MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu bắt đầu từ cơ chế

08-11-2015 - 16:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó phần lớn xuất phát từ việc thiếu hụt các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền của chủ nợ.

40% nợ xấu sẽ được xử như thế nào?

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã sử dụng các biện pháp chủ động xử lý nợ xấu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) nên đến cuối tháng 9.2015, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,9% . Thông tin này đã được Chính phủ báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Song, biện pháp xử lý nợ xấu cũng như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn còn những ý kiến trái chiều: khen có; lo ngại cũng có, bởi đến nay vẫn chưa rõ 40% nợ xấu mà VAMC mua lại sẽ được “xử” thế nào?

Trước mắt, nếu nhìn vào mục tiêu “dọn dẹp” nợ xấu, làm tan “cục máu đông” vốn được xem như điểm nghẽn của nền kinh tế thì kết quả đã rõ - rất khả quan. Bởi theo các chuyên gia cũng như phân tích của các ngân hàng thì khi nợ xấu của các TCTD nói chung, ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng bán cho VAMC, khách hàng vay vốn mới có cơ hội tiếp cận tín dụng và bằng chứng là đến cuối tháng 10.2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức xấp xỉ 12%, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014.

Theo TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sau hai năm hoạt động, VAMC đã giúp chuyển dịch một lượng lớn nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, giúp ngân hàng có thể tiếp tục cho vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nợ xấu của các ngân hàng đã đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán nhưng trách nhiệm của các TCTD và VAMC là phải thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm và bán nợ xấu. Theo các chuyên gia, mặc dù Nghị định 34/2015/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 53/2013/NĐ - CP đã bổ sung thêm một số quy định, trao thêm quyền năng cho VAMC nhưng việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trong báo cáo gửi các ĐBQH về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015 liên quan đến hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó phần lớn xuất phát từ việc thiếu hụt các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền của chủ nợ. Do vậy, nên chăng đã đến lúc Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc xây dựng luật để xử lý vấn đề này.

Đơn cử, việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay của các TCTD trong thực tế gặp nhiều khó khăn do hầu hết những khách hàng có nợ xấu rơi vào tình trạng ngừng sản xuất hoặc nguy cơ bị phá sản, không còn khả năng trả nợ; bên bảo đảm, khách hàng vay có thái độ bất hợp tác, chây ỳ trả nợ và tìm cách trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm. Trong khi đó, sự phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan với ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập.

Nên có luật riêng về xử lý nợ xấu

Như vậy, có thể thấy VAMC được giao khá nhiều nhiệm vụ nhưng do vướng cơ chế nên ngay cả việc bán tài sản bảo đảm và bán nợ - hai trong số cách thức xử lý nợ nhanh nhất cũng rất khó thực hiện. Muốn bán tài sản bảo đảm thì cần có sự đồng thuận của “con nợ” mới xử lý nhanh. Có những tài sản bảo đảm được mang đấu giá nhiều lần cũng không thành công do chủ tài sản đòi định giá quá cao. Vấn đề đấu giá tài sản thế nào cũng chưa được luật hóa. Còn bán nợ thì Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ và chưa có cơ chế thị trường cho mua - bán nợ xấu. Hiện mới chỉ có một số đơn vị tham gia mua nợ là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (AMC) của các TCTD và VAMC. Nếu bán nợ cho DATC thì công ty này cũng khó đủ lực để mua nợ khi mà vốn mới chỉ ở mức mấy nghìn tỷ đồng, trong khi nợ gốc của ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tính từ 1.1.2015 đến 18.10.2015, VAMC đã mua hơn 13.000 khoản nợ, tương ứng với gần 92.000 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng của 39 TCTD; đã thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt 10.694 tỷ đồng...

Ngày 4.11 vừa qua, khi trình Quốc hội về Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, các ý kiến đều thống nhất với việc đấu giá tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lập luận, thực tế thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các NHTM diễn ra chậm. Trong khi đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế thì lại vướng mắc từ các văn bản pháp luật. Việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Do đó, ông Giàu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Dự thảo Luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Đây là tin vui cho VAMC…

Cam kết của Việt Nam với các thành viên TPP trong lĩnh vực tài chính

Theo Bình Nhi

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên