MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai được, ai mất khi đồng USD mạnh lên?

27-01-2015 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Không ai có thể phủ nhận vai trò của đồng USD với nền kinh tế thế giới. Nhưng liệu người sở hữu nó có thật sự chỉ “được” chứ không hề “mất” khi nó mạnh lên?

- Kể từ tháng 7 năm ngoái, USD đã tăng trung bình 15% so với các ngoại tệ lớn khác

- Nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào trái phiếu Mỹ vì mức lợi suất cao và kinh tế Mỹ khỏe mạnh

- Các công ty Mỹ có phần lớn doanh thu ở nước ngoài bị ảnh hưởng, nhưng người tiêu dùng Mỹ được lợi lớn

Đây thực sự là thời điểm tốt để sở hữu vài xấp đô la. Tuần trước, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Obama phát biểu rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở lại. Thị trường việc làm đang tăng trưởng với tốc độ ấn tượng nhất trong 15 năm qua. Tỉ lệ thất nghiệp hiện thấp hơn cả trước cuộc khủng hoảng tài chính. Cục dự trữ liên bang có thể tăng lãi suất vào năm nay hoặc sang năm. Ông hồ hởi: “Đây là tin mừng, thưa các bạn!”

Và các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ xô đi mua USD về cất giữ, khiến cho nó mạnh hơn. Kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, USD đã tăng trung bình khoảng 15% so với các ngoại tệ lớn khác (16% so với euro và 15% so với yen). Nhiều nhà đầu tư cho rằng USD còn tăng nữa nếu kinh tế Mỹ ngày càng phục hồi.

Đối với người bình thường, USD mạnh hơn có thể khiến họ mơ đến một chuyến du lịch sang Paris, dù có thể họ chưa thấy hết được những tác động khác do chuyện này gây nên.

Đồng USD mạnh hơn, lại được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế, khiến các nhà đầu tư Mỹ có lý do để giữ tiền mặt gần nhà hơn. Nỗi lo về lạm phát đã bị xua tan. Các lãnh đạo ngân hàng trung ương cũng không cần phải vội vàng tăng lãi suất. Tuy vậy, nó cũng tạo áp lực lên các công ty Mỹ có phần làm ăn lớn ở nước ngoài.

Trái phiếu Mỹ là thỏi nam châm mạnh 

Để hiểu tại sao đồng USD đang có đà tăng rất tốt, chúng ta hãy nhìn xem phần còn lại của thế giới như thế nào. Châu Âu đang gặp phải quá nhiều vấn đề. Nhật Bản hiện đang trên bờ vực suy thoái. Những quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ - mà đáng chú ý là Nga – đang bị ảnh hưởng nặng nề do cơn khủng hoảng giá gây nên.

Nhiều dòng tiền ngoại đã và đang đổ dồn vào trái phiếu Mỹ. Không hẳn là họ đang kiếm được quá nhiều tiền một cách chóng vánh: nhu cầu tăng lên khiến cho lợi tức trái phiếu thấp hơn vào năm ngoái, nhưng lãi suất gần 2% suốt 10 năm vẫn là tuyệt hơn nhiều nếu như so với mức 0,4% của trái phiếu Đức.

Và nếu cục dự trữ liên bang tăng lãi suất ngắn hạn trong năm nay thì lợi tức trái phiếu Mỹ có thể còn tăng hơn. Trong khi đó ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm thứ năm tuần trước đã bắt đầu một đợt mua trái phiếu nữa – lên đến cả ngàn tỉ euro – điều có thể khiến cho euro càng mất giá so với đồng USD.

Các nhà đầu tư Mỹ có thể bị “cám dỗ” dùng đồng USD mạnh của mình để mua hàng hóa rẻ ở những nền kinh tế yếu hơn. Rất có thể họ sẽ tìm được những thương vụ tốt, nhưng các giám đốc đầu tư cho rằng khi đồng USD tăng giá thì đó chính là thời điểm tốt để cho những nhà đầu tư Mỹ tìm kiếm cơ hội ngay tại quê nhà.

Tobias Levkovich, nhà chiến lược tại Citibank, cho rằng: “Sự mạnh lên của đồng USD có thể khiến cho hàng hóa tính bằng những loại tiền tệ khác rẻ hơn ngay cả khi giá cổ phiếu không thực sự thay đổi”. Hãy lấy một người nào đó đang mua cổ phiếu châu Âu làm ví dụ: nếu đồng USD tiếp tục tăng giá so với euro, những cổ phiếu đó sẽ có giá trị ít hơn sau khi được quy đổi ra đồng USD, ngay cả khi giá cổ phiếu đó không thay đổi theo mệnh giá euro.” Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài mà mua cổ phiếu ở Mỹ có thể thấy rằng giá trị của chúng sẽ cao hơn nếu quy đổi ra tiền của quốc gia họ nếu như đồng USD tiếp tục tăng.

Keith Lerner, chuyên gia chiến lược thị trường của SunTrust Private Wealth Management cho rằng: “Khi đồng USD tăng giá, một số công ty Mỹ nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài có thể thấy rằng nguồn cung của họ giờ đây rẻ hơn. Điều đó có thể làm tăng lợi nhuận – trừ phi họ san sẻ điều đó với khách hàng.”

Một ví dụ rõ nhất cho trường hợp này là nhà cung cấp nhôm Alcoa. Công ty này đã tiết kiệm được chi phí sản xuất vì họ chủ yếu khai thác mỏ ở Úc, Brazil và Jamaica, những quốc gia hiện có đồng tiền đang yếu đi so với đồng USD, nhưng họ lại bán phần lớn sản phẩm của mình tại Mỹ, thu về tiền đô. Kết quả là lợi nhuận trong quý 4 vừa qua của công ty này tăng mạnh.

Chẳng dễ chịu gì cho các công ty Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài

Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên không hẳn là tin vui đối với tất cả những công ty Mỹ. Những công ty Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài có thể thấy doanh thu của mình bị hao hụt đáng kể nếu quy đổi sang đô la. Họ cũng phải nỗ lực hơn trong việc giữ chân khách hàng vì có nhiều đối thủ cạnh tranh sẵn sàng đưa ra những mức giá thấp hơn.

Johnson & Johnson, với hơn phân nửa doanh thu là từ bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, đã công bố sụt giảm doanh thu đến 0,6% trong quý 4. Phó chủ tịch Dominic Caruso cho rằng đây là do ảnh hưởng của sự thay đổi tỉ giá giữa đồng USD và các ngoại tệ khác.

Các nhà đầu tư cũng như các nhà phân tích cũng đang theo dõi báo cáo lợi nhuận của Apple để xem đồng đô la mạnh lên ảnh hưởng đến “ông lớn” ngành công nghệ này như thế nào, vì hơn 60% doanh thu của gã khổng lồ này là từ bên ngoài nước Mỹ, trong đó 22% là từ châu Âu.

“Nếu đồng USD còn tăng nữa thì một số công ty có thể phải hạ giá để giữ chân khách hàng,” một chuyên gia cho biết.

Mỹ cũng đã nhập nhiều hơn xuất. Vì thế doanh số của một số mặt hàng xuất khẩu – như các công ty chuyên sản xuất máy móc hạng nặng hay vũ khí - có thể không bị giảm sút vì đồng USD mạnh hơn.

Một số công ty ở những nền kinh tế nhỏ hơn trước đây từng vay USD để kinh doanh cũng có thể bị ảnh hưởng nặng vì họ sẽ phải kiếm nhiều tiền hơn để trả nợ bằng USD.

Người tiêu dùng Mỹ lại thành “thượng đế”

Đồng USD mạnh hơn khiến cho các công ty Mỹ lẫn công ty ngoại quốc có lý do để cạnh trạnh trong cuộc chiến “lấy lòng” người tiêu dùng. Khi thị trường việc làm hồi phục, nhiều người tiêu dùng đã “rủng rỉnh” tiền bạc. Và dù lương chưa được cao như mong đợi nhưng họ cũng thấy rằng giờ đây tiền họ kiếm được có thể mua được nhiều thứ hơn hồi cách đây một năm.

Các công ty nước ngoài tại Mỹ cũng thấy rằng đây là cơ hội cho họ bán nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng nước này. Nissan đã công bố họ sẽ sản xuất nhiều xe để bán hơn trên đất Mỹ. Fiat Chrysler đang lên kế hoạch giới thiệu mẫu xe thứ hai sản xuất tại Italy ra bán tại thị trường Mỹ, và gần đây họ dự báo rằng 40% số lượng xe thể thao Alfa Romeo sẽ được bán trên toàn nước Mỹ vào năm 2018, một con số khá ấn tượng nếu so với mức gần bằng 0 trong năm 2014.

Đồng USD mạnh hơn cũng góp phần gián tiếp đến khoản tiết kiệm lớn nhất cho người tiêu dùng Mỹ suốt cả năm qua: giá xăng rẻ hơn. Dù giá xăng dầu ở đâu cũng giảm nhưng vì mặt hàng này được tính bằng USD nên người Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn so với người dân ở các quốc gia khác. “Đối với người tiêu dùng Mỹ, đây rõ ràng là điều tích cực, cũng y như một sự tăng lương vậy,” một nhà phân tích cho biết. Các nhà phân tích của AAA ước tính dân Mỹ tiết kiệm được hơn 14 tỉ USD trong năm 2014, khiến họ có thể dành số tiền đó cho những thứ khác từ giày dép, vé xem phim đến máy giặt. Đối với một quốc gia mà tiêu dùng đóng góp đến 70% tăng trưởng thì đây quả là một thương vụ quá thành công.

Theo Bộ thương mại Mỹ, sức chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar cũng tăng 8% trong tháng 12 vừa qua so với cùng kì năm trước. Du lịch cũng tăng 2% kể từ năm 2013.

Chỉ có một điều không xảy ra: dù giá dầu giảm mạnh nhưng giá vé máy bay vẫn không hề giảm. Nhiều hãng hàng không lý giải rằng họ phải tăng lương cho nhân viên và các chi phí cho những hạng mục khác cũng tăng. Những hãng hàng không như Delta đang tận dụng cơ hội chi phí nhiên liệu giảm để tiết kiệm tiền trả nợ và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Các chuyến bay vẫn đầy và nhu cầu vẫn tiếp tục cao!

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

Washington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên