MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử Hy Lạp – Cuộc khủng hoảng tiếp theo ở Eurozone

14-01-2015 - 09:14 AM | Tài chính quốc tế

Với cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 25/1 tới, một lần nữa Hy Lạp khuấy đảo châu Âu và thậm chí có thể khiến châu lục này rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn.

Trong suốt thời gian kể từ khi khủng hoảng ở Eurozone nổ ra vào cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp vẫn luôn nằm gần hoặc ở chính giữa “tâm bão”. Đây là nước đầu tiên nhận được gói cứu trợ vào tháng 5/2010, là chủ đề của các cuộc tranh luận lặp đi lặp lại về khả năng một nước phải rời khỏi khối đồng tiền chung trong các năm 2011 và 2012. Hy Lạp cũng là nước duy nhất ở Eurozone có nợ chính thức được tái cấu trúc. Ngày 29/12 năm ngoái, Quốc hội Hy Lạp đã không thể bầu ra một vị Tổng thống mới, dẫn tới cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức vào ngày 25/1 tới. Cuộc khủng hoảng ở Eurozone đang bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn và một lần nữa Hy Lạp lại ở giữa tâm bão.

Trong chốc lát, nhà đầu tư hoảng loạn với TTCK Athens giảm gần 5% chỉ trong 1 ngày. Các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh hơn thế và lợi suất trái phiếu 10 năm do chính phủ nước này phát hành tăng lên 9,5% (cao nhất trong năm 2014).

Nguyên nhân gây nên trạng thái hỗn loạn là do kết quả thăm dò cho thấy rất có thể chiến thắng sẽ thuộc về Syriza, đảng cánh tả dẫn đầu bởi Alexis Tsipras. Mặc dù luôn nói ông muốn giữ Hy Lạp ở lại Eurozone, ngài Tsipras cũng muốn loại bỏ tất cả các điều khoản đi liền với gói cứu trợ, chấm dứt những chính sách như thắt lưng buộc bụng, hạ mức lương tối thiểu hay giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, hai ước muốn này không thể cùng nhau trở thành hiện thực.

Do đó, nhiều khả năng một cuộc bầu cử sớm sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp. Điều gì diễn ra sau đó vẫn là một dấu hỏi. Nhà đầu tư thiên về suy nghĩ người dân Italy, Tây Ban Nha và Pháp cũng sẽ phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng – “đơn thuốc” mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kê cho họ. Tuy nhiên vẫn còn có quá sớm để đưa ra khả năng này.

Câu trả lời phụ thuộc vào Hy Lạp

Hãy bắt đầu với Hy Lạp. 14 tháng qua, Syriza vẫn luôn có số phiếu cao hơn so với đảng Tân Dân chủ (đang nắm quyền lãnh đạo) của ông Antonis Samaras trong các cuộc thăm dò. Mặc dù nền kinh tế Hy Lạp đang tăng trưởng trở lại, không có gì khó hiểu khi cử tri nước này vẫn tức giận khi đáng lẽ GDP đã giảm gần 20% kể từ năm 2010 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%.

Trong vài tuần gần đây, khoảng cách đã được thu hẹp. Tuy nhiên, kể cả khi Syriza không giành chiến thắng, đảng này vẫn sẽ trở thành đảng lớn nhất và ngài Tsipras hoàn toàn có thể nuôi hi vọng dẫn đầu chính phủ liên minh được thành lập sau bầu cử. Thêm vào đó, lần này bà Merkel sẽ gặp nhiều khó khăn khi cố gắng lặp lại kịch bản năm 2012, khi bà buộc Hy Lạp phải bỏ phiếu lại.

Một măt, Tsipras đã công khai từ bỏ thái độ thù địch với tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp và hạ giọng khi nói về những hứa hẹn vô lý. Mặt khác, ông vẫn nghĩ rằng mình có thể loại bỏ những điều kiện mà các chủ nợ áp đặt lên Hy Lạp để đổi lấy hai gói cứu trợ liên tiếp. Một phần nguyên nhân là bởi kinh tế Hy Lạp cuối cùng đã hồi phục và đang có thặng dư ngân sách.

Trên lý thuyết, một nền kinh tế tăng trưởng và thặng dư ngân sách sẽ giúp một quốc gia có khả năng thoái thác món nợ bởi nước này không còn phụ thuộc vào luồng vốn chảy vào. Tuy nhiên, kinh tế Hy Lạp vẫn chưa thể lấy lại lợi thế cạnh tranh đã mất, và chương trình của Tsipras đe dọa sẽ xóa bỏ hầu hết các thành tựu đạt được trong những năm gần đây.

Năm 2011 và 2012, các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về kịch bản Hy Lạp rời đi đến nỗi sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn. Điều ấy không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Những hàng rào ngăn chặn khủng hoảng lây lan mà Eurozone kỳ công gây dựng suốt mấy năm qua tỏ ra khá hữu ích. Cấu trúc của đồng euro cũng được thiết kế lại với quỹ cứu trợ mới. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia nhận cứu trợ đã tăng trưởng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm xuống.

Khoảnh khắc Lehman của Eurozone?

Giới phân tích cho rằng đây là một trò chơi mà cả hai bên là Hy Lạp và châu Âu không thể gánh nổi. Kể cả khi sự kiện Hy Lạp ra đi không còn nhiều rủi ro như trước, đây vẫn là một sự kiện khó dự đoán và đầy nguy hiểm. Hồi ức về khủng hoảng tháng 9/2008 hiện ra trong chốc lát. Khi đó cả thế giới cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu đủ khỏe mạnh để đối mặt với sự thất bại của một ngân hàng đầu tư riêng lẻ. Giờ đây nhà đầu tư đặt niềm tin vào những nước như Pháp (nơi Tổng thống có số phiếu tín nhiệm thấp chưa từng có) và Italy (nơi sau khi điều chỉnh theo lạm phát, GDP hiện thấp hơn cả năm 1999).

Điều tồi tệ hơn là sự không đồng đều trong bức tranh tăng trưởng của Eurozone sẽ dẫn đến rủi ro chính trị. Trong ngắn hạn, chừng nào các nước chủ nợ (đặc biệt là Đức) vẫn kiên trì với chính sách thắt lưng buộc bụng và nói không với lời đề nghị kích thích tiền tệ và tài khóa, tình trạng sẽ không được cải thiện.

Eurozone đã bước vào thời kỳ giảm phát đi kèm với trì trệ, thậm chí nhiều người lo ngại châu Âu sẽ giống với Nhật Bản trong những năm 1990. Các lãnh đạo của “lục địa già” đã không thể đẩy mạnh tái cấu trúc.

Năm 2015 gõ cửa, hầu hết các lãnh đạo châu Âu cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất với đồng euro đã qua. Tuy nhiên, cuộc bầu cử sớm ở Hy Lạp cho thấy còn quá sớm để khẳng định điều đó.

Thu Hương

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên