MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cổ đông ngoại muốn thoái vốn?

22-04-2014 - 14:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Đầu tư với mục đích xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, kiếm lời... là kế hoạch của nhiều đối tác ngoại. Đến thời điểm thích hợp, khi những mục tiêu đặt ra đã đạt được, họ sẽ rút vốn.

Mặc dù Techcombank cho biết HSBC chưa có kế hoạch thoái vốn, nhưng có lẽ sự rút lui ra khỏi HĐQT có thể sẽ mở đường cho quyết định rút vốn của HSBC trong tương lai không xa. Động thái này đã được HSBC thực hiện với Tập đoàn Bảo Việt (BVH) vào cuối năm 2012 khi việc bán toàn bộ 18% cổ phần cho cho đối tác Nhật Bản Sumitomo Life sau 5 năm HSBC đầu tư vào tổ chức này.

Những cuộc chia tay đã định hình

Trước đó, vào tháng 11/2013, Ngân hàng Singapore Oversea, Chinese Banking Corporation Limited (OCBC), cũng đã thoái toàn bộ hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,88% vốn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Hay như đối tác chiến lược của SouthernBank là UOB (Ngân hàng của Singarore) sẽ bán 20% cổ phần của SouthernBank cho Sacombank khi 2 ngân hàng này về 1 nhà.

Trong 3 năm gần đây, sự ra đi của nhiều đối tác ngoại trong lĩnh vực tài chính cũng khá nhiều. Ví như, cuối tháng 11/2013, HDBank đã mua 100% Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF). Điều đó có nghĩa là Société Générale đã thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty tài chính này. ANZ thoái toàn bộ cổ phần của Sacombank cho Eximbank.

Thực tế, việc rút vốn của những đối tác ngoại không dừng lại ở đó, mà có thể, sẽ là một khởi đầu mới ở một khía cạnh khác. Ví như với ANZ, khi họ nhận giấy phép được mở ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam thì sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình tại Sacombank cho Eximbank. Hay như UOB thoái vốn tại SouthernBank để mua 100% cổ phần của GP Bank và thành lập chi nhánh 100% vốn ngoại tại Việt Nam…

Với trường hợp HSCB và Techcombank, câu chuyện chia tay cũng được dự liệu sẽ sớm xảy ra, với nhiều lý do. Trước hết, HSBC đã có ngân hàng con 100% vốn điều lệ tại Việt Nam và đang ngày một mở rộng. Động thái này thể hiện rất rõ ở việc tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng hồi đầu năm.

Phải nói lại rằng HSBC đã quyết định tăng thêm vốn lên 20% tại Techcombank sau khi lập ngân hàng con tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đối tác này sẽ gắn bó lâu dài với Techcombank, mà vì nhiều nguyên nhân khác.

Một chuyên gia ngân hàng bình luận, HSBC tăng cổ phần ở Techcombank là vì HSBC muốn có tiếng nói hơn tại ngân hàng này và cũng nhằm tận dụng mạng lưới chi nhánh, thương hiệu và khách hàng của Techcombank để xây dựng thương hiệu cho mình. Quan trọng hơn, việc tham gia vào HĐQT cho phép HSBC tiếp cận nhanh chóng nhất kinh nghiệm, tập quán kinh doanh của khách hàng Việt Nam.

"Với thời gian 6 năm, đủ dài để định vị thương hiệu, mở rộng thị phần, mạng lưới giao dịch… HSBC có đầy đủ lý do để thoái vốn tại Techcombank, vấn đề còn lại chỉ là thời gian", vị này bình luận.

Đằng sau cuộc chia tay

Thực tế, việc thoái vốn cũng là bình thường, bởi dù là NĐT chiến lược thì thời gian dài nhất cũng chỉ 5 năm và khi đó, những mục tiêu đầu tư của họ cũng đã đạt được. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc chia tay, đều có câu chuyện của nó.

Điều này có thể nhìn từ trường hợp của VPBank. Theo tài liệu gửi cổ đông mới đây, ngân hàng này cho biết lại đang tìm kiếm đối tác nước ngoài. Điều đó có nghĩa là ngân hàng này đang rất cần một đối tác chiến lược, vậy tại sao OCBC không ở lại?

Có thể là vì thời điểm thoái vốn đủ để OCBC kiếm được một khoản lời nhất định và rút ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, do không còn là thời kỳ hoàng kim với lợi nhuận nghìn tỷ, cổ tức khủng nữa. Ngành ngân hàng đang chịu áp lực tái cơ cấu, mỗi ngân hàng đang phải gồng mình để xử lý những vấn đề nội tại của mình như nợ xấu, sở hữu chéo, vốn ảo… Sự ra đi đúng lúc luôn là hành động thông minh của NĐT thành công.

Bên cạnh đó, với việc ra nhập WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, có nghĩa là cho các ngân hàng ngoại hiện diện tại Việt Nam với 3 phương cách chủ yếu là mở văn phòng đại diện, mở chi nhánh tại Việt Nam và đầu tư chiến lược vào các ngân hàng nội.

Đối với những ngân hàng toàn cầu như HSBC, ANZ… việc hiện diện bằng cách lập ngân hàng con 100% vốn là điều chắc chắn và họ đã làm điều đó. Còn với những ngân hàng khác, như UOB, họ cũng từng bước thực hiện điều đó. Trước hết trở thành cổ đông chiến lược tại một ngân hàng và khi có điều kiện mua được cổ phần rẻ trong thời kỳ tái cơ cấu, họ sẵn sàng mua 100% cổ phần để được thành lập chi nhánh 100% vốn tại Việt Nam và có thể bước tiếp theo sẽ là lập ngân hàng con.

Sự ra đi còn có thể lý giải bởi giới hạn cổ phần của đối tác ngoại tại một ngân hàng nội. Mặc dù đã được nâng lên, nhưng giới hạn số lượng cổ phần được sở hữu của đối tác ngoại tại ngân hàng nội theo Nghị định 01 của Chính phủ cũng chỉ tối đa 30%, có một số trường hợp thì tùy quyết định của Thủ tướng.

Theo giới chuyên gia, mức 30% vẫn chưa đủ để cho đối tác nước ngoài có thể có tiếng nói tại ngân hàng nội. Với quyền lực hạn chế, vai trò của cổ đông chiến lược nước ngoài tại một số ngân hàng nội vẫn là "củ khoai tây" khó gắn kết, hay tiếng nói vẫn khá đơn độc. Đấy cũng là động lực cho những ngân hàng ngoại đang có cổ phần tại ngân hàng nội và đã, đang thành lập ngân hàng con tại Việt Nam cân nhắc thoái vốn.

Tất nhiên, đây cũng là thời điểm hợp lý để đối tác ngoại tìm đến một ngân hàng nội khi giá vốn đã ở mức khá rẻ, ngành ngân hàng đang chuyển biến theo hướng tích cực… Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có một sự bắt đầu mới.

Theo Minh Huệ

loanlt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên