MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Vay tiêu dùng sẽ qua công ty tài chính

19-04-2015 - 09:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng (NH), trong đó có cả NH quốc doanh, đang lên kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để chuyển hẳn hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng sang các công ty này.

Người vay tiêu dùng được lợi gì từ việc nhiều NH cùng tham gia thị trường này?

Vay dễ hơn

NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trở thành NH có vốn nhà nước chi phối đầu tiên lên kế hoạch lập công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng. Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra ngày 17-4, NH này trình ba phương án, đó là mua lại một CTTC đang hoạt động, chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành CTTC tiêu dùng hoặc sẽ thành lập mới trong trường hợp không thực hiện được hai phương án trên.

NH Á Châu (ACB) cũng sẽ xin phép cổ đông lập CTTC có vốn điều lệ 500 tỉ đồng tại đại hội cổ đông tới. Dự kiến sau khi CTTC ACB được cấp phép thành lập, NH này sẽ xin phép NH Nhà nước sáp nhập Công ty cho thuê tài chính NH Á Châu vào CTTC.

Trước đó, hàng loạt NH đã mua lại các CTTC đang hoạt động trên thị trường để tái cơ cấu chuyển đổi thành CTTC tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, cho biết hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng đã được NH triển khai nhiều năm qua nhưng chưa dám đi vào những lĩnh vực rủi ro cao mà chọn lọc khách hàng, tìm những phân khúc rủi ro thấp, trong đó ưu tiên các đối tượng làm công ăn lương vì thu nhập ổn định.

“NH rất thận trọng khi xem xét cho vay vì hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng đang nằm trong NH nên kết quả kinh doanh sẽ phản ánh trực tiếp vào bản cân đối tài chính. Còn nếu thành lập CTTC, NH sẽ mở rộng đối tượng hơn vì toàn bộ hoạt động cho vay tiêu dùng, kể cả thẻ tín dụng, sẽ được chuyển hoàn toàn sang CTTC” - ông Toại nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, nói thị trường có những phân đoạn khách hàng khác nhau, bản thân khách hàng cũng cần những sản phẩm nhanh hơn, năng động hơn, phù hợp hơn với nhu cầu nhưng NH truyền thống không đáp ứng được. Do vậy, NH cần có CTTC tiêu dùng.

“CTTC chỉ là hình thức về mặt pháp lý, quan trọng là NH sẽ triển khai mô hình hoạt động kinh doanh khác, sản phẩm cũng thay đổi để đánh vào đối tượng khách hàng cá nhân có nhu cầu vay các món nhỏ phục vụ nhu cầu đời sống” - ông Tùng nói.

Theo các NH, với việc thành lập CTTC và chuyển hoạt động cho vay tiêu dùng sang các công ty này, cả khách hàng và NH sẽ cùng có lợi. Về phía khách hàng, nhất là những khách hàng cá nhân thu nhập trung bình, có nhu cầu vay tiêu dùng món nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận được vốn NH, thủ tục đơn giản hơn, thời gian xét duyệt nhanh chóng và không cần tài sản đảm bảo.

Về phía NH, sẽ gia tăng thị phần, mở rộng hoạt động NH bán lẻ cho đối tượng khách hàng cá nhân. Quan trọng hơn, NH sẽ tách riêng được phân khúc khách hàng rủi ro, trong đó hoạt động cho vay tiêu dùng rủi ro cao sẽ được tách bạch với hoạt động NH, giúp NH vừa có thể mạnh dạn phát triển bán lẻ mà không quá lo về gánh nặng nợ xấu.

Ngoài ra, việc phát triển mảng cho vay tiêu dùng thông qua việc lập các CTTC cũng là cách các NH tìm kiếm thêm lợi nhuận trong bối cảnh cho vay doanh nghiệp khó khăn như hiện nay.

Lãi cao hơn

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo lãi suất (LS) cho vay tại các CTTC sẽ cao hơn so với vay tại các NH vì “khẩu vị rủi ro nào, LS nấy”.

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh nói có những khoản vay mà NH không cho vay được nhưng CTTC cho vay được vì khả năng chịu rủi ro của CTTC cao hơn.

“Nợ xấu 7%, CTTC vẫn lời to do ấn định LS cho vay rất cao. LS cho vay thông thường tại NH là 6-7%/năm, cao lắm cũng chỉ trên dưới 10%/năm nhưng các CTTC áp mức LS 20%/năm đã thuộc vào hàng siêu khuyến mãi!” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, chính vì LS cho vay như vậy, các CTTC chấp nhận cho vay với những đối tượng rủi ro hơn mà NH thường không dám cho vay. Hơn nữa, nếu khách hàng không còn khả năng trả nợ, những nơi này vẫn có thể thu hồi tài sản để xử lý thu lại một phần vốn.

Chính các NH cũng thừa nhận điều này. Ông Lê Thành Trung, phó tổng giám đốc NH Phát triển TP.HCM (HDBank), nói cho vay tiêu dùng của NH và CTTC khác nhau. Theo đó, cho vay tiêu dùng của CTTC thường tập trung vào các khoản vay nhỏ lẻ và không có tài sản đảm bảo, khác với cho vay NH tập trung vào những khoản lớn hơn nên LS sẽ khác nhau, bao giờ LS cho vay tại các CTTC cũng cao hơn LS cho vay của NH.

Thực tế cho thấy LS mà một số CTTC thuộc NH áp dụng khá cao, có nơi lên đến vài chục phần trăm một năm, tùy theo khoản vay cũng như đối tượng vay. Theo các chuyên gia, đây là điểm khách hàng hết sức lưu ý.

“Tới đây khi hàng loạt CTTC thuộc NH mở ra, điều kiện vay thông thoáng hơn nhưng khách hàng cũng cân nhắc kỹ khả năng trả nợ trước khi vay. Ngoài ra cũng cần đọc kỹ các điều kiện vì để tránh rủi ro cho mình, các công ty đều ràng buộc kỹ bằng các điều khoản trong hợp đồng. Tránh trường hợp nhắm mắt ký vay, sau đó ngã ngửa vì LS” - ông Minh khuyến cáo.

 

Lý do NH phải thành lập công ty tài chính

Theo dự thảo thông tư về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng vừa được NH Nhà nước công bố, tới đây NH không còn được cho vay tín chấp, tiêu dùng mà phải chuyển hoạt động này sang các CTTC.

Đây được xem là lý do chính khiến hàng loạt NH chạy đua thành lập CTTC hoặc mua lại các CTTC để tái cơ cấu, chuyển thành các CTTC tiêu dùng. Chẳng hạn, Techcombank mua lại CTTC hóa chất Việt Nam, HDBank đã mua lại CTTC Việt (SGVF), VPBank mua CTTC Than - khoáng sản Việt Nam, SHB sáp nhập CTTC Vinaconex-Viettel, Maritime Bank mua lại CTTC Dệt may...

Nhiều NH cho biết việc tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng qua các CTTC là hợp lý, giúp hoạt động của hệ thống NH thực chất hơn. Nếu gộp vào hoạt động vay của NH sẽ khiến cho gánh nặng nợ xấu tăng thêm và NH không dám đẩy mạnh phát triển mảng cho vay này.

 

 

​Té ngửa với cách tính lãi vay

Đến nay, dù đã tất toán xong khoản vay để mua xe hơi phát sinh từ năm năm trước nhưng anh H.T. (TP.HCM) vẫn chưa hết cảm giác bị “lừa” vì cách tính lãi của công ty tài chính (CTTC).

Theo anh T., năm 2010, do có nhu cầu đổi ôtô, anh đã đến đại lý của một hãng ôtô và được nhân viên tư vấn giới thiệu vay tiền mua xe tại một CTTC với những lợi ích như: không cần chứng minh thu nhập, thủ tục đơn giản, lãi suất (LS) chỉ cao hơn LS ngân hàng 2%/năm (tức 0,166%/tháng) và LS giảm khi ngân hàng giảm. Thấy thuận tiện, anh T. đồng ý vay mua xe tại CTTC này.

“Tổng số tiền tôi vay ban đầu là 670 triệu đồng, thời gian vay năm năm (60 tháng). LS ban đầu được tính vào thời điểm vay (tháng 2-2010) là 15,6%/năm tức 1,3%/tháng (LS ngân hàng thời điểm này là 13,6%/năm).

Hợp đồng tín dụng tạm tính ban đầu là thanh toán mỗi tháng 16.221.634 đồng, sau sáu tháng họ sẽ xét lại LS và sau đó trừ dần đến tháng cuối cùng” - anh T. cho biết.

Với cách tạm tính trên, anh T. tự nhẩm mức cao nhất chịu lỗ là gần 300 triệu đồng. Nhưng đến tháng thứ 60, anh T. được thông báo số tiền còn lại phải trả lên đến gần 98 triệu đồng.

“Sau 60 tháng, tôi đã phải đóng số tiền hơn 1 tỉ đồng, lãi hơn 389 triệu đồng cho khoản vay 670 triệu đồng. Quá cao” - anh T. bất bình.

Sau nhiều lần đôi co, nhân viên tín dụng mới cung cấp cho anh T. công thức tính lãi. Nhìn bảng công thức tính, anh T. té ngửa.

Cụ thể, do nợ gốc phải trả mỗi tháng rất ít, phần nợ gốc giảm chậm và dồn về kỳ cuối cùng nên anh phải trả lãi nhiều hơn. Chẳng hạn thay vì đóng 11 triệu đồng để đảm bảo 60 tháng sẽ trả hết nợ gốc (670 triệu chia cho 60 tháng), khách hàng chỉ được trả nợ gốc khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Do đó, số nợ gốc giảm chậm và tiền lãi trả hằng tháng khá cao.

Một chuyên gia tài chính cho rằng “công thức tính này không sai, nhưng vấn đề là người tư vấn cho khách hàng không làm rõ cách tính trả lãi và trả gốc cụ thể, khiến khách hàng giống bị “tung hỏa mù”.

“Với những trường hợp vay tiêu dùng, khách cần hỏi rõ cách tính như thế nào và nên yêu cầu được xem trước. Dù LS có thay đổi, nhưng ít ra khách hàng hiểu được họ sẽ phải thanh toán như thế nào” - vị này nói.

N.BÌNH

 

Theo Ánh Hồng

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên