MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bill Clinton – ưu thế hay “gót chân Achilles” của Hillary Clinton?

18-04-2015 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Đảng Dân chủ đang tìm cách tận dụng tài năng chính trị của vị cựu tổng thống hào hoa nhất trong lịch sử Mỹ sao cho ông không phải là chiếc bóng quá lớn đối với người vợ cũng tài năng không kém.

Nội dung nổi bật:

- Ngoài những lợi thế về giới tính, khả năng gây quỹ, và các chính sách ngoại giao thì tài sản lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton có lẽ là chồng bà: Bill Clinton. Vị cựu tổng thống này là một trong những nhân vật được yêu thích nhất nước Mỹ

- Tuy nhiên, với bản tính phóng khoáng và hơi... thiếu kỉ luật của mình, ông cũng gây ra không ít phiền toái.


Làm thế nào để tận dụng khéo léo lợi thế từ việc bà Hillary từng là đệ nhất phu nhân của nước Mỹ trong chiến dịch tranh cử lần này? Đó cũng là câu hỏi mà các trợ lý của bà Clinton đã và đang đau đầu tìm ra lời giải vì họ không hề muốn lặp lại “vết xe đổ” của chiến dịch năm 2008.

Ngoài những lợi thế về giới tính, khả năng gây quỹ, và các chính sách ngoại giao thì tài sản lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton có lẽ là chồng bà: Bill Clinton. Vị cựu tổng thống này là một trong những nhân vật được yêu thích nhất nước Mỹ. Một cuộc thăm dò của NBC và WSJ cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông là 56%, cao hơn cả bà Clinton (44%), cựu tổng thống George W. Bush (35%) và đương kim tổng thống Obama (44%).

Bill Clinton là một chính trị gia tài năng, nổi tiếng với khả năng xoay chuyển những chính sách hay vấn đề kinh tế phức tạp trở thành “dễ chịu” hơn. Ông cũng là một trong những nhà phân tích chính trị nhạy bén nhất trong lịch sử các đời tổng thống hiện đại. Do vậy, bất kì ứng viên cũng có thể hưởng lợi từ sự hiểu biết sâu sắc của ông.

Tuy nhiên, với bản tính phóng khoáng và hơi... thiếu kỉ luật của mình, ông cũng gây ra không ít phiền toái. Điển hình là trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008 ở bang South Carolina ông đã làm phật lòng những cử tri Mỹ gốc Phi vốn là "fan" lâu đời của ông. Ông đã không thể che giấu được sự khó chịu vì tổng thống Barack Obama, khi đó là thượng nghị sĩ “đang lên” từ bang Illinois, vượt lên giành lợi thế trước bà Clinton.

Rồi có lúc, ông đã chế giễu quyết định phản đối cuộc chiến Iraq của ông Obama khi gọi đó là “câu chuyện cổ tích lớn nhất mà tôi từng được thấy.”

Sau đó ông lại so sánh ông Obama với Jesse Jackson, một lãnh tụ bảo vệ quyền công dân của người da đen, và cũng là người từng ra tranh cử tổng thống nhờ vào những lá phiếu ủng hộ của người Mỹ gốc Phi ở bang Carolina.

Toàn bộ những bình luận đó đã bị giới truyền thông dùng làm bằng chứng cho rằng ông Clinton tỏ ra thiếu tôn trọng một ứng viên da màu, khiến ông nổi giận, phải liên tục “đăng đàn” biện minh.

Dĩ nhiên, những người ủng hộ ông Clinton và đảng Dân chủ phủ nhận cáo buộc mang tính phân biệt chủng tộc đó nhưng cũng thừa nhận rằng những việc như thế là không có lợi cho phe mình. Matt Bennett, một chiến lược gia của đảng Dân chủ, từng làm việc ở Nhà trắng, cho rằng: “Ông ấy hành động giống như một người chồng khi thấy vợ bị tấn công chứ không phải là một chiến lược gia chính trị hay một cựu tổng thống.”

Một mối nguy hiểm khác: ông Clinton là người rất hòa đồng. Điều này chỉ làm giảm sự chú ý của công chúng giành cho bà Clinton, vốn là người ít hướng ngoại hơn. Nguy hiểm này đã được thấy rõ ở Iowa hồi năm ngoái, khi gia đình Clinton có buổi nói chuyện tại một sự kiện của đảng Dân chủ ở đây, và ông Clinton nhanh chóng trở thành... tâm điểm của sự chú ý.

Vì thế, năm nay chiến dịch của bà Clinton dường như là bà sẽ đi một mình trong giai đoạn đầu, gặp gỡ với những nhóm cử tri nhỏ và thân thiện thay vì nói chuyện với những đám đông như trước đây.

Ông Clinton cũng cho báo giới biết là ông sẽ đóng vai trò “cố vấn hậu trường” cho tới sát cuộc bầu cử. “Tôi nghĩ rằng để bà ấy đi như thế - đi như chưa từng phải chạy đua cho điều gì trước đây và đi để thiết lập mối quan hệ với các cử tri  - là quan trọng và bà ấy cũng nghĩ thế,” ông chia sẻ.

Chiến dịch đó đã được cựu đại sứ Terry Shumaker ủng hộ vì ông này từng giữ chức đồng chủ tịch trong cả hai chiến dịch của ông Clinton lúc trước ở bang New Hampshire, nơi mà ông từng chứng kiến các cử tri rất mong được gần gũi với các ứng cử viên. “Khi mọi người vào khu vực bỏ phiếu thì dĩ nhiên Bill Clinton sẽ không được vào. Đặc biệt là ở New Hampshire đây, bà Hillary Clinton cần phải nói chuyện và lắng nghe các cử tri, chứ không phải xuất hiện trên sân khấu bên cạnh chồng, phát biểu trước 1.000 người.”

Và sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc lại scandal tình ái giữa ông với cô nhân viên Nhà trắng Monica Lewinski năm nào. Đây là điều mà các đối thủ của bà Clinton có thể sẽ khai thác nhằm giành lợi thế.

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

Telegraph,International Business Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên