đãi theo cách này, M. khẳng định: “Dự án của bọn em chủ đầu tư lớn, nên chưa thấy động thái thanh tra gì cả. Thực chất việc tách hợp đồng là hoàn toàn bình thường và ngân hàng chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa khách hàng và chủ đầu tư để xét điều kiện vay”.

Nhân viên ngân hàng kêu khó

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho biết, việc lách luật, trục lợi gói 30.000 tỷ, có cái sai của chủ đầu tư nhằm bán được hàng, trốn được thuế; ngân hàng sai ở việc thẩm định, đánh giá, xem xét thủ tục của khách vay; người vay cũng sai khi chấp nhận trả tiền một giá, ghi hợp đồng một giá để bớt phần đóng thuế, được vay ưu đãi. Ông Đức khuyến cáo, khách hàng không đủ điều kiện không nên cố tình hợp pháp hóa hồ sơ để được vay, bởi có thể bị hủy hợp đồng, phải bù lãi suất trong thời gian đã được vay ưu đãi cho bằng lãi suất vay thương mại.

Tuy nhiên, M., nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội có tham gia cho vay gói 30.000 tỷ cho hay, đối với nhân viên tín dụng, việc xác định doanh nghiệp có lách luật hay không không hề dễ dàng, bởi khi khách hàng và doanh nghiệp đã thỏa thuận ghi giá hợp đồng, thì khoản chênh bên ngoài chẳng có một biên lai, giấy tờ gì xác nhận, trong khi hợp đồng chính là căn cứ pháp lý để tính thuế, tính giá trị căn nhà.

“Chuyện các doanh nghiệp bất động sản thu tiền chênh tới vài trăm triệu đồng/căn hộ, ghi trong hóa đơn thấp đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan chức năng cũng không xử lý được. Bởi chủ đầu tư luôn thoái thác trách nhiệm, cho rằng mức chênh cao là do quá trình sang nhượng giữa các khách hàng đã đẩy giá lên. Hiện phía ngân hàng chưa có một văn bản chính thức nào, nhưng trước thông tin trục lợi gói 30.000 tỷ, các nhân viên tín dụng đều thận trọng hơn với hồ sơ vay vốn”, M. cho hay.

Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, sự thận trọng của các nhân viên tín dụng là cần thiết, nhưng ông cũng lo ngại, việc tiếp cận gói vay này vốn khó càng khó khăn hơn và những người thực sự có nhu cầu, đúng đối tượng vay cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo chuyên gia này, gói 30.000 tỷ sẽ chấm dứt trong vòng 11 tháng nữa, các hợp đồng tín dụng của người mua nhà và ngân hàng được ký trước tháng 6/2016 sẽ tiếp tục được giải ngân. Còn sau thời điểm đó, người mua nhà sẽ không được hưởng ưu đãi. Lẽ ra đây là giai đoạn nước rút để ngân hàng đẩy nhanh gói 30.000 tỷ, các doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh việc bán hàng, thì nếu các thông tin trục lợi gói vay khiến quy trình xét duyệt, giải ngân chậm hơn, dài hơn sẽ gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và thị trường.

 

Theo Hải Quỳnh

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên