MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay vốn rẻ không dễ

26-08-2013 - 10:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian vừa qua, dù nhiều ngân hàng giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được.

Tín dụng trung và dài hạn luôn được xem là khoản cho vay đem lại lợi nhuận cao cho NH nhưng trong bối cảnh hiện nay các NH lại ngại với phân khúc này. Do cần bổ sung vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, ông Nguyễn Ninh, chủ một cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, ở quận 12, TPHCM đã liên hệ với khá nhiều NH để tìm hiểu thủ tục vay vốn.

Thế nhưng, ngược xuôi hàng tháng trời, ông vẫn không làm sao có thể tiếp cận được nguồn vốn, vì các NH lại chỉ có thể cho vay lãi suất ưu đãi trong ngắn hạn, ông Ninh than thở.

Một DN sản xuất và xuất khẩu gỗ ở quận Tân Bình cũng cho biết khi liên hệ với một NHTMCP để vay vốn trung hạn, được thông báo lãi suất 14%/năm với nhiều điều kiện xét duyệt khắt khe. “Chúng tôi có kế hoạch làm ăn rất tốt, nhưng không tiếp cận được vốn vay, nên đành tiếc nuối nhìn cơ hội trôi qua”, giám đốc Cty này cho biết.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết dù NH thông báo hạ lãi suất để hỗ trợ DN có nhu cầu vay vốn lưu động phục vụ kinh doanh, nhưng thực tế lãi vay chỉ giảm 1-2% đối với kỳ hạn ngắn, trong khi DN đang cần nguồn vốn trung và dài hạn lãi suất thấp để phục hồi sản xuất. Theo tìm hiểu thì hiện các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn dành cho DN khoảng 11,5-12,8%/năm, còn nhóm NHTMCP khoảng 12-13%/năm. Tuy nhiên, DN tiếp cận nguồn vốn này thường phải chịu lãi suất cao hơn 1-2%.

Phó TGĐ một NHTMCP tại TPHCM cũng thừa nhận: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhất là nợ xấu vẫn chưa có điểm dừng, cho vay ra đòi hỏi phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Tín dụng trung và dài hạn là khoản cho vay đem lại lợi nhuận cao cho NH nhưng đi kèm với rủi ro cao, nên nhiều NH chỉ đưa ra cơ cấu tín dụng trung và dài hạn thích hợp, nguồn vốn này cũng vì vậy mà hạn chế. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính vẫn là các NH vẫn phải chi trả chi phí lãi cao cho việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn nên DN muốn vay trung và dài hạn phải chịu lãi suất khá cao, kèm theo điều kiện lãi suất thả nổi là điều có thể hiểu được.

Theo số liệu từ NHNN, sau 6 tháng, dư nợ BĐS tăng 6,3% so với cuối năm 2012, đạt số tuyệt đối trên 242.800 tỉ đồng và cao hơn so với mức chung của toàn nền kinh tế là 4,5%. Dư nợ BĐS tăng nhanh tập trung chủ yếu tại phân khúc xây dựng khu đô thị (tăng 14,3%), văn phòng, cao ốc cho thuê (tăng 11,7%)... Những con số trên vừa đáng mừng nhưng cũng lại dấy nên nỗi lo về câu chuyện “vết xe đổ”. Không ai không nhớ nợ xấu trong lĩnh vực BĐS chính là nguyên nhân khiến thị trường BĐS ảm đạm như hiện nay. Và trong 6 tháng đầu năm, cùng với tăng trưởng tín dụng nợ xấu BĐS cũng tăng 6,4% so với cuối năm 2012.

Hiện tại, các NH vẫn rất đau đầu với chuyện xử lý nợ xấu vì phần lớn tài sản đảm bảo nợ vay cũng là BĐS do đó trong bối cảnh thị trường đóng băng thì việc muốn xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là không hề dễ dàng. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 6 tổng giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 81.640 tỉ đồng. Con số này gấp 1,5 lần so với tổng nợ xấu (nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên) của các TCTD vào cuối tháng 6 là 52.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, để xử lý đống tài sản này không dễ dàng gì. Phó TGĐ một NH có trụ sở tại TPHCM cho biết rằng thị trường BĐS đóng băng trong vài năm trở lại đây đã khiến cho việc xử lý nợ xấu của các NH gặp khó khăn. Hàng loạt BĐS thế chấp của NH ông dù đã rao bán cả nhiều năm qua nhưng cho tới nay vẫn chưa thể giải quyết được. Thị trường BĐS kém thanh khoản, không có người mua thì làm sao xử lý được tài sản đảm bảo là BĐS, vị lãnh đạo này cho biết.

Theo Gia Miêu

hangnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên