MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7,9 tỉ USD bí ẩn của Thổ Nhĩ Kỳ

01-02-2015 - 11:44 AM | Tài chính quốc tế

Một điều lạ lùng nào đó đang xảy ra trong các sổ sách kế toán của Thổ Nhĩ Kỳ và không ai chắc chắn được vì sao lại thế.

Nội dung nổi bật:

- Năm 2014, phần "sai số và bỏ sót" (tức những dòng vốn không giải thích được nguồn) trong cán cân thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ lớn bất thường và quá lớn so với thâm hụt cán cân vãng lai.

- Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi dòng vốn có thể rút ra bất cứ lúc nào và khiến nền kinh tế chao đảo


Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đã thu hút được 7,9 tỉ USD thu nhập từ các nguồn không giải thích được trong suốt 8 tháng đầu năm 2014, trong khi cùng kỳ năm trước đó 90 triệu USD đã bị rút ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong ba tháng tiếp theo sau đó, 5,6 tỉ USD đã “không cánh mà bay” khỏi quốc gia này.

Những dòng vốn ngoại vào và ra mà quốc gia này không thể giải thích được (chính là phần “sai số và bỏ sót” trên cán cân thanh toán của Thổ Nhĩ Kỹ) đã cho thấy những biến động rất mạnh trong suốt 11 tháng đầu năm 2014. Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương, chỉ riêng trong tháng 11, dòng tiền ra ước tính đã lên đến 3,46 tỉ USD, đánh dấu tháng dòng vốn ngoại bị rút ra nhiều nhất trong hơn 16 năm qua.

Những dòng tiền ra vào hết sức bí ẩn với số lượng lớn như thế đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp tiền để giúp cân bằng thâm hụt tài khoản vãng lai, điều mà chính phủ nước này gọi là “gót chân Achilles” của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng cần lưu ý rằng việc các quốc gia có mục “sai số và bỏ sót” trên cán cân thanh toán không phải là chuyện bất thường. Nhưng theo Ipek Ozkardeskaya, một nhà chiến lược về các thị trường mới nổi tại ngân hàng Swissquote Bank SA ở Geneva thì trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ vấn đề khiến cho sự việc trở nên khó hiểu nằm ở chỗ các dòng tiền này lớn quá nếu so với thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia này.

Phần chênh lệch giữa dòng tiền đi vào và dòng tiền chảy ra khỏi quốc gia này, mà cũng chính là thước đo rộng nhất đo lường hàng hóa và dịch vụ được giao dịch, là điều làm đau đầu các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ số này đã lên đến 10% GDP trong năm 2011, khiến những nhà làm chính sách nước này phải hành động nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua ít hàng hóa nhập khẩu hơn.

Sở dĩ mức thâm hụt trên có tầm quan trọng như thế là vì các nhà kinh tế dùng nó để đo lường mức độ tổn thương của nền kinh tế nước này trước những thay đổi của các thị trường tài chính toàn cầu. Và trong khi những nguồn vốn sạch cũng giúp ích rất nhiều cho một quốc gia đang cần đến nó, thì chuyện không ai biết chúng có nguồn gốc từ đâu đã khiến cho việc dự đoán khi nào chúng sẽ biến mất là đặc biệt khó khăn. Đây chính là điều đã xảy ra trong những tháng cuối của năm 2014 tại quốc gia này.

Mehmet Besimoglu, nhà kinh tế học đang làm việc tại Oyak Menkul Degerler, cho rằng: “Không có cách nào để dự báo chuyện gì sẽ xảy ra với những dòng tiền này trong năm 2015.” Ông cũng có những giả thuyết của riêng mình về nguồn gốc của chúng và lý do tại sao chúng biến mất: “Những dòng tiền vào có thể dính dáng đến những đợt chuyển vốn từ Iraq và Syria, nơi mà sự nổi dậy của nhà nước hồi giáo đã khiến cho hơn 1,5 triệu người buộc phải vượt biên giới trốn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Còn những dòng tiền ra có khuynh hướng xảy ra trong giai đoạn đồng lira tăng giá.”

Một thay đổi đáng chú ý sắp diễn ra là việc các nước điều chỉnh chính sách tiền tệ về trạng thái bình thường, đặc biệt là những đợt tăng lãi suất, ở Mỹ. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ali Babacan, đã lặp đi lặp lại rằng những lần tăng lãi suất của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Lãi suất cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể dẫn đến một sự thay đổi trong sở thích bỏ vốn vào tài sản ở những thị trường mới nổi của các nhà đầu tư. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài để giải quyết các khoản thâm hụt hiện tại.

Ngân hàng Morgan Stanley năm ngoái đã liệt kê Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách “5 nền kinh tế “dễ vỡ” nhất”. Các quốc gia trong danh sách này rất dễ bị tổn thương khi có một đợt rút vốn của những nguồn đầu tư ngoại, vốn rất cần để cân bằng thâm hụt giữa hai dòng vốn ra vào. Nam Phi, Indonesia, Ấn Độ và Brazil cũng nằm trong danh sách này.

Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, suốt 29 năm qua, đã có đến 22 lần các dòng tiền vào bí ẩn cao hơn các dòng tiền ra ở quốc gia này, giúp giảm bớt nhu cầu vốn từ những nguồn chính thức.

Thanh Hải

CTV Thanh Hải

Bloomberg

Trở lên trên