Alibaba bị Mỹ cảnh báo hàng giả, hàng nhái
Mỹ vừa công bố danh sách “các thị trường hàng giả, hàng nhái khét tiếng" 2015...
- 19-11-2015Tổng thống Mỹ “phỏng vấn” ông chủ Alibaba
- 17-11-2015Vị CEO này vừa từ chối 10 tỷ USD từ Alibaba và Amazon
- 12-11-2015Alibaba vs Amazon: Ngày lễ độc thân không cứu được Jack Ma
Giới chức thương mại Mỹ một lần nữa cảnh báo tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc, cho biết các chủ thương hiệu tiếp tục phản ánh rằng các gian hàng trên Alibaba vẫn là đối tượng chính bán hàng giả, hàng nhái.
Theo tờ Wall Street Journal, trong một báo cáo về vi phạm sở hữu trí tuệ toàn cầu công bố ngày 17/12, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói Alibaba cần tăng cường nỗ lực hợp tác với các công ty để loại bỏ hàng giả, hàng nhái khỏi các chợ trực tuyến của Alibaba như Taobao.
“Các chủ sở hữu thương hiệu tiếp tục thông tin nói các trang của Alibaba, đặc biệt là Taobao, thường bán hàng giả với số lượng lớn”, báo cáo có đoạn viết.
Báo cáo cho hay, sự phàn nàn vẫn diễn ra cho dù Alibaba đã áp dụng các biện pháp mới để xử lý hàng giả, hàng nhái.
“Bất chấp những biện pháp mới này, USTR ngày càng lo ngại trước thông tin từ các chủ sở hữu thương hiệu nói chương trình chống hàng giả, hàng nhái của Alibaba là quá chậm chạp, khó sử dụng, và thiếu tính minh bạch”, báo cáo cho biết.
USTR nói sẽ không đưa Alibaba vào danh sách thường niên “các thị trường hàng giả, hàng nhái khét tiếng” (Notorious Markets List), nhưng “khuyến khích công ty tăng cường hợp tác với các chủ thương hiệu để giải quyết khiếu nại”.
Trong một tuyên bố đưa ra sau báo cáo của USRT, Alibaba tuyên bố cam kết chống hàng giả, hàng nhái. “Hàng giả, hàng nhái là một vấn đề mà tất cả các công ty thương mại điện tử trên toàn cầu gặp phải. Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình trạng này”, Alibaba khẳng định.
Hồi tháng 3 năm nay, USTR đã đưa ra cảnh báo tương tự đối với Alibaba. Năm 2012, Mỹ đưa Taobao ra khỏi danh sách “thị trường hàng giả, hàng nhái khét tiếng” sau những nỗ lực của Alibaba nhằm chống lại vấn nạn này.
Alibaba hiện là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Hãng này cho biết trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9, hãng có 386 triệu người mua hàng.
Chợ trực tuyến Taobao của Alibaba có vô số cửa hiệu tạp hóa, bán đủ các mặt hàng từ dây đàn guitar cho tới thảm tập yoga. Trong khi đó, trang Tmall là nơi tập trung các gian hàng của các thương hiệu lớn.
Báo cáo mới nhất của USTR nói Tmall cũng là một trong những chợ trực tuyến mà các chủ thương hiệu phản ánh có bán hàng giả, nhái. Trước đây, sự chỉ trích chủ yếu nhằm vào Taobao.
Báo cáo cũng nêu danh sách “đen” các trang web và công ty “khét tiếng” về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng Internet gồm 4shared.com, Bukalapak.com, Dhgate.com, Ebookee.org, Ex.ua và Extratorrent.cc, Kat.cr, Moveshare Group, Private Layer-Hosted Site, Rebel, Rapidgator.org và Rutracker.org, Segundamano.es, Uploaded.net, Vk.com, và Zippyshare.com.
Các chợ thực tế trong danh sách “chợ hàng giả, hàng nhái khét tiếng” của USTR gồm: chợ hàng dệt may Jin Long Pan ở Quảng Châu, Trung Quốc; Trung tâm thương mại Louhu ở Thẩm Quyến, Trung Quốc; quận Chenghai ở Sơn Đầu, Trung Quốc; chợ Qi Pu ở Thượng Hải, Trung Quốc; chợ Tơ lụa ở Bắc Kinh, Trung Quốc; chợ Computer Market ở Lagos, Nigeria; chợ Oke-Arin & Apongbon ở Lagos, Nigeria; Ciudad del Este ở Paraguay; Galeria Page and 25 de Marco ở Sao Paulo, Brazil; Harco Glodok ở Jakarta, Indonesia; La Salada ở Buenos Aires, Argentina; Tank Road and Sadar Bazar ở New Delhi, Ấn Độ; Tepito ở Mexico; San Juan de Dios ở Mexico; và MKB Mall ở Bangkok, Thái Lan.
VnEconomy