MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lợi kép từ tín dụng

24-01-2015 - 23:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Giữa tháng 12.2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 189/2014/TT-BTC quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư giảm từ 10,5%/năm xuống 9,6%/năm, lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu giảm từ 7,8%/năm xuống 7,2%/năm. Chính sách giảm này đã mở thêm một cánh cửa để các nhà xuất khẩu trong nước kỳ vọng sẽ không còn phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay trong năm nay.

Trên thực tế, đến thời điểm này, riêng về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở ra ít nhất 2 cửa ngõ ưu đãi để các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi.

Cửa ngõ thứ nhất là việc NHNN tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay ngoại tệ đối với 2 đối tượng là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết năm 2015. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách tỷ giá. Bởi vì, với cam kết điều chỉnh tỷ giá cả năm 2015 không quá 2% của NHNN, doanh nghiệp vẫn có cơ hội vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn lãi suất vay nội tệ khoảng 1-1,5%/năm (đối với kỳ hạn ngắn). Hình thức vay ngoại tệ giải ngân bằng VNĐ được kéo dài thời gian vẫn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn đáng kể.

Cho đến nay, lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ổn định ở mức khoảng 4,5%/năm, nếu cộng thêm 1% chênh lệch tỷ giá giữa USD/VNĐ (mới được NHNN điều chỉnh vào ngày 7.1.2015) thì lãi suất thực các doanh nghiệp phải trả chỉ ở mức 6,5%/năm, thấp hơn mức lãi suất tối thiểu đang áp dụng cho vay VNĐ nông nghiệp nông thôn là 7 - 8%/năm.

Cửa ngõ thứ hai là chính sách đổ vốn vào các mô hình liên kết sản xuất – chế biến – xuất khẩu. Từ giữa năm 2013, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, từ mức 11%/năm xuống 10%/năm (ngắn hạn). Tuy nhiên, suốt năm 2014, với chương trình như cho vay thí điểm lĩnh vực nông nghiệp, cho vay doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, các ngân hàng đã cung ứng nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thủy sản với lãi suất chỉ từ 7 - 8%/năm (ngắn hạn) và 10 - 10,5%/năm (trung và dài hạn). Tính đến cuối năm 2014, nguồn vốn cam kết cho vay từ các chương trình này đã vượt con số 12 nghìn tỷ đồng và có ít nhất một nửa số này sẽ được cho vay với mức lãi suất 6,5%/năm (ngắn hạn), 9 - 10% (trung và dài hạn).

Với những chính sách chủ động từ NHNN và Bộ Tài chính liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay lĩnh vực xuất khẩu cả bằng nội tệ và ngoại tệ, 2015 sẽ là năm nguồn vốn rẻ có nhiều cơ hội đổ vào các nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có thế mạnh, nhất là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp. Điều này một mặt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, một mặt tạo lợi thế cạnh tranh cho  doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, giảm tải áp lực tài chính khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa được thực hiện.

Việc các chính sách tín dụng tiếp tục ưu tiên vào khối doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tận dụng mở rộng thị phần hàng hóa ở các thị trường mới ngay trong năm 2015, khi những Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết với các đối tác bước vào giai đoạn triển khai thực tế với mức thuế xuất khẩu bằng 0% ở nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày và một số mặt hàng nông - thủy sản.

Theo Thạch Bình

PV

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên