MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Baby boomers - "Làn gió ngược" cho nỗ lực kích thích kinh tế của Fed

13-11-2012 - 15:50 PM | Tài chính quốc tế

Thế hệ baby boomers - bộ phận không nhỏ trong dân số Mỹ - đang bước vào độ tuổi nghỉ hưu và tăng cường tiết kiệm thay vì đẩy mạnh chi tiêu như Fed mong muốn.

John Rodwick có đủ tiền để nuôi 7 đứa cháu và cùng vợ thực hiện chuyến du lịch vòng quanh Rocky Mountains trong “ngôi nhà di động” trên chiếc xe Roadtrek.

Rodwick cho biết ông và vợ rất thích đi du lịch và chi phí du lịch thực sự là 1 số tiền lớn. Tuy nhiên, bằng cách thức này, ông có thể nấu ăn và ngủ nghỉ ngay trên chiếc xe dài 19 foot và do đó tiết kiệm được rất nhiều tiền. 

Tuy nhiên, hiện tượng này chính là điều lo ngại lớn đối với các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Họ lo ngại chính những người đã bước vào độ tuổi nghỉ hưu như gia đình nhà Rodwicks đang khiến gói nới lỏng định lượng với mục tiêu tạo ra việc làm không thể phát huy tác dụng. 

Lý do là người già không bỏ tiền ra mua nhà, mua xe và các tài sản có giá trị khác. Trong khi đó, kích thích tiêu dùng lại chính là điều mà Fed mong muốn khi giữ lãi suất ở mức gần 0. Hơn nữa, số người như ông Rodwicks đang ngày càng tăng lên, khiến mục tiêu của Fed ngày càng xa vời. 

Phát biểu trong cuộc họp ngày 15/10, William C. Dudley, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, đã cho rằng quyết định chi tiêu của người già không dễ gì bị kích thích bởi chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây cũng có thể coi là lý do giải thích tại sao tốc độ hồi phục của nền kinh tế lại thấp hơn dự báo. 

Mỗi ngày trôi qua, có thêm 10.000 trong số 78 triệu người Mỹ sinh ra trong thời kỳ 1946 – 1964 (hay còn gọi là thế hệ baby boomers) bước sang tuổi 65. Theo nghiên cứu của viện Pew, đến năm 2030, nhóm này sẽ chiếm tới 18% dân số Mỹ. Năm 2011, tỷ lệ là 13%. 

Thông thường, người ta sẽ tiết kiệm nhiều hơn khi sắp bước vào tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng tài sản bị sụt giảm bởi khủng hoảng tài chính, hiệu ứng này càng được khuếch đại. Giá trị nhà ở giảm mạnh trong khi các khoản đầu tư vào chứng khoán cũng tiêu tan. 

Từ năm 2007 đến 2010, tính trung bình, tài sản của các hộ gia đình Mỹ đã giảm 38,8%, xuống còn 77.300 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1992. 39 tháng kể từ khi khủng hoảng kết thúc vào tháng 6/2009, tỷ lệ tiết kiệm trung bình cũng tăng lên 4,3%, cao hơn nhiều so với mức 2,3% trong 39 tháng trước khi khủng hoảng bắt đầu vào tháng 12/2007. 

Người nghỉ hưu và lao động cao tuổi cũng giảm chi tiêu bởi họ lo ngại thuế sẽ tăng lên trong khi chi phí dành cho các chương trình an sinh xã hội như Medicare hay Social Security bị cắt giảm. 

Trong khi các chính sách kích thích kinh tế của Fed giúp chi phí đi vay giảm xuống, lãi suất mà người gửi tiền được hưởng cũng bị giảm xuống. Hôm 20/9, mức lãi suất của chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm đã lần đầu tiên sụt giảm xuống mức dưới 1%. 

Chính Ben Bernanke, Chủ tịch Fed, cũng đã nhận định mức lãi suất hiện nay sẽ gây khó khăn cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, nếu như Fed nâng lãi suất trước khi nền kinh tế chưa phục hồi đủ mạnh, tất cả các doanh nghiệp sẽ gặp khó, tỷ lệ thất nghiệp lập tức tăng trở lại. 

Thế hệ baby boomers giờ đây đổ tiền vào sự nghiệp học hành của con cháu hoặc các khoản nợ thế chấp chứ không phải chi tiền vào giải trí, ăn uống, mua sắm đồ đạc và quần áo. 

Tuy nhiên, xu hướng thay đổi trong cơ cấu dân số cũng không phải không có lợi, đặc biệt là các công ty chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, vì người già rất nhạy cảm với giá, những công ty thực sự hướng đến phân khúc giá thấp sẽ được hưởng lợi. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên