5 thành phố đáng sống và hút đầu tư nhất năm 2016
Mỗi thành phố trong danh sách này đều được đánh giá cao về các điều kiện sống tạo cơ hội cho các cá nhân phát triển cũng như có môi trường đầu tư thuận lợi dễ sinh lời cho các nhà đầu tư.
- 06-08-2015Dubai lại gây sốc với siêu dự án gần 7 tỷ USD
- 30-03-2015Atlanta và Dubai sở hữu sân bay tấp nập, sầm uất nhất thế giới
- 29-08-2013Melbourne là thành phố đáng sống nhất thế giới
- 16-07-2012Cuộc sống đầy màu sắc ở Mumbai, Ấn Độ
Khi chuyển đến sống tại một thành phố nước ngoài, điều đầu tiên mà nhiều người thường quan tâm là dân số, cơ sở hạ tầng, bối cảnh chính trị, thu nhập bình quân đầu người và cơ hội phát triển của thành phố đó như thế nào.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đó, sự phát triển của bất động sản và các cơ sở vui chơi giải trí cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định có nên chuyển đến sống hoặc đầu tư vào nó hay không.
Dưới đây là 5 thành phố được đánh giá là đáng sống hoặc đáng đầu tư nhất năm 2016 do trang The Richest đưa ra:
5. Thượng Hải, Trung Quốc
Theo The Richest, Thượng Hải sẽ là thành phố gần như tốt nhất châu Á để các nhà đầu tư đặt cược. Vượt qua cả Tokyo, Thượng Hải đang dần trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu mới trong những năm gần đây. Thượng Hải cũng là trung tâm tài chính và bất động sản của Trung Quốc. Nơi đây đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nhờ tiềm năng lợi nhuận trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong giai đoạn 2015-2030, tổng thu nhập của Thượng Hải dự kiến sẽ tăng lên hơn 350 tỷ USD - vượt cả London và Tokyo, trong khi chi tiêu tiêu dùng có thể tăng hơn 250 tỷ USD.
Tại Thượng Hải, nơi tốt nhất cho đầu tư có thể là khu kinh doanh quốc tế Qiantan nằm ngay cạnh khu kinh doanh Lujiazui CBD lâu đời của thành phố này.
Môi trường sống ở đây cũng khá hiện đại, thành phố này dự kiến sẽ khánh thành một công viên Disneyland trong năm 2016, đồng thời xây dựng trung tâm Dreamcare Dreamworks để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, các cơ sở y tế và giáo dục ở đây cũng gần sánh ngang bằng New York và Anh.
4. Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
Dubai, thành phố hiện đại nhất của Trung Đông, có dân số khoảng 2,1 triệu người và tổng diện tích 4.114 km². GDP bình quân đầu người của Dubai là 24.866 USD. Theo cổng thông tin bất động sản Bayut.com, thị trường bất động sản của Dubai đang trong giai đoạn tốt nhất để đầu tư dài hạn, hiệu suất cho thuê văn phòng tại đây cũng đang đạt mức cao nhất là 8%.
Dubai cũng là một trong những thành phố có thuế tài sản thấp nhất thế giới với 0,72% /năm. Ngoài ra, Dubai không thu thuế thu nhập cá nhân, vì vậy bạn có thể giữ tất cả những gì bạn kiếm được.
Những thập niên gần đây, Dubai không ngừng đầu tư cải thiện nhanh cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và pháp luật để trở thành một trong những nơi có điều kiện sống tốt nhất trên thế giới. Hơn thế nữa, chính quyền thành phố còn cấp cả những siêu xe cho cảnh sát và lực lượng cứu thương, nhiều hơn cả những gì người ta có thể yêu cầu.
3. Kuala Lumpur, Malaysia
Thủ đô Malaysia là một trong 25 thành phố toàn cầu hóa nhanh nhất thế giới và luôn nắm vững vị thế là một cửa ngõ quan trọng của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố này đã được báo cáo là điểm đến xếp thứ 6 cho đầu tư trực tiếp nước ngoài năm ngoái. Các cơ sở y tế ở đây có lẽ là tốt nhất trong khu vực, nhiều người dân từ các nước Nam Á cũng đến đây để du học.
Thành phố này được đánh giá cao về chiến lược quy hoạch và phát triển điều kiện dân sinh. cũng như thu hút các khách du lịch. Tháp KL118, cột mốc mới của Kuala Lumpur, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 với chiều cao 635 mét được kỳ vọng sẽ trở thành một cấu trúc mang tính biểu tượng thu hút nhiều khách du lịch và doanh nhân đến thành phố.
Theo numbeo.com hiệu suất cho thuê văn phòng tại Kuala Lumpur hiện đang khá cao và ổn định với hiệu suất tại khu vực trung tâm thành phố là 4,79%, trong khi khu vực ngoài trung tâm là 4,73%.
Ngoài ra, chính quyền thành phố đang phát triển dự án Tun Razak Exchange, với mục tiêu thiết lập Kuala Lumpur thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, có rất nhiều công việc phù hợp tại đây, nếu bạn là một người lao động có tay nghề. Vị trí chiến lược của thành phố cũng làm cho nó trở thành một điểm kinh doanh đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp toàn cầu.
2. Johannesburg, Nam Phi
Trong khi Cape Town là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của châu Phi, Johannesburg là thành phố lớn nhất của Nam Phi với sản lượng cho thuê tốt nhất cả nước. Theo Global Property Guide, công suất cho thuê căn hộ tại Johannesburg khoảng từ 6,5-9,3%, thậm chí theo một nguồn khác, hiệu suất này còn lên tới 10,85% trong khu vực trung tâm thành phố và 11,33% bên ngoài trung tâm.
Các căn hộ có vị trí tốt tại đây sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư. Họ chỉ cần mua một căn hộ và cho thuê nó để hưởng món lời cho thuê 11% mỗi năm.
Johannesburg có dân số hơn 5 triệu người và xếp hạng 173 thế giới. Thành phố này có GDP bình quân đầu người 16.370 USD vào năm 2014. Cơ sở giáo dục và chăm sóc y tế ở đây cũng khá tốt, tuy nhiên cơ hội việc làm ở mức bình thường.
Thành phố này được xem như là trung tâm tài chính, chứng khoán của châu Phi. Có rất nhiều các doanh nghiệp và các tập đoàn địa phương cũng như tập đoàn quốc tế đặt trụ sở chính tại đây. Ngoài ra, thành phố này còn là tâm điểm của ngành công nghiệp khai thác mỏ Nam Phi. Người dân từ khắp các khu vực đều di chuyển tới Johannesburg để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp nên tỷ lệ cạnh tranh để tìm được một công việc phù hợp là khá cao.
1. Mumbai, Ấn Độ
Mumbai là thủ đô tài chính của Ấn Độ và cũng là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của châu Á. Không chỉ nắm vai trò chủ chốt về kinh tế, thành phố còn có vị thế đặc biệt trong bộ máy chính trị và hành chính của Ấn Độ.
Với dân số hơn 12 triệu người (năm 2011), Mumbai là một trong những thành phố đông dân nhất của Ấn Độ. Để đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số của thành phố này, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư khá mạnh tay cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các nhà ga ngầm và tuyến đường sắt đô thị trên cao,...
Thu nhập bình quân đầu người của Mumbai vào năm 2009 là 7.300 USD. Mặc dù mức lương ở đây tương đối cao nhưng chi phí thuê giúp việc gia đình lại rất rẻ.
Hiệu suất cho thuê văn phòng tại Mumbai hiện khoảng 1,84% ở trung tâm thành phố và 2,55% bên ngoài trung tâm.
Mumbai có đầy đủ hệ thống giáo dục chất lượng cao từ bậc tiểu học đến đại học; hệ thống cơ sở y tế cũng ngang bằng với các tiêu chuẩn toàn cầu. Người dân từ các nước đi du lịch đến Mumbai có thể điều trị nha khoa với giá cả khá phải chăng. Ngoài ra, việc mua sắm tại thành phố này cũng khá dễ dàng với mức giá chấp nhận được.
BizLIVE