MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán "cha truyền con nối" hóc búa của Samsung

04-08-2015 - 17:46 PM | Tài chính quốc tế

Một lần nữa, Samsung lại bước vào cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử. Lee Jae-yong (46 tuổi) đang dần dần “bước lên võ đài”. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo anh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những gì người cha Lee Kun-hee đã phải đối mặt cách đây 28 năm.

Khi Lee Kun-hee lên nắm quyền ở Samsung chỉ 2 tuần sau khi bố ông (và cũng là người sáng lập tập đoàn) qua đời năm 1987, ông đã đặt ra cho bản thân một mục tiêu được đánh giá là không thể đạt được: biến một tập đoàn tầm trung ở Hàn Quốc thành gã khổng lồ mang tầm cỡ toàn cầu sánh ngang với IBM hay General Electric.

Kun-hee có một tầm nhìn rõ ràng về cách làm thế nào để chinh phục ngọn núi đó: đặt cược lớn vào các công nghệ mới nổi và mở rộng quy mô gần như bằng bất cứ giá nào. Ông cũng có phong cách quản lý độc đáo. Cứ vài năm một lần, ông sẽ “giáng sấm sét” xuống trụ sở của tập đoàn ở Seoul, nơi ông hiếm khi xuất hiện. Ví dụ, năm 1993, ông ra lệnh cho tất cả các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn phải tạm ngưng toàn bộ công việc và ngay lập tức bay tới Frankfurt, nơi ông có bài phát biểu kéo dài tới 3 ngày.

Gần 30 năm sau, tức thời điểm hiện tại, Samsung đang có doanh thu lên tới hơn 300 tỷ USD. Hiện Samsung là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, với 2/3 doanh thu đến từ điện thoại thông minh, chip bán dẫn và các linh kiện khác. Phần còn lại đến từ những sản phẩm kém hiện đại hơn, từ máy giặt và tàu container cho tới các công viên giải trí và bảo hiểm nhân thọ.

Một lần nữa, Samsung lại bước vào cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử. Giờ đây đã 73 tuổi, Lee Kun-hee đã phải vào bệnh viện điều trị sau cơn đau tim năm ngoái. Các nguồn tin thân cận cho biết sức khỏe của ông đã ổn định nhưng ông sẽ không thể trở lại điều hành tập đoàn. Người con trai duy nhất là Lee Jae-yong (46 tuổi và có tên thường gọi là Jay) đang dần dần “bước lên võ đài”. Ngày 15/5 vừa qua, Samsung thông báo Jay sẽ trở thành Chủ tịch tại hai quỹ của gia đình. Các quỹ này nắm cổ phần tại hầu hết các công ty con của tập đoàn và do đó cho phép quản lý toàn bộ Samsung. Đây cũng là bộ mặt của Samsung trước công chúng với các hoạt động từ thiện.

Đảm nhiệm các hoạt động từ thiện như xây nhà cho người nghèo hay xây các trung tâm chăm sóc trẻ em sẽ củng cố hình ảnh của Jay như một người lãnh đạo mềm mỏng hơn và linh hoạt hơn so với cha của anh. Đây cũng được coi là một trong những bước cuối cùng trước khi “bước lên ngai vàng”. Theo dự báo, Jay sẽ đóng vai trò quản lý tại mảng quan trọng nhất của tập đoàn – Samsung Electronics – trong vài tháng tới.

Cho đến nay mới chỉ có rất ít thông tin về người lãnh đạo mới của Samsung. Những bài báo về Jay, đặc biệt là trên các báo phương Tây, thương nhắc đi nhắc lại một số điểm: rằng Jay là người ăn nói nhỏ nhẹ hơn, rằng anh đã tham gia vào một công ty đầu tư mạo hiểm thua lỗ trên thị trường thương mại điện tử vào cuối những năm 1990, và rằng các chuyên gia phân tích có vẻ không đánh giá cao khả năng lãnh đạo của Jay.

Trên thực tế, khi 50 chuyên gia gồm các nhà quản lý quỹ và một số chuyên gia phân tích TTCK được khảo sát về 11 nhân vật có thể kế nhiệm Lee Kun-hee, Lee chỉ xếp thứ 7 về khả năng lãnh đạo.

Thời gian gần đây, dư luận Hàn Quốc mạnh mẽ lên án sự độc quyền của mô hình chaebol. Tuy nhiên, trong trường hợp của Samsung, chí ít thì thế hệ thứ ba của nhà họ Lee là Lee Jae-yong và hai người chị (vốn đang điều hành một số mảng kinh doanh) đều trong sạch. Jay được tín nhiệm vì cách đây 1 năm đã thúc đẩy Samsung nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và hứa bồi thường cho các công nhân mắc bệnh bạch cầu khi làm việc trong các nhà máy sản xuất chip của hãng.

Những người đã gặp Jay đều nhận định anh có chút rụt rè, nhưng họ cũng đều khẳng định anh là một người thấu đáo, hài hước và thậm chí là có sức hút. Và mặc dù Jay không nằm trong Hội đồng quản trị của Samsung Electronics, sẽ là ngu ngốc nếu kết luận anh không có chút tiếng nói nào trong những động thái mới nhất của công ty.

Ví dụ mới nhất là sự kiện ra mắt mẫu điện thoại mới Galaxy S6. Có vẻ như mẫu này không bán chạy bằng các phiên bản trước, khiến thị phần của Samsung sụt giảm mạnh. Khi S6 ra mắt, truyền thông Hàn Quốc gọi đây là “điện thoại của Lee Jae-yong), giống như chiếc SGH-T100 được gọi là “điện thoại của Lee Kun-hee”. SGH-T100 ra mắt năm 2002 và đã trở thành mẫu điện thoại thắng lợi nhất của Samsung với hơn 10 triệu chiếc được bán ra.

Mặc dù có vẻ như Jay sẽ không đưa ra bài phát biểu kéo dài tới 3 ngày trước toàn thể nhân viên, anh sẽ noi gương người cha của mình trong một khía cạnh khác: rời xa những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày để tập trung vào các vấn đề mang tính chất chiến lược.

Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, đây là các vấn đề “khó nhằn” hơn rất nhiều so với những khó khăn của năm 1987. Mặc dù con đường dẫn lên đỉnh vinh quang của Lee Kun-hee cũng có nhiều chông gai, chí ít thì nó vẫn rõ ràng. Giờ đây, ngoài việc phải “trông nom” một tập đoàn to lớn hơn rất nhiều (với 80 công ty con và gần 500.000 nhân viên trên toàn thế giới), ông chủ mới sẽ phải thực hiện cùng lúc ba hành động cân bằng: giữa cạnh tranh và hợp tác, giữa phần cứng và phần mềm, và quan trọng nhất là giữa gốc gác Hàn Quốc và vị thế toàn cầu của thời điểm hiện tại.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên