MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sợ giá dầu giảm?

10-02-2016 - 23:07 PM | Tài chính quốc tế

Trong quá khứ, giá dầu giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngược lại giá tăng sẽ gây nên suy thoái. Ở thời điểm hiện tại điều ấy không còn đúng nữa.

Cùng với các sự kiện như tiền tháo chạy khỏi ngân hàng và thị trường tài chính sụp đổ, các cú sốc giá dầu là một trong những hiện tượng hiếm hoi có thể khiến thế giới chao đảo. Bắt đầu với sự kiện Arab bị cấm vận dầu mỏ vào năm 1973, người ta học được rằng giá dầu tăng đột ngột có thể tàn phá nền kinh tế. Ngược lại, khi giá giảm vì lý do dư cung, giống như năm 1986, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Nguyên tắc đúc kết được là giá giảm 10% sẽ cộng thêm 0,1 – 0,5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng.

Trong 18 tháng qua, giá dầu đã giảm gần 75%, từ 110 USD xuống dưới 27 USD/thùng. Tuy nhiên lần này chưa thể chắc chắn về lợi ích mà giá dầu thấp mang lại. Trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi, các nhà sản xuất đang thiệt hại nặng nề. Những hiệu ứng lan sang các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng.Có lẽ giá dầu siêu thấp vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại, nhưng các thị trường đã giảm quá sâu và quá nhanh, đến nỗi câu trả lời cho câu hỏi dầu giảm giá là tốt hay xấu vẫn chưa rõ ràng.

Quy luật kinh tế mới của giá dầu

Thế giới đang ngập trong dầu. Saudi Arabia bơm lên lượng dầu kỷ lục và được cho là đang dùng dầu giá rẻ để “hất cẳng” những nhà sản xuất chi phí cao ra khỏi ngành, đặc biệt là những công ty dầu đá phiến của Mỹ. Saudi Arabia cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Iran – quốc gia sẽ bơm khoảng 3 – 4 triệu thùng/ngày vào thị trường sau khi được dỡ bỏ cấm vận.

Nhiều người sẽ cho rằng giá dầu càng thấp thì càng tốt. Hãy nhìn dầu giá rẻ đã làm lợi cho các nước nhập khẩu ròng từ châu Âu đến Nam Á như thế nào. Hóa đơn nhập khẩu dầu mỏ của Eurozone cũng đã giảm 2% GDP kể từ giữa năm 2014 đến nay. Ấn Độ thì trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, đây cũng là nguồn lo lắng lớn nhất. Thu ngân sách sụt giảm có thể gây nên tình trạng bất ổn về chính trị ở nhiều nơi trên thế giới mà điển hình là Venezuela và vùng Vịnh hay các nước Trung Đông. Giá dầu giảm cũng kéo giá khí đốt giảm theo, làm tăng lượng than đá được sử dụng và cản trở các nỗ lực ngăn biến đổi khí hậu.

Điều lo lắng nhất là giá dầu giảm sẽ tạo ra những quy luật kinh tế hoàn toàn mới đối với dầu mỏ.

Trong quá khứ, dầu giá rẻ đã hỗ trợ đắc lực cho kinh tế thế giới vì người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn trong khi thiệt hại đối với các nhà sản xuất cũng như các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không lớn như bây giờ là tính chung thì toàn xã hội sẽ được lợi. Ngày nay, điều đó không còn đúng nữa. Người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm nhiều hơn so với dự tính. Các nước xuất khẩu dầu phải thắt chặt hầu bao sau khi đã vung tay quá trán khi giá dầu ở mức cao. Nga phải cắt giảm 10% chi tiêu công, và kể cả Saudi Arabia cũng phải thắt lưng buộc bụng để đối phó với mức thâm hụt ngân sách lên tới 15% GDP.

Giá dầu thấp cũng ảnh hưởng đến lực cầu theo nhiều phía. Khi dầu thô có giá hơn 100 USD/thùng, thăm dò khai thác ở những nơi như Bắc Cực, Tây Phi và những vùng biển sâu của Brazil vẫn còn có ý nghĩa. Giờ đây những dự án như vậy đang trở nên vô nghĩa. Tổng giá trị của các dự án bị tạm ngừng đã lên tới 380 tỷ USD. Ở Mỹ, đầu tư vào các tài sản cố định trong ngành dầu khí đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao.

Sự sụt giảm quá nhanh trong giá tài sản và dòng vốn đầu tư gây ra rất nhiều tác hại. Khi giá dầu sụp đổ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn mong manh, nguy cơ vỡ nợ hàng loạt là rất lớn.

Rất khó để đánh giá về khả năng nổ ra khủng hoảng tài chính. Phần lớn trong số 650 tỷ USD nợ doanh nghiệp được huy động trên các thị trường mới nổi từ năm 2007 đến nay nằm trong ngành dầu khí và hàng hóa. Dầu mỏ đóng vai trò trụ cột đối với một số thị trường mới nổi. Với nền kinh tế rơi vào suy thoái, Chính phủ Nga có thể đối mặt với khủng hoảng ngân sách trong vài tháng tới. Venezuela, nơi có lạm phát lên tới hơn 140%, đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế.

Nhiều nước sản xuất dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự. Họ đối mặt với vòng xoáy luẩn quẩn: tăng trưởng yếu, nội tệ mất giá, nhập khẩu lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ. Các NHTW ở Columbia và Mexico đã phải nâng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái. Nigeria thì đang nỗ lực cứu đồng nội tệ.

Các nước giàu có hơn cũng đang gặp nhiều rắc rối. Lợi suất trái phiếu rác đã tăng vọt từ mức 6,5% vào giữa năm ngoái lên tới 9,7%. Nhà đầu tư không chỉ lo lắng về các công ty năng lượng mà về tất cả các ngành khác. Trong khi đó NHTW các nước phát triển đang lo ngại rằng lạm phát kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Quái vật hay thiên thần

Ở Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều công ty và người tiêu dùng hưởng lợi từ đà lao dốc của giá dầu. Giá dầu giảm cũng là cơ hội để những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Saudi Arabia và Venezuela đẩy mạnh cải cách và đa dạng hóa nền kinh tế. Những nước nhập khẩu dầu (như Hàn Quốc) có cơ hội dỡ bỏ chế độ trợ cấp năng lượng lãng phí.

Tuy nhiên, cú sốc này xảy ra vào đúng thời điểm kinh tế thế giới vẫn đang chật vật chữa lành những vết thương mắc phải từ khủng hoảng tài chính. Và, giá dầu giảm lại trở thành “một con quái vật” hạ gục kinh tế toàn cầu thay vì đem quà tặng đến cho thế giới.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên