MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Big Data (2): Thung lũng Silicon vs. Phố Wall

24-12-2012 - 08:54 AM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng tương lai bắt buộc phải có khả năng thu thập và xử lý kho dữ liệu khổng lồ. Thung lũng Silicon có khả năng này, thế là họ quyết định sẽ làm luôn ngân hàng.

Kỳ trước: Lá chắn tên lửa từ những con số

Ngồi trên đống vàng

Khi mà năng lực xử lý khối lượng dữ liệu lớn đã trở nên phổ biến, ngân hàng chợt nhận ra khả năng này đâu phải mỗi dùng để chống gian lận. Dữ liệu là cả một núi vàng!

Cách dùng đầu tiên là bán thêm sản phầm cho khách hàng. Hàng tuần, Ngân hàng Santander gửi khách hàng một danh sách sản phẩm mà họ nghĩ khách sẽ hứng thú, ví dụ như bảo hiểm nhà cửa. Một số sản phẩm ngân hàng chào mua còn chẳng liên quan gì tới tài chính.

Báo cáo đặc biệt của The Economist về ngành ngân hàng bán lẻ:

Đường sống cho ngành ngân hàng

Chi nhánh ngân hàng tương lai (1): Vĩnh biệt quy tắc cũ

Chi nhánh ngân hàng tương lai (2): Tan vào không gian ảo

Chồi non từ địa ngục Tây Ban Nha

Big Data(1): Lá chắn tên lửa từ những con số

Big Data(2): Thung lũng Silicon vs. Phố Wall

Ngân hàng nằm gọn trong túi quần

Gọi điện, nhắn tin, facebook và ... ví tiền

Cơ hội từ luồng kiều hối

Nghề canh tiền cho các đại gia

Giành giật những khách "hơi giàu"

Ngân hàng toàn cầu đè bẹp địa phương 

Citi hiện có hơn 250 nhân viên chuyên phân tích dữ liệu tại Châu Á. Tại Singapore, Citigroup lưu ý các giao dịch thẻ của khách và thông báo cửa hàng/ nhà hàng nào có khuyến mãi. Năm ngoái, Citi mở một “phòng thí nghiệm sáng tạo” tại Singapore dành riêng để phân tích dữ liệu từ các khách hàng tổ chức lớn, và một trung tâm phân tích lớn khác tại Bangalore.

Chỉ cần khách đã đăng ký dịch vụ này quẹt thẻ là hệ thống biết được ngày giờ, địa điểm và sở thích mua sắm/ ăn uống trước kia của khách. Nếu hệ thống thấy khách thích đồ ăn Italia, và đã sắp tới giờ ăn rồi mà lại có một nhà hàng Italia ở gần đó, nó có thể gửi cho khách một tin nhắn thông báo có khuyến mãi tại nhà hàng này. Ngân hàng vừa có thêm một giao dịch, mà lai thu thêm được phí dịch vụ.

Tuyệt vời hơn, hệ thống này có có khả năng phát hiện những khách nào tận dụng những khuyến mãi này để tiếp tục tìm cách cải thiện chúng. Khởi nguồn của hệ thống này là cửa hàng trực tuyến của Amazon, với khả năng đề xuất sản phẩm khách có thể thích dựa trên các sản phẩm họ hoặc các khách tương tự đã mua.

McKinsey tính toán rằng một số ngân hàng khả năng có thể tăng gấp đôi tỷ lệ khách đồng ý vay và giảm một phần tư số khoản vay vỡ nợ chỉ bằng dữ liệu sẵn có. Ở Mỹ, Visa đã hợp tác với nhà bán lẻ quần áo Gap để gửi chào mời khuyến mãi tới chủ thẻ quẹt thẻ ở gần cửa hàng của Gap.

Nhưng theo dõi thói quen chi tiêu của khách có thể làm họ nổi giận. Ví dụ như đầu năm nay nhà bán lẻ Mỹ Target bị chỉ trích sau khi dựa vào xu hướng mua sắm của một cô gái mà kết luận cô này đã mang thai. Thế là Target gửi coupon đồ mẹ và bé cho cô, trong khi ngay đến ông bố còn chưa được biết.

Cách ít gây tranh cãi hơn là dựa vào kho dữ liệu để chào mời khách những thứ chắc chắn khách hàng sẽ dùng. Lloyds Banking Group chỉnh sửa hệ thống để nếu khách hàng có hỏi số dư còn bao nhiêu, họ sẽ biết luôn cả số dư dự tính nếu họ cứ tiêu với tốc độ hiện nay.

Thời đại mới, đối thủ mới

“Big data” đang hỗ trợ các ngân hàng, nhưng cũng từ đó mà xuất hiện các đối thủ mới. Một trong những đối thủ ấy là ZestCash, chuyên cho những người có lịch sử tín dụng kém vay. Công ty này do cựu Giám đốc Thông tin (CIO) và Kỹ sư trưởng của Google thành lập.

Khác biệt lớn nhất giữa ZestCash và phần lớn các ngân hàng là khối lượng dữ liệu khổng lồ mà nó xử lý. Trong khi phần lớn các ngân hàng Mỹ dưa vào điểm tín dụng FICO (dựa trên 15-20 chỉ tiêu, ví dụ như lượng tín dụng sử dụng và có trễ hẹn thanh toán không), ZestCash dựa vào hàng ngàn chỉ số.

Nếu một khách hàng gọi điện báo mình sẽ trễ hẹn thanh toán, phần lớn các ngân hàng sẽ coi đây là tín hiệu rất rủi ro. Nhưng ZestCash đã phát hiện ra rằng những khách hàng như thế lại nhiều khả năng sẽ hoàn trả khoản vay đầy đủ. Một chỉ báo hữu dụng khác là thời gian khách hàng truy cập vào ZestCash trước khi nộp đơn xin vay.

“Mọi bit dữ liệu đều khó hiểu, nhưng khi tổng hợp chúng một cách đủ thông minh, bạn có thể moi được vàng từ đống rác,” ông Merrill nói trong một hội thảo gần đây.

Do lịch sử tín dụng kém, khách của ZestCash không phải loại khách thông thường của ngân hàng. Ông Merrill nói lãi suất của ông chỉ bằng 1/3 “tín dụng đen” (dù vẫn lên tới khoảng 300%), nhưng tỷ lệ vỡ nợ vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình 40% của “tín dụng đen”.

Nhà bán lẻ Tesco của Anh thu thập lượng dữ liệu về thói quen mua sắm của khách hàng lớn đến mức họ có thể gửi chính xác loại coupon đến từng khách hàng. Khi một gia đình bắt đầu mua tã (tức họ đã có em bé), Tesco thường gửi voucher giảm giá bia vì biết người bố sẽ ít có cơ hội tới quán rượu.

Tesco còn có tham vọng với cả ngành ngân hàng. Công ty cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng, cấp tín dụng và đang định giới thiệu một tài khoản ngân hàng đầy đủ. Với lượng dữ liệu khổng lồ của mình, Tesco có thể đánh giá tốt khả năng trả nợ của khách hàng dựa trên số lần họ … đi mua rau.

Một số công ty khác đanh lấn sân ngân hàng. Trang lập kế hoạch tài chính trực tuyến Mint tập hợp tất cả thông tin tài chính của khách hàng từ nhiều nơi khác nhau. Khách có thể để tài khoản tại một ngân hàng và mở thẻ tín dụng tại vài ngân hàng khác. Mint giúp người khách này biết mình có (hoặc đang nợ) tổng cộng bao nhiêu.

Tin được không?

Nguy cơ đối với ngân hàng là các website dạng này chen vào giữa họ và khách hàng. Nếu khách tin các website như Minit nhiều hơn tin ngân hàng, có thể rút cục ngân hàng sẽ phải cung cấp các sản phẩm tài chính đơn giản với biên lợi nhuận thấp. Thậm chí họ có thể mất vai trò trung gian giữa người tiết kiệm và người đi vay.

Ông Andrew Haldane còn cho rằng với nếu tiếp cận với đủ thông tin của một người, nhà đầu tư và người tiết kiệm có thể chẳng còn cần đến ngân hàng nữa. “Với quyền tiếp cận rộng mở tới thông tin của người đi vay, chẳng có lý do gì để người tiết kiệm cuối cùng và nhà đầu tư cuối cùng không thể trực tiếp cho vay,” ông nói trong một diễn văn gần đây. “Trung gian ngân hàng có thể sẽ biến thành một mắt xích thừa. Tài chính có thể tiếp bước âm nhạc và xuất bản.”

Ông Mark Jenkinson từ công ty tư vấn Capco dự báo thị trường tài chính sẽ phát triển tới mức khách hàng sở hữu và kiểm soát dữ liệu tài chính của mình và chỉ cho phép ngân hàng tiếp cận nếu cần thiết.

Một thế giới như thế sẽ không sớm xuất hiện. Đến nay, phần lớn các công ty khai thác dữ liệu hoạt động ở Mỹ vì người dân ở đây sử dụng nhiều các công cụ lập kế hoạch tài chính. Dù vậy khi cách làm này lan rộng, ngân hàng sẽ rơi vào thế lưỡng nan.

Một số ngân hàng, ví dụ như Citigroup, đang cố gắng tập hợp mọi dữ liệu của khách hàng vào ngân hàng. Intuit, công ty đứng sau Mint, và công ty đối thủ Yodlee, đang bán phần mềm cho phép khách hàng theo dõi chi tiêu và số dư trên mọi tài khoản của mình.

Một số ngân hàng đang lo ngại sẽ có rủi ro uy tín và an ninh nếu chia sẽ dữ liệu. Ví dụ như BNP Paribas đang cung cấp một công cụ rất tốt để giúp khách hàng phân tích chi tiêu của mình, nhưng không nhập dữ liệu tài khoản khách hàng tại các nân hàng khác.

“Khách hàng muốn bản thân mình phải kiểm soát được dữ liệu của chính mình, “ bà Virginie Fauvel, người đứng đầu mảng ngân hàng trực tuyến, nói. Nhưng “có quá nhiều rủi ro nếu tập hợp dữ liệu … ngân hàng phải là nơi an toàn.”

Một cách làm khác là ngân hàng đưa ra các khuyến khích để khách hàng giao dịch thật nhiều với họ, nhờ thế mà tập trung hóa cả giao dịch lẫn thông tin. Ví dụ như Standard Chartered cho vay ưu đãi với khách hàng có nhiều tài khoản tại ngân hàng, chủ yếu vì họ cho rằng có thêm thông tin sẽ giúp họ đánh giá rủi ro chính xác hơn.

Một hướng đi nữa giúp ngân hàng theo gót khách hàng ở ngoài thế giới thực là cho họ những phương thức thanh toán và vay mượn mới. Cách phổ biến để áp dụng chiến lược này là dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (mobile banking).

Đón đọc kỳ tiếp theo: Ngân hàng nằm gọn trong túi quần

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

Trở lên trên