MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảy sắc cầu vồng khi USD lên giá

23-05-2013 - 11:16 AM | Tài chính quốc tế

Ngày 22.5, chủ tịch ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Fed) điều trần về tình hình kinh tế trước các uỷ ban liên quan của Quốc hội Mỹ.

Bản điều trần của ông Bernanke không chỉ tác động vào giá vàng, mà còn ảnh hưởng đến các thị trường tài chính khác như trái phiếu kho bạc và chứng khoán Mỹ và thế giới. Đồng USD đã bật tăng trở lại trong các phiên giao dịch từ cuối tuần trước. Nguyên nhân trực tiếp là do dự đoán FED sẽ ngừng gói nới lỏng tiền tệ, thậm chí có thể chấm dứt chương trình mua trái phiếu khiến USD sẽ nối tiếp đà tăng so với các đồng tiền khác.

USD Index, chỉ số sức mạnh của đồng USD so với sáu đồng tiền chủ chốt đã tăng mức cao nhất trong vòng ba năm qua. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong các giao dịch cuối tuần, đánh dấu tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp và đưa các chỉ số Dow Jones, S&P 500 lên những kỷ lục mới. Các chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index), chính sách tiền tệ của Nhật, điều trần của chủ tịch FED và phát biểu của thống đốc ngân hàng Trung ương Nhật sẽ là tâm điểm của thị trường.

Theo thống kê của tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD), kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,5% và có thể đạt mức 3%. Nhật Bản có mức tăng trưởng ngạc nhiên là 0,9% và có thể lên tới 3,5%. Còn lại, hầu hết các nền kinh tế EU đều suy thoái. 

Nhìn lại lịch sử, đồng USD có mãi lực thấp trong đa số quãng thời gian 40 năm qua. Chỉ có hai lần USD lên giá mạnh, đó là khi Hoa Kỳ quyết tâm đẩy lùi nạn lạm phát quá cao trước thập niên 1980 và khi các nước ráo riết đổi USD để đầu tư vào Mỹ sau cuộc cách mạng công nghệ tin học giai đoạn 1996 – 2000. Tuy nhiên, lý do thực chất của lên giá lần này là do người ta muốn tìm để gom và giữ tiền Mỹ (vì các ngoại tệ kia đều yếu quá).

Trong “rổ ngoại tệ” có sáu loại thì euro chiếm tỷ trọng khá cao là 57,6%, do vậy, khi tiền châu Âu mất giá thì tỷ lệ lên giá của đồng USD có mức gia trọng cao nhất.

Kế tiếp là đồng yen của Nhật. Thủ tướng Abe đã ban hành một kế hoạch cải cách táo bạo đi cùng một chính sách tiền tệ mạnh bạo là mua trái phiếu và bơm tiền ra với cường độ còn hơn gấp đôi Hoa Kỳ để đẩy lui nạn giảm phát và đạt chỉ tiêu lạm phát là 2%. Kết quả trông thấy là đồng yen đã sụt giá quá cái ngưỡng tâm lý là 100 yen mới ăn 1 USD. Trong khi đó, người ta đều thấy Nga, Ấn Độ hay Hàn Quốc thi nhau hạ lãi suất và bơm tiền để kích thích sản xuất với rủi ro lạm phát tái xuất hiện. Đấy mới là hậu quả đáng ngại nhất khi USD lên giá.

Với các nền kinh tế mới nổi

Khi USD rẻ, các nước đang phát triển đều đi vay và trả tiền lời thấp đã hút vào lượng tư bản nóng là tiền Mỹ. Họ trở thành nơi đầu tư có triển vọng, dù triển vọng ấy cũng thổi lên bong bóng đầu tư cổ phiếu hoặc địa ốc. Khi USD lên giá, mọi chuyện đều đảo ngược, gánh nợ hết rẻ như trước và sẽ gây bất ổn trong một môi trường sẵn có rủi ro lạm phát. Thí dụ như khi USD lên giá vào quãng 1985 thì các nước châu Mỹ Latinh bị khủng hoảng tài chính, và lần lên giá sau đó từ giữa thập niên 1990 thì dẫn đến khủng hoảng tài chính Đông Á vào các năm 1997 – 1998.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhưng chưa hoàn toàn quản lý theo thị trường, lại còn duy trì chính sách tiền tệ nước đôi. “Nước đôi” vì Trung Quốc vừa muốn kiểm soát tỷ giá đồng bạc và chính sách tài chính lại vừa mơ ước nội tệ trở thành ngoại tệ quốc tế nhưng không dám thả nổi. Trung Quốc muốn thế giới được tự do mua bán bằng nhân dân tệ, song chưa dám cho nhân dân trong nước quyền tự do ấy. Về thế lực, đồng nguyên chỉ chiếm 0,5% của lượng ngoại tệ trên toàn cầu, tức là ở vị trí rất thấp. Trên thực tế, Trung Quốc đã “bán cái” cho Mỹ quyết định về chính sách tiền tệ của mình khi gắn nhân dân tệ vào USD theo hối suất nhất định. Rồi đây sự tăng giá của tiền Mỹ sẽ dội thẳng vào cơ chế kinh tế tài chính vốn dĩ đã bấp bênh và rất dễ gây sốc bên trong Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Việt Nam đang phân vân giữa hai mục tiêu đều cấp bách, nan giải mà mâu thuẫn, đó là phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn sau khi đã tuột đến mức thấp nhất kể từ hơn mười năm nay, trong khi ấy cũng phải ổn định hệ thống tài chính và ngân hàng ngập nợ. Việt Nam lại vừa hạ lãi suất để kích thích sản xuất với nguy cơ lạm phát. Nếu USD lên giá mạnh, bất ổn sẽ tái xuất hiện, với cường độ cao hơn. Bóng ma khủng hoảng châu Mỹ Latinh và Đông Á đang trở về và cần được tìm hiểu, học hỏi để ngăn ngừa. Ý kiến của các chuyên gia không mấy lạc quan về khả năng ứng phó với viễn ảnh vỡ nợ trong tình trạng vừa lạm phát vừa suy thoái, gọi là đình đốn (stagnation).

Theo Nguyễn Xuân - Nguyễn Hoàng

huongnt

SGTT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên