Xử lý nợ xấu chậm vì vướng thủ tục
Ngày 2-4, Hiệp hội ngân hàng phối hợp vói Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng tổ chức “tọa đàm vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo và thi hành án dân sự”.
Tại buổi tọa đàm hầu hết các ý kiến cho rằng hiện tại còn nhiều thủ tục vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo nên làm chậm quá trình xử lý nợ xấu.
Một cán bộ thuộc Sacombank cho biết việc thu tiền về ngân hàng từ thi hành án cũng rất nhiêu khê và mất nhiều thời gian. Hơn nữa số tiền này khá lớn, có thể từ vài chục lên đến cả 100 tỉ đồng, trong khi đó mỗi ngày ngân hàng vẫn phải trả lãi huy động cho dân. “Vì thế theo tôi các cơ quan chức năng hãy cùng với ngân hàng nhanh chóng tháo gỡ, rút ngắn thời gian để xử lý các tài sản bảo đảm này. Có như vậy ngân hàng mới xử lý nhanh được nợ xấu có tài sản đảm bảo” - cán bộ này nói.
Có ý kiến rằng nợ xấu có tài sản đảm bảo đã khó xử lý huống chi là tài sản hình thành trong tương lai. Trong khi đó tại TP.HCM rất nhiều căn hộ đang xây dựng, được bán và người mua được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai này cho ngân hàng. Có những dự án hoàn thành và tài sản trong tương lai được bảo đảm, tuy nhiên hai năm qua có nhiều doanh nghiệp chết, dự án bất động ngưng lại và kéo theo việc xử lý loại tài sản này khó khăn hơn.
Về vấn đề làm sao để giảm thiểu được tình trạng tài sản đó thế chấp nhiều ngân hàng, theo luật sư Lê Thị Minh Nhân, “các ngân hàng nên mua thông tin từ giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp. Tôi nghĩ độ chính xác lên khoảng 70% và các ngân hàng sẽ biết loại hàng hóa là tài sản thế chấp ấy đã thế chấp ở đâu chưa. Phí để mua thông tin đăng nhập không nhiều, luật sư chúng tôi vẫn mua như vậy để tìm hiểu xem căn nhà đó, tài sản đó có thế chấp hay không để giảm thiểu rủi ro”.
Theo Yên Trang