MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí quyết của nhà quản lý quỹ 9 tỷ USD: Trung thành với tiền mặt

22-02-2016 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

Trước tháng 4 năm ngoái, quỹ của Hamish Douglass đã tăng tỷ trọng tiền mặt trong tổng tài sản lên 14% để đối phó với những cú sốc mà ông dự đoán sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán. Quỹ này có thành tích tốt hơn 99% các quỹ khác hoạt động trong cùng ngành.

Trước khi chứng khoán toàn cầu bắt đầu chao đảo vào năm ngoái, một nhà quản lý quỹ đầu tư trị giá 9 tỷ USD đã quyết định đã đến lúc phải thận trọng hơn để được an toàn, và ông tin rằng đó vẫn là chiến lược đúng đắn cho thời điểm hiện tại.

Suốt 5 năm qua, quỹ Chứng khoán Toàn cầu Magellan (MGEF) do Hamish Douglass quản lý đã có thành tích tốt hơn 99% các quỹ khác hoạt động trong cùng ngành. Trước tháng 4 năm ngoái, quỹ này đã tăng tỷ trọng tiền mặt trong tổng tài sản lên 14% để đối phó với những cú sốc mà ông dự đoán sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán. Douglass cảm thấy nguy hiểm ngay từ giữa năm 2014 và hiện vị CEO này đã chuyển gần 16% tài sản của quỹ sang tiền mặt, tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2009. Ông cũng không có kế hoạch mua thêm cổ phiếu trong tương lai gần.

“Chúng tôi đã chọn đúng thời điểm để bán cổ phiếu và đổi sang tiền mặt,” Douglass, 47 tuổi, hiện đang sống ở Sydney cho biết. “Chúng tôi đã sắp xếp đâu vào đó rất lâu trước khi sự hỗn loạn trên thị trường xảy ra.”

Chứng khoán toàn cầu bắt đầu đi xuống vào tháng 5 năm ngoái và lao dốc trong suốt 3 tháng sau do cú sốc phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn vào đầu năm nay khi giá dầu sụt giảm, nỗi lo giảm tốc ở nền kinh tế lớn nhất Châu Á và sự bán tháo cổ phiếu ngân hàng cùng kết hợp lại đẩy chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm hơn 20% và rơi vào trạng thái thị trường xuống giá (bear market) lần đầu tiên trong 5 năm.

Theo Bloomberg, MGEF với trị giá 5,4 tỷ USD là quỹ lớn nhất trong tổng các quỹ có trị giá 9,1 tỷ USD mà Douglass trực tiếp quản lý. Bản thân Magellan đang quản lý số tài sản lên tới 27,8 tỷ USD. Giá trị của MGEF đã tăng 0,4% trong năm ngoái và có thành tích vượt trội so với 90% các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI đã mất 13% giá trị trong cùng thời gian trên. Nếu tính trong 5 năm qua, MGEF thu về lợi nhuận bình quân 17,8% một năm, hơn 99% các quỹ còn lại.

Giá cổ phiếu vẫn đắt

Douglass không chạy theo giá cổ phiếu vì ông dự đoán Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng. Tuy nhiên, ông cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn đứng vững.

“Luận điểm chính của tôi là Trung Quốc sẽ không sụp đổ, đồng nhân dân tệ cũng không sụp đổ và sự phục hồi kinh tế ở Mỹ sẽ tiếp diễn trong vài năm tới,” ông nói.

Vấn đề mà Douglass quan tâm là định giá. Nếu kinh tế phục hồi và Fed từ từ tăng lãi suất, một số cổ phiếu được ưa chuộng nhất dường như đang được định giá quá cao. Một khi chúng giảm giá, ông mới bắt đầu mua trở lại.

“Các cổ phiếu chất lượng cao vẫn ở mức quá đắt xét trong bối cảnh lãi suất 0% đang thịnh hành trên thế giới,” ông nói. “Giữ tiền mặt vào thời điểm này vẫn tốt hơn là giữ cổ phiếu dù có độ an toàn đến đâu.”

Tính đến ngày 29/1, chỉ số biến động tối thiểu toàn cầu MSCI (MSCI World Minimum Volatility Index), gồm các chứng khoán được xem là an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, đang được giao dịch ở mức giá cao hơn 31% so với cổ phiếu thường MSCI tính theo tỷ lệ giá trên lợi nhuận.

Kể từ cuối tháng 1, các cổ phiếu có số lượng lớn nhất mà MGEF nắm giữ là Apple, Microsoft và Wells Fargo & Co. Hơn một nửa các khoản đầu tư của quỹ được dùng để mua cổ phiếu của các công ty Mỹ, và 15,6% tài sản của quỹ là tiền mặt. Theo Douglass, quỹ đang đón nhận dòng vốn kỷ lục của các nhà đầu tư cá nhân.

Sớm 6 tháng còn hơn muộn 6 phút

Douglass nổi danh ở Australia với tư cách là một nhà môi giới và trở thành người phụ trách thị trường Australia và New Zealand ở Deutsche Bank AG vào tuổi 35. Vào năm 2006, ông đã sáng lập Tập đoàn Tài chính Magellan cùng với Chris Mackay và được tỷ phú James Packer hỗ trợ.

Nói về động thái khôn ngoan năm ngoái, Douglass chia sẻ: “Trong đầu tư chứng khoán, sớm sáu tháng còn hơn là muộn sáu phút,” ông nói. “Có lẽ tôi đã sớm 12 tháng thay vì muộn 12 phút.”

Tuy nhiên, khi nói về mua cổ phiếu, ông sẵn sàng chờ đợi. “Trung Quốc sẽ ổn định trong 12 tháng tới. Nếu điều này xảy ra khi lãi suất của Mỹ bắt đầu tăng, cổ phiếu sẽ được định giá lại và đó sẽ là lúc để mua vào,” ông nhận định.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên