MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDB và câu hỏi về chất lượng tín dụng

08-04-2014 - 09:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù Thanh tra CP phát hiện những bất cập trong hoạt động giai đoạn 2008-2010 như: Lãng phí trong huy động vốn, nguy cơ mất cân đối dòng tiền và rủi ro nợ xấu... nhưng VDB vẫn để những bất cập trên lặp lại

Huy động vốn xong... đem tiền đi gửi

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VDB có chức năng huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại; cho vay doanh nghiệp gặp khó khăn để trả nợ lương và thanh toán BHXH với người lao động bị mất việc... Để thực hiện các nhiệm vụ này, VDB hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.

Vì khách hàng của VDB đều được ưu đãi về lãi suất (Nhà nước sẽ cấp bù phần chênh lệch lãi suất giữa chi phí huy động và cho vay cũng như cấp bù chi phí quản lý), nên VDB phải tuân thủ nguyên tắc, chỉ huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp. Song nguyên tắc này đã không được ngân hàng tuân thủ nghiêm túc, dẫn đến tình trạng tồn đọng vốn lớn, làm tăng chi phí nghiệp vụ ngân hàng.

Lấy ví dụ, báo cáo thường niên của VDB 3 năm liên tiếp 2010, 2011 và 2012 cho thấy, tiền gửi khách hàng tại VDB tăng từ hơn 6.700 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 12.199 tỷ đồng vào năm 2011. Năm 2012, tiền gửi khách hàng giảm còn 4.525 tỷ đồng, song phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh, lãi phải trả từ nguồn vốn này trong hai năm 2010 - 2012 lần lượt là 6.984 tỷ đồng, 10.141 tỷ đồng và 12.742 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động cao, không cho vay hết, VDB đem gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trong 3 năm lần lượt là hơn 25.000 tỷ đồng, 32.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho khoản cấp bù từ ngân sách Nhà nước cho ngân hàng liên tục gia tăng, từ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng năm 2010 lên gần 2.000 tỷ đồng năm 2011 (gấp gần 2 lần) và 5.195 tỷ đồng vào năm 2012 (2,5 lần).

Những rủi ro bủa vây

Nếu áp theo tiêu chí phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước thì tổng nợ xấu hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB đến 31/12/2011 chiếm 26,2%, nếu loại trừ nợ nhận bàn giao từ Quỹ Hỗ trợ phát triển và các chương trình, dự án theo chỉ định của Chính phủ thì cũng vẫn chiếm 7,5% dư nợ!

Riêng năm 2012 (năm gần nhất ngân hàng công khai báo cáo thường niên), trong tổng số hơn 10.000 tỷ đồng tín dụng xuất khẩu, nợ quá hạn lên tới hơn 3.000 tỷ đồng (30%). Một lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, theo quy luật thông thường, 65-70% nợ quá hạn là nợ xấu, tương ứng nợ xấu tín dụng xuất khẩu của VDB cuối năm 2012 xấp xỉ 20%.

Tỉ lệ nợ quá hạn, khoanh nợ trong một số lĩnh vực cho vay khác cũng khá cao, như cho vay trung dài hạn là 2%; cho vay lại ODA 1,8%; cho vay khác 3,4%... Chưa kể, khoản bảo lãnh tín dụng VDB một vài trăm tỷ đồng mỗi năm (như năm 2012 VDB bảo lãnh, tái bảo lãnh 217 tỷ đồng) cũng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, bởi không ít doanh nghiệp được VDB bảo lãnh song không trả được nợ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại kể, cách đây 2 năm, ngân hàng cho một số doanh nghiệp được VDB bảo lãnh vay tổng giá trị tín dụng vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi những doanh nghiệp này không trả được nợ (phần vì điều kiện bảo lãnh vay vốn dễ dãi, lỏng lẻo), VDB đã không thanh toán cho ngân hàng khoản tín dụng bảo lãnh nói trên.

Một rủi ro khác VDB đang phải đối mặt là cân đối dòng tiền. Theo đó, việc huy động vốn của VDB chủ yếu kỳ hạn 3-5 năm (thời hạn bình quân 3 năm chiếm 55 - 60% tổng nguồn vốn huy động và chiếm 60-70% tổng nguồn vốn cho vay), trong khi thời hạn cho vay bình quân cho các dự án đầu tư phát triển tới 10 năm, nên VDB phải phát hành trái phiếu mới để đáo hạn cũ.
Chênh lệch kỳ hạn vốn và sử dụng vốn ngày càng tăng cao và có xu hướng gia tăng, từ tỷ lệ 29 tháng năm 2008 lên 32,5 tháng vào năm 2011. Do vậy, dù doanh số huy động bình quân các năm khá cao (23%/năm), song không phải toàn bộ số vốn này được đưa vào giải ngân cho tín dụng mà một phần đáng kể được sử dụng để hoàn trả vốn huy động đến hạn trả. Riêng giai đoạn 2006-2010, số nợ vốn huy động đến hạn trả chiếm tới 59% nguồn vốn huy động mỗi năm.

Gần đây nhất, Công ty Phương Thảo (Vĩnh Long), một khách hàng đang được VDB bảo lãnh vay vốn hơn 100 tỷ đồng vừa có công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị được giúp đỡ để không rơi vào tình trạng phá sản. Chưa xét đến những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng sự khó khăn của doanh nghiệp này, nếu không được tháo gỡ, sẽ lại tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của VDB.

Theo Thảo Nguyên

hangnt

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên