MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ánh sáng" hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc đang tắt dần

25-02-2016 - 11:13 AM | Tài chính quốc tế

Sau mấy tháng làm các nhà đầu tư ngoại “điên đầu”, giờ đây, kinh tế Trung Quốc làm chính những người dân nước này cũng phải lo lắng.

Chỉ số lạc quan Westpac-MNI đo lường độ lạc quan của người tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 2 giảm 3,1% còn 111,3 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.

Có đến 4 trong tổng số 5 thành tố của chỉ số đều giảm. Đáng lo ngại là sự lạc quan đối với tài chính gia đình và tiêu dùng lại là yếu tố giảm mạnh nhất. Thông thường, đây là những yếu tố làm người Trung Quốc và cả chính phủ lạc quan nhất về nền kinh tế.

Độ lạc quan về tài chính cá nhân giảm 1,3% xuống còn 100,7 điểm, bằng với mức của tháng 5/2015. Kỳ vọng tài chính trong tương lai còn tệ hơn, giảm 3,7% còn 114 điểm. Điều kiện mua hàng tiêu dùng lâu bền giảm 4,7% còn 99,8 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số được đưa ra. Theo Westpac, chỉ số về chi tiêu phản ánh rõ dữ liệu chính thức về doanh thu bán lẻ.

Kết hợp lại, các yếu tố này vẽ nên bức tranh không mấy sáng sủa về nền kinh tế Trung Quốc trong tầm ngắn hạn, đặc biệt là khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế khó khăn, phụ thuộc vào tiêu thụ để giúp bù đắp cho sự sụt giảm của ngành công nghiệp và xây dựng.

Nếu yếu tố tài chính cá nhân và tiêu dùng có sự thay đổi khá rõ ràng thì các yếu tố khác lại chưa rõ mấy. Triển vọng kinh doanh trong vòng 1 năm tăng 1,6% nhưng triển vọng trong 5 năm thì giảm đến 6,7%.

Độ lạc quan về thị trường nhà ở vẫn tăng cùng với giá bất động sản. Tuy nhiên, bây giờ, giá bất động sản tăng nhưng độ lạc quan về thị trường nhà ở lại giảm. Giá nhà được dự báo sẽ giảm, nhưng phần lớn những người được hỏi đều cho rằng, đây không phải là thời điểm tốt để mua nhà.

Ông Matthew Hassan, chuyên gia kinh tế cấp cao của Westpac nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc giảm trong tháng 2 cho thấy càng có nhiều nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Chỉ số được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm, các ngành chủ chốt vẫn gặp khó khăn, chỉ có việc cải thiện sự niềm tin của người tiêu dùng là một trong những yếu tố tích cực.

Các chỉ số của tháng 2 tiếp tục ở mức thấp, trong khi những lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một lần nữa đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng. Ở thời điểm cận tết nguyên đán, niềm tin tiêu dùng giảm không phải là một dấu hiệu tốt. Tại thời điểm này, việc niềm tin của người tiêu dùng chưa cải thiện cho thấy nguy cơ tăng nguy cơ tăng trưởng vẫn ở mức yếu trong thời gian dài.

Kim Sơn

Business Insider

Trở lên trên