MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán khống Enron - Thương vụ để đời của Jim Chanos

26-07-2015 - 23:16 PM | Tài chính quốc tế

Jim Chanos nổi tiếng là một nhà bán khống khét tiếng sau một số thương vụ bán khống cổ phiếu của các tập đoàn nổi tiếng. Trong số đó, vụ nổi tiếng nhất là tập đoàn năng lượng Enron.

Sinh năm 1957, James S.Chanos là một ông trùm quỹ đầu cơ người Mỹ, là Chủ tịch và nhà sáng lập của Kynikos Associates – một công ty tư vấn đầu tư tập trung vào bán khống. Chanos bắt đầu trở thành một nhà bán khống từ những năm 1980. Sau khi làm chuyên viên phân tích tại một số công ty, ông thành lập Kynikos vào năm 1985.

Có lẽ chiến thuật bán khống của Chanos xuất phát từ những gì ông học được từ Paine Webber, Gilford Securities và Deutsche Bank. Điểm chung trong chiến thuật bán khống mà các hãng này sử dụng là dựa trên những nghiên cứu sâu rộng về các cổ phiếu. Và, điểm đầu tiên Chanos tìm kiếm là những lỗi cơ bản trong việc định giá cổ phiếu.

Tháng 10/2010, một người bạn của Chanos nói với ông về một bài báo thú vị trên tờ Wall Street Journal lưu hành ở Texas. Bài báo nói về các thủ thuật kế toán tại các tập đoàn năng lượng lớn. Tác giả Jonathan Weil đã chỉ ra rằng rất nhiều trong số các tập đoàn này (trong đó có Enron) đã sử dụng phương pháp "ghi nhận doanh thu khi bán" cho các giao dịch năng lượng dài hạn. Về cơ bản, phương pháp này cho phép công ty ước tính lợi nhuận tương lai thu được từ một giao dịch đươc thực hiện hôm nay. Doanh thu được ghi nhận ở thời điểm hiện tại dựa trên giá trị quy đổi về hiện tại của những khoản lợi nhuận ước tính sẽ thu được trong tương lai.

Kinh nghiệm của Chanos cho thấy Enron nói riêng và các tập đoàn năng lượng nói chung sử dụng phương pháp này với một sai lầm: đánh giá quá cao về những khoản sẽ thu được trong tương lai. Do đó lợi nhuận có thể bị thổi phồng. Nếu thực tế xảy ra theo chiều ngược lại, lợi nhuận sẽ được điều chỉnh gảm. Thông thường các công ty sử dụng phương pháp kế toán này sẽ làm một cách đơn giản là thực hiện những thương vụ mới lớn hơn để bù đắp sự suy giảm. Một khi đã sa vào “vũng lầy” này, công ty khó lòng từ bỏ.

Chanos chú ý đến Enron vì mặc dù đi theo phương pháp ghi nhận doanh thu như mô tả ở trên, hệ số thu nhập trên vốn của Enron chỉ ở mức 7% (trước thuế). Mỗi USD đầu tư, Enron chỉ thu được 7 cent. Điều này quan trọng vì 2 lý do. Thứ nhất, Enron được coi là một công ty giao dịch có nhiều điểm tương đồng với một quỹ đầu cơ năng lượng và đối với loại này thì 7% là mức quá thấp. Thứ hai, chi phí vốn của Enron cao hơn mức 7%, có thể lên đến 9%. Điều này có nghĩa là xét về mặt nào đó Enron không thực sự kiếm ra tiền dù vẫn báo lãi trước các cổ đông. Đây là điểm mấu chốt khiến Chanos và quỹ của ông bán khống một lượng lớn cổ phiếu Enron.

Chanos cũng đọc những chú thích trong báo cáo tài chính của Enron về các giao dịch của hãng. Ông phát hiện ra rằng Enron đã tổ chức các thể chế chỉ với mục đích giao dịch với công ty mẹ. Có vẻ như các lãnh đạo cấp cao của Enron đã thực hiện một vụ giao dịch nội gián khối lượng rất lớn.

Bắt đầu từ tháng 1/2001, Chanos đã nói chuyện với một số chuyên gia phân tích từ nhiều công ty trên phố Wall để thảo luận về Enron và cổ phiếu Enron. Những lời cảnh báo của Chanos tỏ ra lạc lõng ở thời điểm đó. Công ty Enron được thành lập vào năm 1985, với doanh thu đến 101 tỷ USD trong năm 2000. Họ từng là tập đoàn năng lượng hùng mạnh nhất Hoa Kỳ, hoạt động ở trên 40 nước.

Một số cho rằng dù không có cách nào để phân tích Enron, đầu tư vào cổ phiếu này là một câu chuyện về lòng tin. Mùa xuân năm 2001, có một số thông tin (sau này được Enron xác nhận) rằng một số lãnh đạo cấp cao đang tìm cách rời khỏi công ty.

Đến mùa hè, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt và điện, bắt đầu giảm mạnh. Trên phố Wall xuất hiện những tin đồn rằng Enron đã bị mắc kẹt trên thị trường điện và đang buộc phải hành động nhằm giảm thiểu tác hại từ thị trường suy giảm.

Phần quan trọng nhất của câu chuyện là vào tháng 8/2001, khi CEO Jeff Skilling của Enron đột ngột từ chức vì “lý do cá nhân”. Không có hồi chuông cảnh báo nào lớn hơn đối với một công ty đang gây tranh cãi bằng sự ra đi chứa nhiều uẩn khúc của lãnh đạo cấp cao.

Khoảng tháng 11/2000, ngay sau khi cổ phiếu của Enron chạm mốc 90 USD và có mức mục tiêu 130 - 140USD/cổ phiếu, Kynikos Associates bắt đầu một vị thế bán. Nhận thức rằng Skilling là “kiến trúc sư” tạo nên Enron hiện tại, Chanos cho rằng đây là sự kiện kéo mọi thứ lên cao trào. Quỹ Kynikos Associates tăng mạnh vị thế bán cổ phiếu Enron trong danh mục đầu tư của mình. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, cổ phiếu Enron từ mức đỉnh 90 USD vào giữa năm 2000 đã tuột dốc không phanh xuống chỉ còn chưa tới 1 USD vào cuối tháng 11/2001. Nhiều nhà đầu tư đã trắng tay, hàng nghìn nhân viên của Enron mất việc làm. Tuy nhiên, Chanos, nhờ sự khôn ngoan và tỉnh táo khi phân tích hoạt động của Enron, đã nhìn thấy trước cái kết của “kẻ lừa đảo” và tự mang về cho bản thân một khoản tiền rất lớn.

Gần đây hơn, Chanos vẫn bảo lưu quan điểm bi quan về nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2010, ông thậm chí công khai tuyên bố sẽ bán khống thị trường Trung Quốc thông qua các công cụ phái sinh vì ông dự đoán nền kinh tế này sẽ sớm sụp đổ. 5 năm đã trôi qua, kinh tế Trung Quốc đã có nhiều điểm khác biệt với tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể và nhiều điểm yếu đang dần bộc lộ. Tuy nhiên, liệu lời tiên tri của Chanos có thể trở thành sự thực?

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên