MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt “thác” thanh khoản

11-10-2013 - 10:42 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN đã kiểm soát rất chặt tình trạng nợ xấu. Chẳng hạn, VAB và PNB vừa bị cơ quan thanh tra NH bắt hạch toán đúng thực trạng nợ xấu vào phương án tái cơ cấu.

Lãnh đạo các NH ở TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, họ đã vượt “thác” thanh khoản thành công trong hai năm trước nhờ những can thiệp chính sách tiền tệ của NHNN.

“Điểm huyệt” liên ngân hàng

Hẳn bạn đọc chưa quên thời điểm cuối năm 2011, khi các ngân hàng (NH) chạy đua nâng lãi suất huy động để cứu thanh khoản. Cơn khát tiền đồng lên cao trào khiến hầu hết các NH phải trả lãi suất cho người gửi tiền đến 18%/năm (“trần” lúc đó quy định 14%/năm), thậm chí có NH phải trả lãi suất tới 23%/năm cho những khoản tiền gửi ngắn hạn.

Chưa hết, các NH còn thi nhau huy động vàng, ngoại tệ sử dụng vào việc mua bán kỳ hạn để lấp vào khoảng trống tiền đồng. Trong các bảng cân đối kế toán thời gian đó, bốn NHTM Nhà nước có tỷ lệ dư nợ cho vay DN nhà nước quá cao, những NHTMCP có vốn điều lệ từ 5.000 - 20.000 tỷ đồng tích cực hoạt động trên thị trường liên NH, đẩy khối lượng giao dịch liên NH tăng đột biến trong 10 năm gần nhất.

Hoạt động vay mượn lẫn nhau giữa các NH thời điểm đó như cặp “song mã” không có điểm dừng. Nhiều NH đã phải mang vàng ra cầm cố và bán cả ngoại tệ vừa huy động được - được coi như “thóc giống”- ra để lấy tiền đồng cứu thanh khoản. Sự thiếu hụt thanh khoản trầm trọng này bắt nguồn từ những khoản đầu tư ủy thác, vốn tài trợ, cho vay lẫn nhau, gây ra dòng tiền chằng chịt giữa các NH.

Tình trạng mất thanh khoản vào cuối năm 2011 còn do những NH nhỏ sử dụng quá nhiều vốn trên thị trường liên NH để cho vay, trong khi các NH lớn cũng không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vốn với các bạn đồng nghiệp.

Và tình trạng trây ỳ nợ của những NH thanh khoản yếu đã gây thái độ ứng xử nghi kỵ lẫn nhau giữa các NH, kéo những NH lớn vào khủng hoảng nợ khó đòi trên thị trường liên NH cuối năm 2011.

“Nồi lửa” liên NH chỉ giảm nhiệt khi thị trường bước qua năm 2012, NHNN chia 4 nhóm tăng trưởng tín dụng phân theo quy mô NH: 17%, 15%, 8% và không được tăng trưởng tín dụng đối với NH vi phạm các quy định trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2011.

Thị trường liên NH chỉ nguội lạnh khi Thông tư 21/2012/TT-NHNN, quy định các TCTD chỉ có thể vay trên thị trường này nếu như họ không có khoản vay liên NH nào quá hạn trên 10 ngày.

Do khoản vay trên thị trường liên NH được coi là kém ổn định hơn nếu so với các khoản tiền gửi dài hạn của khách hàng nên đã kéo khối lượng liên NH giảm mạnh. Nhiều khoản vay liên NH kỳ hạn trên 6 tháng được lấy vàng, ngoại tệ ra làm tài sản đảm bảo bắt đầu được cắt bớt trong các giao dịch theo từng ngày.

Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng giao dịch từ mức trên 650.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2012 giảm xuống còn hơn 100.000 tỷ đồng vào cuối tháng 11/2012.

Sự rõ nét lớn nhất trong chính sách điều hành của NHNN là đã kéo dư nợ trên thị trường liên NH từ mức 20% vào cuối năm 2011, xuống còn 14% thời điểm cuối năm 2012. Lãi suất từ mức vài chục phần trăm tụt xuống quanh mức 3%/năm và từ cuối năm 2012 đến nay, giao dịch trên thị trường này chỉ còn ở những kỳ hạn dưới 3 tháng.

Giảm lệ thuộc lẫn nhau

Chiến lược “rút lửa khỏi lò” của nhà điều hành để giảm nhiệt thị trường liên NH, đồng thời hạn chế tăng trưởng tín dụng của các NH, nhất là việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn đã rút đi một lực cầu tiền đồng rất lớn cho hệ thống NH.

Các nhà kinh tế cho rằng với chính sách ấn định lãi suất huy động cao, NHNN đã tạo thanh khoản trở lại cho hệ thống NH trong năm 2012.

Theo đó, nhà điều hành tiếp tục áp dụng trần huy động 14%/năm thêm một thời gian đã tạo ra một lực hút tiền nhàn rỗi ngoài xã hội vào NH, từ đó số dư tiền gửi của các TCTD trong nửa cuối năm 2012 tăng đều và bỏ xa mức tăng trưởng tín dụng cùng thời điểm.

Việc duy trì lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao trong một khoản thời gian đã tạo điều kiện cho các NH giảm sự lệ thuộc vào thị trường liên NH, đồng thời làm cho các NH có nguồn tiền cung cấp cho thị trường tạo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 chỉ tăng 8,91% so với năm 2011.

Ở đây, có một sự khác biệt lớn nhất của thị trường tài chính – NH Việt Nam so với thị trường tài chính các nước phát triển là lãi suất huy động vốn từ dân cư luôn đắt hơn lãi suất liên NH. Sự ổn định trở lại của thị trường liên NH bằng Thông tư 21, thanh khoản NH được đảm bảo bằng lãi suất cao và tỷ giá VND/USD ổn định đã tạo chất cho tài sản có của các NH.

Theo số liệu thống kê, năm 2011 gần 50% các NH có tài sản liên NH ở mức trên 20% đã giảm xuống dưới 14% vào đầu năm 2013 là một minh chứng cho thấy tài sản các NH hơn một năm gần đây tăng chất lượng đáng kể.

Cuộc đại phẫu nằm ở thì tương lai

Lãnh đạo các NH ở TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, họ đã vượt “thác” thanh khoản thành công trong hai năm trước nhờ những can thiệp chính sách tiền tệ của NHNN.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của 33 NH trong “top” đầu năm 2012 cũng giảm đến 23% tức là chỉ đạt 31.000 tỷ đồng so với mức 40.000 tỷ đồng đạt được của năm 2011.

Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm trong năm qua của các TCTD chủ yếu do chi phí rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động tăng đều, trong khi sức cầu nền kinh tế giảm mạnh, gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một điểm đáng chú ý là hết tháng 8/2013, các NH vẫn phải gánh chi phí rất cao của bộ máy vận hành huy động và cho vay, trong khi một phần lợi nhuận bị kênh trái phiếu “bắt phải” chia sẻ.

Lợi nhuận NH được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013 do DN cố gắng không vay thêm và hoạt động cầm chừng, cùng với đó là vấn đề nợ xấu cũng làm các NH chùn tay trong mở rộng tín dụng.

Tuy nhiên, kế hoạch xử lý nợ xấu gần đây có tín hiệu khả quan khi VAMC ra đời và đã có những hợp đồng mua, bán nợ.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2013 có 6 NH có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, 8 NH còn lại có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tỷ lệ nợ nhóm hai dưới 7%.

Mặc dù số liệu nợ xấu của các NH lâu nay như một ẩn số, tuy nhiên NHNN đã kiểm soát rất chặt tình trạng nợ xấu. Chẳng hạn VAB và PNB vừa bị cơ quan thanh tra NH bắt hạch toán đúng thực trạng nợ xấu vào phương án tái cơ cấu.

Hoạt động tái cơ cấu NH trong hai năm qua được NHNN nhìn nhận đã đi được một bước dài, trong đó nổi lên nhiều NH đã bán bớt tài sản xấu để củng cố hoạt động tốt hơn. Những NH nhỏ cơ cấu tiền gửi đã có thay đổi tích cực, NH quy mô lớn đã cải thiện mô hình hoạt động gọn nhẹ hơn, chất lượng tài sản được đánh giá tốt lên rất nhiều so với hai năm trước đây.

Trong đó, Sacombank đến 30/9 đã thu được số nợ của một nhóm cổ đông lớn và những người liên quan chiếm 23,9% trên vốn tự có. Eximbank đã được NHNN yêu cầu loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả.

Tính đến hết tháng 8, ACB đã thoái hơn 652 tỷ đồng khỏi danh mục đầu tư không phục vụ hoạt động kinh doanh thuần túy NH, đáng kể nhất là chi phí hoạt động của NH này đã giảm 18% so với cùng kỳ…

Theo ý kiến từ lãnh đạo các NHTM, gần đây NHNN đã ban hành rất nhiều quy định nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống trong trung dài hạn.

Điển hình là khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ có hiệu lực sẽ như “chiếc gương” phản chiếu toàn bộ rủi ro và ngay lập tức tác động làm thay đổi hoạt động của các NHTM.

Lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH đã khởi động với nhiều mục tiêu, trong đó kéo nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2015, sẽ tạo ra những NH quy mô lớn mạnh… và được giới đầu tư quốc tế kỳ vọng.

Theo Phạm Hà Nguyên

hanhle

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên