MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ VPBank bị tố thu hồi nợ kiểu “bức hiếp”: Tại anh hay tại ả…?

24-03-2015 - 09:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong vụ việc “lùm xùm” về xử lý tài sản đảm bảo giữa Ngân hàng VPBank và ông Nguyễn Sỹ Minh liệu ngân hàng có sai khi xử lý mà không có phán quyết tòa án, xâm phạm quyền công dân của khách hàng...?

Ngân hàng có quyền thu hồi nợ

Theo hồ sơ vụ việc mà Infonet có được, ngày 11/6/2010 ông Nguyễn Sỹ Minh, bà Lâm Thị Phương Thoa và Ngân hàng VPBank đã ký hợp đồng tín dụng số LD1020900021 ngày 11/6/2010, về việc ông Minh vay VPBank số tiền 5 tỷ đồng; mục đích vay: thanh toán một phần tiền mua căn hộ chung cư.

Tài sản bảo đảm (TSĐB) cho khoản vay là toàn bộ căn hộ 1401 Nhà 17T2, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa, theo Hợp đồng thế chấp số công chứng 660/2010 quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 10/6/2010 tại Văn phòng công chứng Kinh Đô.

Tuy nhiên, khúc mắc xảy ra khi VPBank tiến hành thu hồi, xử lý TSĐB mà ông Nguyễn Sỹ Minh, bà Lâm Thị Phương Thoa đã thế chấp cho nhà băng này vào ngày 17/3.

Trao đổi với Infonet, luật sư Nguyễn Thu Hà (Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng) cho biết, theo Điều 63 về thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của Nghị định số 163/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, thì “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đồng thời, khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên. Và không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm”.

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự và Nghị định 163, pháp luật tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên trong các giao dịch dân sự thương mại, trường hợp ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp tài sản về việc ngân hàng được quyền thu giữ, xử lý tài sản khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì VPBank được quyền xử lý TSĐB mà khách hàng đã thế chấp theo thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp tài sản, không bắt buộc phải thực hiện thông qua thủ tục tố tụng và thực hiện theo phán quyết của tòa án.

Và khoản 4, điều 7 Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT/BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 cũng đã quy định rất chi tiết các biện pháp mà bên nhận tài sản thế chấp có quyền xử lý trong trường hợp bên thế chấp không chịu thực hiện các thông báo xử lý tài sản trước đó.

Nhưng thế nào là điều cấm trong thu giữ TSĐB hay thế nào là trái đạo đức xã hội thì quy định của luật lại chưa thật rõ ràng, thì theo luật sư Thu Hà, lại chưa được quy định rõ ràng. Vì thế, quyền chủ động xử lý TSĐB của ngân hàng dù được pháp luật quy định, song thực tế ngân hàng vô cùng chật vật trong quá trình xử lý và hầu hết là phụ thuộc vào sự hợp tác thiện chí hay không từ phía khách hàng.

Trong vụ việc xử lý TSĐB của VPBank, một vướng mắc nữa được nêu lên là liệu thời gian ngân hàng gửi thông báo về thu hồi, xử lý TSĐB đã là "thời gian hợp lý" quy định trong luật?

Ngày 26/2/2015, VPBank AMC đã gửi thông báo số 589/2015/TB-VPBAMC về việc tiến hành xử lý tài sản bảo đảm nêu trên tới ông Nguyễn Sỹ Minh, UBND phường Trung Hòa Nhân Chính, Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Cầu Giấy, Văn phòng Công chứng Kinh Đô về việc xử lý TSĐB. Nội dung thông báo chi tiết: tên tài sản bảo đảm bị xử lý là Phòng 1401, chung cư 17T2 Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời gian xử lý, sau ngày 16/3/2015.

Như vậy, thời gian cụ thể đã được phía ngân hàng ấn định trong thông báo gửi tới khách hàng Nguyễn Sỹ Minh và các bên liên quan từ ngày 26/2/2015. Và tính từ thời điểm thông báo này cho tới ngày tiến hành xử lý, thu hồi TSĐB mà ông Nguyễn Sỹ Minh đã thế chấp là 20 ngày. Liệu thời gian 20 ngày như trên đã được cho là “thời gian hợp lý”?

Ở góc độ một luật sư pháp chế đang hoạt động trong ngành ngân hàng, luật sư Nguyễn Thu Hà (Đoàn Luật sư Hải Phòng) nhận định, 5 ngày, 7 ngày hay 20 ngày đã được cho là khoảng thời gian hợp lý hay chưa thì cũng rất khó xác định do Nghị định 163 không quy định cụ thể về thời hạn thông báo xử lý TSĐB với trường hợp TSĐB cho một nghĩa vụ. Nhưng thông thường 20 ngày là khoảng thời gian đủ để khách hàng có thời gian thu xếp bàn giao TSĐB đã thế chấp cho ngân hàng.

Luật sư Hà cho biết thêm, để quá trình thu hồi, xử lý diễn ra chặt chẽ, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công an… các ngân hàng thường nhờ tới một đơn vị thứ 3, có thể là văn phòng thừa phát lại để ghi nhận lại toàn bộ hiện trạng tài sản hiện có và văn phòng này sẽ đưa ra thông báo thời gian hợp lý. Trong trường hợp này, không rõ VPBank có tiến hành “khâu” này hay chưa.

Khách hàng có bị xâm phạm quyền công dân?

Cũng theo hồ sơ vụ việc, tới thời điểm VPBank thu hồi, xử lý TSĐB khách hàng Nguyễn Sỹ Minh mới trả được 700 triệu đồng (nợ gốc), 1 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, theo tính toán của ngân hàng, khoản vay của ông Minh tính tới ngày 26/2/2015 đã quá hạn tới 2,5 năm và tổng dư nợ khoản vay của ông Minh lên tới gần 9,1 tỷ đồng. Trong đó, gần 4,4 tỷ đồng nợ gốc; nợ lãi và phạt là trên 4,73 tỷ đồng. So với dư nợ phải trả ngân hàng, thì số tiền mà ông Minh đã trả được 1/6 nợ gốc và 1/5 khoản lãi, nợ phạt.

Nhưng trong quá trình thu hồi, xử lý tài sản ngày 17/3 cán bộ VPBank đã tiến hành niêm phong tài sản, làm thêm chốt cửa và cử người canh giữ tài sản 24/24… liệu có đúng pháp luật, có vi phạm “quyền bất khả xâm phạm của công dân” được quy định trong Hiến pháp?

Trả lời câu hỏi này của Infonet, cả luật sư Nguyễn Thu Hà và luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico đều chung nhận định, khi khách hàng đã tự nguyện ký hợp đồng dùng tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay của mình, thì chủ sở hữu đã chấp nhận hạn chế quyền sở hữu của mình liên quan tới tài sản đó. Pháp luật bảo hộ bên vay và cho vay ở chỗ, tôn trọng quyền thỏa thuận giữa các bên.

“Làm đúng trình tự, thủ tục thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật thì ngân hàng không vi phạm quy định đối với việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân”- ông Đức nói.

Về phía khách hàng, trước tiên phải xét tới là ngân hàng đã có nhiều lần thiện chí, “mở đường” để khách hàng tự thu xếp trả nợ, bằng chứng là trong suốt khoảng thời gian 5 năm, VPBank đã 2 lần miễn, giảm và giãn nợ cho khách hàng này bằng hai quyết định của Hội đồng xử lý nợ của VPBank ký ngày 15/3/2013 và 30/6/2014, nhưng ông Minh và bà Thoa không thực hiện. Rõ ràng với khoản nợ này khách hàng đã cố tình chây ì, chống đối không trả nợ cho ngân hàng, dù ngân hàng đã có nhiều lần gia hạn để khách hàng tự nguyện trả.

Theo luật sư Hà, trường hợp này khách hàng Sỹ Minh có dấu hiệu lợi dụng quyền bất khả xâm phạm để cố tình chây ì, không chịu trả nợ cho ngân hàng.

“Bản thân các ngân hàng cũng không muốn phải thu hồi, xử lý tài sản kiểu như vậy, chỉ tới khi nào đối tượng khách hàng quá chây ì, gây khó khăn trong việc trả nợ và cực chẳng đã thì buộc các ngân hàng phải dùng tới biện pháp cuối cùng là thu hồi, xử lý tài sản để xử lý nợ xấu”- bà Hà nói.

Cũng liên quan tới việc khách hàng chây ì trả nợ, luật sư Trương Thanh Đức bình luận, tuy việc xử lý tài sản bảo đảm là hoạt động phục vụ kinh doanh của ngân hàng, nhưng nó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế. Do vậy, cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, đơn giản và nhanh chóng xử lý TSĐB. Và quan trọng nhất, là luật phải đặt ra các chế tài trách nhiệm và kinh tế để định hướng hành vi ứng xử của con nợ. Bao giờ pháp luật còn thiên lệch nhiều về phía bảo vệ người vi phạm cam kết, không thiện chí trả nợ, còn coi “con nợ” là “khách nợ” thì chủ nợ còn tiếp tục “bó tay”, ngân hàng còn “đứng cho vay, quỳ thu nợ”” – luật sư Đức nêu quan điểm.

Trong một diễn biến mới nhất, tối ngày 21/3 Ngân hàng VPBank đã mở niêm phong, bàn giao lại căn hộ 1401, nhà 17T2 Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho khách hàng Nguyễn Sỹ Minh dưới sự chứng kiến của Viện Kiểm soát nhân dân quận Cầu Giấy. Do khoản nợ của khách hàng Nguyễn Sỹ Minh là nợ quá hạn và đã được VPBank bán lại cho Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nên phiên tòa hòa giải giữa nguyên đơn - Công ty VAMC và bị đơn – ông Nguyễn Sỹ Minh, bà Lâm Thị Phương Thoa sẽ diễn ra vào ngày 26/3 tại trụ sở Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy.

 

Theo Trường Giang

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên